Đại biểu Quốc hội chia sẻ về 'góc khuất' thủy điện và nhiệt điện

Đại biểu Quốc hội cho rằng bản thân thủy điện không có lỗi nếu xây dựng đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, thực hiện đúng nguyên tắc về an toàn. Vậy tại sao thủy điện nhỏ lại hay gây ra hệ lụy?
Đại biểu Bùi Thanh Tùng, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Đại biểu Bùi Thanh Tùng, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội XIV, thủy điện vừa và nhỏ; nhiệt điện... cùng những “góc khuất” về môi trường là một trong những câu chuyện “nóng” được nhiều đại biểu quan tâm chia sẻ với báo giới bên hành lang nghị trường.

Mỗi đại biểu có một góc nhìn và cách phân tích khác nhau về vấn đề này.

Thủy điện “gặp chuyện” do bị cắt bớt quy trình?

- Thời gian vừa qua có rất nhiều ý kiến khác nhau về thủy điện vừa và nhỏ, quan điểm của đại biểu về vấn đề này thế nào? Chúng ta có nên thanh tra, rà soát, đánh giá tác động của thủy điện vừa và nhỏ hay không?

Đại biểu Bùi Thanh Tùng, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng: Từ đầu kỳ họp thứ 10 đến nay rất nhiều đại biểu có quan điểm cho rằng không nên phát triển thủy điện nhỏ vì nó sẽ ảnh hưởng tới việc đảm bảo diện tích rừng, ảnh hưởng an toàn hồ, đập cũng như đời sống dân cư khu vực đó.

Tôi cho rằng, phải nhìn tổng thể và toàn diện hơn. Bản thân thủy điện không có lỗi nếu được xây dựng đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và thực hiện đúng các nguyên tắc về an toàn.

Tại sao thủy điện nhỏ lại hay gây ra hệ lụy? Bởi chủ đầu tư các nhà máy thủy điện nhỏ thường không đủ năng lực tài chính nên có thể cắt bớt quy trình trong quá trình đầu tư xây dựng, không kể một số trường hợp chủ đầu tư lợi dụng danh nghĩa xây dựng thủy điện để mở đường vào phá rừng, thực hiện các công việc khác.

Cho nên, câu chuyện ở đây là chính quyền địa phương phải kiểm soát thật tốt công tác đầu từ xây dựng. Phải hoàn toàn kiểm soát quá trình từ khâu chuẩn bị dự án cho đến triển khai tổ chức thực hiện, đến khi hoàn thành đưa vào sử dụng. Trong đó, phải quan tâm đến tính tuân thủ về các quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn công trình cũng như giải quyết tốt vấn đề tái định cư, đảm bảo an sinh xã hội đối với người dân ở khu vực xây dựng các công trình thủy điện.

Tuy nhiên, trong bối cảnh năng lượng đang rất thiếu, chúng ta vẫn phải khuyến khích tất cả các nguồn lực để có hệ thống điện cho quốc gia. Vấn đề là chúng ta cân đối như thế nào để đảm bảo vừa giữ được rừng, vừa đảm bảo an toàn các công trình hồ, đập vừa phát triển được thủy điện. Đó mới là điều cần quan tâm, bởi cũng không thể nói vì thủy điện có khả năng nguy hại mà chúng ta không nên phát triển.

Không đánh đổi môi trường lấy thủy điện

- Có ý kiến cho rằng chúng ta đang 'đánh đổi' môi trường lấy thủy điện, ý kiến của đại biểu về vấn đề này thế nào?

Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hộ, đoàn Quốc hội Quảng Trị: Tôi cho rằng chúng ta không nên nhìn ở một dự án mà có thể “vo” tất cả vào một vấn đề. Hiện nay, chúng ta làm rất nhiều thủy điện nhưng tại sao vấn đề lại xảy ra ở những thủy điện nhỏ? Ở các công trình thủy điện nhỏ lẻ, nếu nói buông lỏng thì hơi quá, nhưng có thể chưa kiểm soát chặt.

Đại biểu Quốc hội chia sẻ về 'góc khuất' thủy điện và nhiệt điện ảnh 1Đại biểu Đỗ Văn Sinh. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Như vậy, đánh giá tác động môi trường có đúng không, có nên đặt ở chỗ đó không và có nên chỉ vì ít MW mà chúng ta hủy hoại môi trường hay không…? Chúng ta cần phải xem xét những điều này...

Theo tôi, Chính phủ nên đánh giá tổng kết lại vấn đề này để có quyết định nên cho làm thủy điện nhỏ hay không? Bởi làm một thủy điện nhỏ ở vùng sâu vùng xa, ngoài tiền của chủ đầu tư thì toàn bộ hệ thống đường dây vào trạm là do doanh nghiệp và nhà nước đầu tư. Vậy thì hiệu quả ở đâu? Chúng ta phải tính một bài toán tổng thể về kinh tế, đặc biệt là về môi trường.

Nhìn tổng quát các công trình thủy điện lớn không có vấn đề gì. Thủy điện phát triển là đúng nhưng không vì thế chúng ta đánh đổi môi trường.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, đoàn Quốc hội thành phố Hà Nội: Thực tế những năm trước đây Quốc hội đã giám sát về vấn đề tác hại của thủy điện đối với cuộc sống người dân. Thủy điện nhỏ gây thu hẹp diện tích rừng và ảnh hưởng nhất định tới môi trường. Vì thế Quốc hội đã không khuyến khích và đưa vào quy định là hạn chế và tiến tới không cho phép làm thủy điện nhỏ và vừa.

Đại biểu Quốc hội chia sẻ về 'góc khuất' thủy điện và nhiệt điện ảnh 2Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh. (Ảnh: quochoi.vn)

Qua thực tế “lũ chồng lũ” thời gian vừa qua ở miền Trung, sự cố ở thủy điện Rào Trăng 3, phải chăng bây giờ là thời điểm các thủy điện phát huy tác hại?Đây chính là sự cảnh báo, nếu chúng ta tiếp tục làm thủy điện nhỏ ở các địa phương vì lợi ích kinh tế mà không tính đến phát triển môi trường bền vững thì sẽ tiếp tục tự mình gây ra khó khăn...

Còn 9,7 triệu khối tro xỉ nhiệt điện chưa tiêu hủy

- Đại biểu đánh giá thế nào về vấn đề môi trường tại các trung tâm nhiệt điện?

Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Theo giám sát của đoàn Quốc hội tỉnh Bình Thuận, trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp đã rất cố gắng tiến hành các giải pháp để đảm bảo môi trường quy hoạch.

Về phía các Bộ, ngành cũng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để đảm bảo môi trường. Về phía tỉnh cũng liên tục kiểm tra, giám sát và xử lý những sự cố xảy ra để làm sao giữ được môi trường tốt nhất.

Tuy nhiên, so với yêu cầu vẫn còn nguy cơ rất lớn. Vấn đề đáng quan tâm nhất là tồn đọng tro xỉ. Thời gian qua, thực hiện đề án tiêu hủy tro xỉ, các nhà máy mới chỉ tiêu hủy được 1,3 triệu khối tro xỉ, còn tồn 9,7 triệu khối tro xỉ vẫn chôn lấp.

Đại biểu Quốc hội chia sẻ về 'góc khuất' thủy điện và nhiệt điện ảnh 3Hiện trường tìm kiếm công nhân bị vùi lấp ở thủy điện Rào Trăng 3. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Với điều kiện khí hậu, thời tiết gió lốc, nắng nóng khắc nghiệt như hiện nay sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào làm ảnh hưởng tới đời sống người dân. Vì vậy, cần phải tiếp tục các giải pháp hợp lý, đồng bộ, có khuyến khích để tiêu thụ tro xỉ sớm. Tôi nghĩ đây là vấn đề các nhà máy, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phải quan tâm giải quyết sớm.

- Lâu nay chúng ta vẫn nói phát triển kinh tế-xã hội nhưng phải đảm bảo môi trường bền vững và vấn đề này cũng đã được đưa vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XIII, đại biểu có ý kiến gì về vấn đề này?

Đại biểu Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk: Năm bài học đã được dự thảo trong văn kiện Đại hội Đảng XIII rất xác đáng và đó cũng là căn cứ để chúng ta phát huy trong giai đoạn mới, nhất là vấn đề quản lý, bảo vệ môi trường.

Phát triển kinh tế nhưng phải bảo vệ môi trường thì sự phát triển đó mới bền vững. Do đó, môi trường là một trong những vấn đề mà không chỉ Việt Nam mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều quan tâm. Chúng ta cũng bắt đầu chú trọng vào việc bảo vệ môi trường hơn, bởi nếu không sẽ không thể phát triển bền vững.

Hiện nay, bài học liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường trong chủ trương dự thảo đã có câu: “Phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, đảm bảo quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên.” Vì vậy, vấn đề môi trường đang được đặt ra rất quan trọng, nếu Đại hội thông qua sẽ là căn cứ cho chúng ta thực hiện.

- Xin cảm ơn chia sẻ của các đại biểu!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục