Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021-2025; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển Kinh tế-Xã hội...
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã quan tâm cho ý kiến đối với Chương trình Chuyển đổi Số Quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần giải quyết những khó khăn trong quá trình triển khai.
Khắc phục thiếu hụt trong triển khai Chuyển đổi Số
Bày tỏ nhất trí cao với các nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra trong Báo cáo của Chính phủ, đại biểu Lý Thị Lan (Hà Giang) cho rằng để đạt được mục tiêu, Chính phủ cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả, thực chất, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, trong đó chú trọng ba đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như đã nêu trong quan điểm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Quan tâm tới việc triển khai Chương trình Chuyển đổi Số Quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đại biểu Lý Thị Lan đánh giá, quá trình thực hiện Chuyển đổi Số đã tạo được sự phát triển đột phá về Công nghệ Số. Nhiệm vụ này đã được Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đúng trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là việc xây dựng dữ liệu quốc gia về dân cư với quan điểm dữ liệu là quan trọng và cấp bách.
[Tạo đột phá thúc đẩy trong qua trình Chuyển đổi Số Quốc gia]
Tuy nhiên, theo đại biểu tỉnh Hà Giang, trong quá trình triển khai thực hiện Chuyển đổi Số ở nhiều địa phương vẫn còn có những khó khăn như thiếu hụt về nhân sự, về công nghệ thông tin. Ở những địa phương có đồng bào vùng dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều người chưa có điện thoại di động, chưa có điều kiện để tiếp cận thông tin, hạ tầng Công nghệ Số còn thiếu và lạc hậu.
Một số vùng còn chưa có sóng di động, chưa có điện lưới quốc gia. Việc triển khai hệ thống thông tin giữa Trung ương và địa phương chưa đồng bộ, còn hiện tượng trùng lặp dẫn đến địa phương phải dừng triển khai hoặc thay thế, nâng cấp để kết nối với Trung ương. Có những hệ thống thông tin dùng chung trong hệ thống chính trị nhưng mỗi nơi sử dụng một phần mềm khác nhau.
Đại biểu cho rằng đây chính là vấn đề lãng phí trong Chuyển đổi Số. Để khắc phục những hạn chế này và hoàn thành mục tiêu cơ bản Chuyển đổi Số đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm từ Thể chế, Nhân lực Số; kết nối các cơ sở dữ liệu; quyết liệt triển khai hệ thống thông tin, Cơ sở Dữ liệu Quốc gia thống nhất từ Trung ương đến địa phương; thống nhất tích hợp tất cả các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác, đảm bảo dữ liệu luôn đúng, đủ, sạch, sống theo thời gian thực.
Đồng tình với đại biểu Lý Thị Lan, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Quảng Nam) nêu thực tế qua tiếp xúc cử tri cho thấy, hiện nay tồn tại quá nhiều phần mềm, ứng dụng, quản lý được các cơ quan, ban, ngành, hội, đoàn thể triển khai đến người dân. Một số phần mềm, ứng dụng trong quá trình triển khai vận hành chưa thật sự thông suốt, hiệu quả không cao, chỉ cài đặt mang tính số lượng.
Về vấn đề này, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh đề nghị Chính phủ chỉ đạo thống kê, rà soát hiện nay có bao nhiêu phần mềm đang được xây dựng đã được triển khai, có nguồn lực đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước; chỉ đạo đánh giá về tính hiệu quả, thiết thực của các phần mềm, ứng dụng này; kiểm soát chặt chẽ để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư; chỉ đạo xây dựng một phần mềm ứng dụng thống nhất, có khả năng tích hợp tất cả những nội dung quản lý nhà nước của các ngành, các lĩnh vực để người dân chỉ cần cài đặt một lần, sau đó cập nhật và sử dụng.
Đối với tình trạng có quá nhiều phần mềm, ứng dụng triển khai tới người dân, đại biểu cho rằng sẽ dẫn đến nhiều cơ quan, đơn vị lưu trữ, quản lý và khai thác thông tin của công dân như địa chỉ, số điện thoại. Do đó, việc quản lý, bảo mật thông tin này cần hết sức được quan tâm. Đại biểu đề nghị Chính phủ có biện pháp chỉ đạo và quản lý chặt chẽ vấn đề này.
Làm rõ nguyên nhân tình trạng văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn
Góp ý về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá cao sự quyết liệt của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội, nhất là sự tích cực, trách nhiệm của Thường trực Tổ công tác của Chính phủ với 523 văn bản quy phạm pháp luật đã được rà soát, với 22 lĩnh vực trọng tâm và các lĩnh vực khác, cơ bản đã hoàn thành trong thời gian ngắn.
Theo báo cáo rà soát, chỉ có 6,5% là văn bản quy phạm pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo, phần lớn là văn bản có bất cập, vướng mắc, tập trung ở các văn bản dưới luật. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị báo cáo cần phân tích cụ thể hơn các nguyên nhân chủ quan của tình trạng này, là do cơ quan chủ trì soạn thảo chưa thực hiện nghiêm quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hay việc lấy ý kiến chưa đầy đủ, hoặc việc đánh giá tác động của chính sách chưa sâu, mang tính hình thức, hay do việc tiếp thu, giải trình của các cơ quan soạn thảo có lúc còn mang tính chủ quan... Những nguyên nhân nói trên cần được làm rõ để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Tranh luận với các ý kiến cho rằng chất lượng hệ thống pháp luật còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, đại biểu Đỗ Đức Hiển (Thành phố Hồ Chí Minh) nêu rõ, với khối lượng rà soát lớn gồm hơn 500 văn bản gồm cả văn bản luật và dưới luật, qua rà soát chưa phát hiện thấy nội dung trái với chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp và điều ước quốc tế. Điều này đã được thể hiện rất rõ trong báo cáo của Chính phủ cũng như ý kiến độc lập của các cơ quan của Quốc hội.
Theo đại biểu Đỗ Đức Hiển, những nội dung được phát hiện là mâu thuẫn, chồng chéo tuy có nhưng không nhiều và chủ yếu do bất cập, lạc hậu với thực tiễn. Trong từng nội dung được phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo đều đã có hướng xử lý khá cụ thể cả về nội dung, về tiến độ và cách thức thực hiện.
Ngoài ra, qua rà soát cũng chưa phát sinh yêu cầu cấp bách cần phải xử lý cũng như việc phải dùng một luật để sửa nhiều luật./.