Ngày 4/11, theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về các vấn đề kinh tế-xã hội. Tại phiên thảo luận, một số đại biểu Quốc hội thể hiện sự băn khoăn về tính khả thi của các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và những hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra ở các tỉnh miền Trung.
Tính khả thi của chỉ tiêu tăng 6% GDP
Góp ý kiến về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng mục tiêu đạt mức tăng trưởng GDP 6% là cao do tình hình dịch bệnh khó lường, thiên tai, biến đổi khí hậu đang xảy ra trên diện rộng, gây thiệt hại nặng nề ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị xem xét lại chỉ tiêu này cho hợp lý. Theo đại biểu này, chỉ tiêu về quy mô GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.700 USD là quá cao vì năm 2020 quy mô GDP bình quân đầu người mới chỉ đạt 2.750 USD.
Đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị xem xét lại tính khả thi của chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là khoảng 4,8%, chỉ tiêu này thấp hơn so với năm 2019 và năm 2020, trong khi nước ta đang áp dụng và đổi mới các tiến bộ khoa học-công nghệ; chỉ tiêu về tỷ lệ che phủ rừng không tăng so với năm 2020.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung chỉ tiêu về mức tiêu hao năng lượng trên đơn vị GDP. Theo đại biểu, đây là chỉ tiêu quan trọng, phản ánh kết quả của việc đổi mới công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất và áp dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật để giảm mức tiêu hao năng lượng trong sản xuất kinh doanh, phản ánh sự thay đổi cấu trúc của nền kinh tế. Có thể giảm mức tiêu hao năng lượng so với GDP bằng cách hạn chế các ngành hoạt động tiêu tốn năng lượng và phát triển ngành hoạt động ít tiêu hao năng lượng hơn.
Cơ bản thống nhất với mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và giai đoạn tới, song giống như đại biểu Trần Văn Tiến, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng băn khoăn với chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế GDP.
Theo đại biểu này, dịch COVID-19 sẽ tiếp tục mang đến những tác động tiêu cực tới nước ta trong năm 2021 và nhiều năm tiếp theo; kinh tế thương mại thế giới suy giảm, diễn biến khó lường, đồng thời thiên tai, bão lũ vừa qua làm một số tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng chung đến kinh tế nước ta.
Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có các kịch bản, phương án, giải pháp cụ thể để giảm thiểu thiệt hại từ đại dịch COVID-19 trong điều kiện bình thường mới; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối kinh tế đối với việc khắc phục bão, lũ, sạt lở ở miền Trung.
Bổ sung các chỉ tiêu môi trường chủ yếu
Theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An), kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong 5 năm và hằng năm được Chính phủ trình Quốc hội xem xét các chỉ tiêu quan trọng cốt lõi, phản ánh sự phát triển chung của nền kinh tế. Hiện nay, chỉ tiêu tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là một trong những chỉ tiêu chủ yếu trong báo cáo kinh tế-xã hội hàng năm.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 có 90% số khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường và đến nay cơ bản đã đạt được. Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri và nghiên cứu, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nhận thấy, mặc dù việc đưa ra chỉ tiêu này là cần thiết nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường mà thực tiễn đặt ra.
[Quốc hội tiếp tục thảo luận về các vấn đề kinh tế-xã hội]
Dẫn báo cáo của Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) từ kỳ họp thứ 2 đến kỳ họp thứ 9 (Quốc hội khóa XIV) có nhiều kiến nghị của cử tri tập trung vào các vướng mắc về chính sách pháp luật bảo vệ môi trường, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng còn nhiều vấn đề bức xúc khác liên quan đến bảo vệ môi trường mà cử tri và nhân dân đang rất quan tâm, cần được giải quyết một cách căn cơ trong thời gian tới.
Để giải quyết vấn đề này, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường rà soát từng khu công nghiệp, khu chế xuất, công khai những khu công nghệ và khu chế xuất chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung để báo cáo Quốc hội và cử tri giám sát, đồng thời có giải pháp đầu tư hạ tầng để khắc phục tình trạng này.
Năm 2025, tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, không để kéo dài thêm 5 năm nữa đến năm 2030 mới xử lý dứt điểm vấn đề này như nêu tại báo cáo của Chính phủ và dự thảo văn văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị Chính phủ xem xét, bổ sung một số chỉ tiêu môi trường chủ yếu, phù hợp vào Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và giai đoạn 2021-2025. Cụ thể là chỉ tiêu về tỷ lệ nước thải thu gom, xử lý tại các khu đô thị, khu dân cư tập trung; chỉ tiêu tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn môi trường.
Việc xây dựng những chỉ tiêu cụ thể này sẽ giúp hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong công tác bảo vệ môi trường, từ đó giải quyết một cách tổng thể các vấn đề môi trường, ô nhiễm môi trường mà cử tri đang kiến nghị./.