Trong chặng đường 10 tháng của năm, số liệu công bố từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy giải ngân của cả nước ước vào khoảng 298 nghìn tỷ đồng, đạt 51% kế hoạch được giao.
Các đại biểu Quốc hội cho rằng hai tháng cuối năm cộng thêm một tháng giải ngân chuẩn bị quyết toán (để thúc đẩy giải ngân), các cấp quản lý cần có nhóm giải pháp quyết liệt, tích cực hơn để có thể đạt khối lượng giải ngân cao vào thời điểm ngày 31/1/2023.
Phải giải quyết triệt để điểm nghẽn
Trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ ra kế hoạch triển khai gói đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2022-2025) là 2.870 nghìn tỷ đồng, cộng thêm gói tài khóa tiền tệ hơn 140 nghìn tỷ đồng vừa được thông qua (theo tinh thần Nghị quyết 43 của Quốc hội), như vậy khối lượng giải ngân nguồn vốn đầu tư công mỗi năm khoảng 600 nghìn tỷ đồng.
“Theo số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố, việc thực hiện giải ngân nguồn vốn này còn rất chậm, do đó cần phải tập trung triển khai trong thời gian tới,” ông Ngân nói.
[Đại biểu Quốc hội: Sớm khơi thông dòng vốn để ổn định kinh tế vĩ mô]
Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội nhấn mạnh đầu tư công có tác động tăng sức cầu của nền kinh tế. Thêm nguồn lực từ nguồn vốn ngân sách vào nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh thị trường khó khăn sẽ tác động phục hồi và lan tỏa cho các khu vực kinh tế khác.
“Giải ngân đầu tư công chủ yếu tập trung vào các công trình giao thông, công trình kết nối, do vậy phải đẩy mạnh dòng vốn này, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế đứng trước khó khăn do những ảnh hưởng từ xu hướng suy giảm của kinh tế thế giới,” ông Cường nói.
Với thực tiễn trên, đại biểu Trần Văn Khải, đoàn Hà Nam đề nghị Chính phủ cần có báo cáo, phân tích làm rõ thực trạng về những nguyên nhân khách quan, chủ quan về phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian qua, trong đó đầu tiên - tại sao đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn.
Ông Khải nhấn mạnh mặc dù Chính phủ đã áp dụng nhiều biện pháp song tiến độ giải ngân vẫn chậm, nhất là các công trình quốc gia nhiều dự án không hoàn thành đúng tiến độ. Theo ông, nội dung này cần đánh giá đúng tình hình, làm rõ những vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách và yếu kém trong tổ chức thực hiện.
“Chậm trễ giải ngân nguồn vốn đầu tư công như trên là không hợp lý, do đó các cấp, ngành cần xem xét lại, nhất là các dự án có nguồn ODA tiến độ hầu như rất thấp. Năm nào, các cấp quản lý cũng nói đầu tư công là điểm nghẽn, song nghẽn trong năm nay nằm ở đâu, chỗ nào (Trung ương hay địa phương và cụ thể công trình/dự án nào) để có thể chỉ đạo cụ thể trong thời gian tới. Tôi cũng đề nghị Chính phủ báo cáo nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân,” ông Khải nói.
Quy trách nhiệm người đứng đầu
Về nguồn lực, ông Cường khẳng định: “Việt Nam đang có dư địa về mặt tài khóa và tỷ lệ nợ công khá thấp, vì vậy hoàn toàn có nguồn lực để thực hiện đầu tư công. Song rất tiếc thời gian vừa qua, công tác giải ngân gặp nhiều vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ - ở đây có cả yếu tố khách quan và nhân tố chủ quan.”
Theo ông Cường, yếu tố khách quan điển hình dẫn tới hầu hết các dự án triển khai chậm là giải phóng mặt bằng giải phóng, do liên quan đến chính sách đền bù chưa thỏa đáng.
“Tới đây, Quốc hội sẽ thảo luận về Luật đất đai (sửa đổi) trong đó cũng đưa ra vấn đề giải quyết đền bù thỏa đáng trong công tác giải phóng mặt bằng. Song, trong khi chờ Luật mới được thi hành, Quốc Hội cần ban hành những nghị quyết mới trong giai đoạn chờ đó, để giải quyết những vướng mắc về vấn đề giải phóng mặt bằng,” ông Cường đề xuất.
Bên cạnh đó, ông Cường chỉ ra các quy định pháp luật hiện hành đang có những mâu thuẫn, chồng chéo. Ví dụ như muốn giải ngân một dự án đầu tư công sẽ phải thỏa mãn nhiều quy định luật pháp khác nhau và đôi khi thỏa mãn như trên không được giải quyết, dẫn đến giải ngân bị chậm trễ.
Đối với yếu tố chủ quan, ông Cường cũng chỉ rõ có những tỉnh, thành triển khai vốn đầu tư công rất nhanh, song nhiều địa phương lại rất chậm. Theo ông rõ ràng đây là yếu tố chủ quan thuộc về trách nhiệm của người đứng đầu của những đơn vị được giao vốn, nên phải tăng cường hơn quy định trách nhiệm cá nhân của những người này.
“Đặc biệt không phải là chỉ dưới góc độ quản lý Nhà nước, tôi cho rằng những người đứng đầu này còn chịu trách nhiệm đối với người dân địa phương. Tại các địa phương triển khai đầu tư công chậm, hội đồng nhân dân, người dân địa phương phải có sự đánh giá về những người đứng đầu đã hoàn thành trách nhiệm hay chưa,” ông Cường nói.
Theo ông Cường, sự chậm trễ này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả lan tỏa cho phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19, mà nó còn gây ra lãng phí, thất thoát nguồn lực lớn.
“Bởi, quản lý tài sản công và đầu tư công là một lĩnh vực thường gây ra yếu tố thất thoát và lãng phí. Vốn đầu tư công chậm không triển khai kịp thời dẫn đến chuyện ứ đọng vốn, bên cạnh đó những dự án bị đội vốn cũng gây lãng phí (như không triển khai kịp thời để công trình hoang hóa)… rõ ràng chúng ta nhìn thấy khá là tràn lan và phổ biến ở mọi lĩnh vực,” ông Cường chỉ ra.
Đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhận định hai vấn đề thách thức lớn nhất trong thời gian tới là lạm phát và giải ngân vốn đầu tư công.
Riêng về đầu tư công, ông Lâm nhấn mạnh: “Năng lực giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua còn hạn chế, trong khi năm 2023 số vốn đầu tư công cần giải ngân rất lớn. Bài toán đặt ra cần có giải pháp để tiến độ giải ngân đạt hiệu quả, bởi điều này có ý nghĩa then chốt trong việc tạo ra năng lực phát triển và tốc độ tăng trưởng bền vững của kinh tế đất nước trong năm 2023 và những năm tiếp theo”./.