Đại biểu Quốc hội: Cần thể chế hóa vấn đề quân đội làm kinh tế

Thảo luận về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị dự luật cần thể chế hóa, lãm rõ vấn đề quân đội tham gia làm kinh tế.
Đại biểu Quốc hội: Cần thể chế hóa vấn đề quân đội làm kinh tế ảnh 1Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Trí phát biểu ý kiến. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 4, sáng 24/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi). Các đại biểu thống nhất quan điểm xây dựng Luật nhằm đáp ứng xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; kết hợp quốc phòng với kinh tế, văn hóa, xã hội... đồng thời kiến nghị nhiều nội dung nhằm hoàn thiện dự án Luật.

Đáp ứng xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, hiện đại

Tại hội trường, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Quốc phòng năm 2005 như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ Tổ quốc, khắc phục những bất cập trong thực hiện luật hiện hành và bảo đảm sự đồng bộ, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Đa số ý kiến đề nghị thống nhất quan điểm sửa đổi Luật chỉ quy định những vấn đề cơ bản, những nguyên tắc chung về quốc phòng, còn những nội dung đã được các luật về lĩnh vực quốc phòng điều chỉnh hoặc dự kiến sẽ nâng thành luật thì không quy định quá cụ thể để tránh chồng chéo.

Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Hội (đoàn Nghệ An), cơ quan soạn thảo đã quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện đất nước ta mở cửa, hội nhập sâu rộng. Bản chất của Luật là khái quát, dự tính đến các yếu tố động và yếu tố tĩnh. Yếu tố tĩnh là quan điểm bảo vệ Tổ quốc; quan điểm về xây dựng quân đội, nhiệm vụ của quân đội; quan điểm về đối tác, đối tượng... Yếu tố động đó là mục đích của cuộc chiến tranh, các phương pháp, không gian của cuộc chiến tranh; các điều kiện cần và đủ cho một cuộc chiến tranh...

Nhất trí với quan điểm xây dựng Luật theo hướng luật khung, mang tính định hướng về công tác quốc phòng, đại biểu Giàng A Chu (Yên Bái) đề nghị là cần bổ sung thêm quan điểm sửa đổi Luật Quốc phòng lần này phải theo hướng là xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, hiện đại để đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trong mọi tình huống. Để phục vụ nhiệm vụ, yêu cầu của quốc phòng cần phải đáp ứng về trang bị cho quân đội, xóa bỏ quan điểm "xin-cho" như hiện nay, tập trung xây dựng đội quân vững mạnh, hiện đại.

"Quân số cũng là quan trọng nhưng chất lượng còn quan trọng hơn nhiều, tôi đề nghị cần phải xây dựng một lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ đặt ở các quân chủng, binh chủng để đảm bảo nhiệm vụ khi có tình huống. Trang bị cho quân đội cũng phải đổi mới, muốn đảm bảo lực lượng mạnh thì phải đáp ứng đúng yêu cầu, phù hợp với xu thế hiện nay" - đại biểu Giàng A Chu nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ những tồn tại, vướng mắc và đánh giá tác động một số chính sách mới như: quy định về tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; chính sách giáo dục quốc phòng...

[Quân đội tham gia phát triển kinh tế là quan điểm nhất quán của Đảng]

Theo đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) đề nghị ban soạn thảo cân nhắc quy định về tình trạng chiến tranh và tình trạng khẩn cấp về quốc phòng trong dự thảo Luật vì quy định như vậy có sự trùng lặp khái niệm tình trạng chiến tranh và trạng thái khẩn cấp về an ninh, quốc phòng. Đại biểu kiến nghị cân nhắc quy định tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, đảm bảo sự thống nhất của luật vì Hiến pháp 2013 chỉ quy định tình trạng khẩn cấp chứ không quy định tình trạng khẩn cấp về quốc phòng. Qua nghiên cứu, Luật Quốc phòng của Liên bang Nga cũng không quy định tình trạng khẩn cấp hay tình trạng khẩn cấp quốc phòng, không tách riêng tình trạng khẩn cấp về quốc phòng mà chỉ quy định chung về tình trạng khẩn cấp.

Về giáo dục quốc phòng an ninh, đại biểu Phòng cho rằng việc giáo dục lịch sử, lòng yêu nước, tri thức quốc phòng, an ninh, giáo dục về chiến tranh cho các đối tượng như quy định dự thảo Luật là cần thiết. Tuy nhiên, đối tượng là học sinh tiểu học, nhất là các cháu học sinh lớp 1 đã phải học môn chính khóa này, đại biểu Phòng cho rằng là quá sớm, bởi các cháu còn quá nhỏ để hiểu biết về quốc phòng và an ninh. Mặc dù những kiến thức với các cháu chưa yêu cầu cao, đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định giáo dục quốc phòng an ninh cho các cháu học sinh tiểu học.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ những tồn tại, vướng mắc và đánh giá tác động một số chính sách như: về phòng thủ quân khu, thiết quân luật, giới nghiêm... nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Quốc phòng.

Đại biểu Quốc hội: Cần thể chế hóa vấn đề quân đội làm kinh tế ảnh 2Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi). (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Kết hợp quốc phòng với kinh tế, văn hóa, xã hội

Về kết hợp quốc phòng với kinh tế, văn hóa, xã hội, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm thẩm định của cơ quan quân sự, công an các cấp đối với từng loại dự án; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc. Nhiều đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, làm rõ nội hàm của sự kết hợp quốc phòng với kinh tế, văn hóa, xã hội và những điều kiện, nguyên tắc cơ bản của sự kết hợp để bảo đảm tính khả thi của điều luật.

Đồng ý với quan điểm quân đội tham gia làm kinh tế, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phân tích về cơ sở pháp lý, Nghị quyết Đại hội Đảng 12 khẳng định, kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hoá xã hội với quốc phòng an ninh và quốc phòng an ninh với kinh tế, văn hóa xã hội. Trong Hiến pháp 1992 và Hiến pháp năm 2013 cũng đề cập tới kết hợp quốc phòng an ninh và kinh tế. Về thực tiễn, kinh tế và quốc phòng có quan hệ chặt chẽ biện chứng.

"Chính vì vậy, quân đội làm kinh tế là làm mạnh thêm cho quân đội, an ninh, tốt hơn cho xã hội, nhân dân, xã hội đánh giá cao hoạt động kinh tế của quân đội" - đại biểu nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, đại biểu Trí đề nghị quân đội phải rạch ròi những nội dung, phạm vi hoạt động phục vụ mục đích quốc phòng và nội dung phạm vi hoạt động làm kinh tế đơn thuần, không sử dụng đất đai sai mục đích. Trong các hoạt động làm kinh tế thì phải chấp hành luật pháp liên quan như đất đai, thương mại, cạnh tranh bình đẳng như doanh nghiệp khác. Hoạt động kinh tế của quân đội ưu tiên đúng nội dung, gắn với lợi thế của quân đội, gắn liền quốc phòng an ninh.

Ủng hộ thể chế hóa vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Khánh (Bình Dương) cho rằng, trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, quân đội tham gia phát triển kinh tế-xã hội sẽ góp phần thực hiện được 4 mục tiêu là gia tăng sức mạnh quân đội và sức mạnh tổng hợp quốc gia, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, tận dụng tiềm lực tiềm năng của đất nước về mọi mặt, từng bước nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.

Giải trình về vấn đề quân đội tham gia sản xuất, làm kinh tế, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch báo cáo, ngay từ ngày đầu thành lập, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam đã được Đảng và Bác Hồ xác định: "quân đội ta là quân đội cách mạng, đội quân chiến đấu, đội quân sản xuất lao động." Chức năng cơ bản đó được khẳng định và phát huy trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội trong hơn 70 năm qua. Quy định Quân đội nhân dân thực hiện nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng và cụ thể hóa Điều 68 của Hiến pháp năm 2013.

Thực hiện chức năng được giao, quân đội đã tham gia xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng các khu kinh tế quốc phòng; đảm bảo cơ sở hạ tầng, tránh hoang hóa đất đai; tạo điều kiện cho hàng vạn hộ dân làm kinh tế, ổn định đời sống, hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng du canh, du cư ở một số đồng bào dân tộc; xây dựng các làng, bản thành phên dậu vững chắc tuyến biên giới của Tổ quốc. Đây là những địa bàn mà những doanh nghiệp ngoài quân đội hầu như không đầu tư vì lợi nhuận thấp.

Đối với các doanh nghiệp quân đội, bên cạnh không ngừng đổi mới đáp ứng hội nhập, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh gắn với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Nhiều doanh nghiệp lập được thương hiệu, đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị công nghệ cao, mỗi năm đóng góp hàng ngàn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước như Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, Công ty Tân cảng Sài Gòn, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội MB Bank...

Quán triệt Nghị quyết của Trung ương, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng đã tiến hành đổi mới, sắp xếp lại cơ cấu doanh nghiệp quân đội từ 88 doanh nghiệp, chỉ để lại 17 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ quốc phòng; số còn lại thực hiện thoái vốn, cổ phần hóa, sáp nhập. Ngoài ra, các đoàn kinh tế quốc phòng, các doanh nghiệp quân đội còn là đơn vị dự bị động viên sẵn sàng mở rộng thành các binh đoàn chủ lực khi đất nước có chiến tranh.

"Vì vậy, nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng, làm kinh tế đã, đang và sẽ luôn là chức năng nhiệm vụ rất quan trọng của quân đội, cần phải được quy định trong Luật Quốc phòng sửa đổi" - Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục