Đại biểu Quốc hội kêu gọi người dân tin tưởng vào vaccine COVID-19

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng chương trình vaccine là hết sức cần thiết, tạo miễn dịch cộng đồng chủ động, giải pháp chống dịch 5K+vaccine bền vững, căn cơ và chủ động.
Đại biểu Quốc hội kêu gọi người dân tin tưởng vào vaccine COVID-19 ảnh 1Thượng toạ Thích Bảo Nghiêm, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ nhất, ngày 25/7, Quốc hội thảo luận tại Hội trường, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 (trong đó có nội dung về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới).

Phiên họp buổi sáng do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành, được truyền hình trực tiếp để nhân dân và cử tri theo dõi.

Tăng, ni cởi cà sa khoác áo blouse cùng xông pha vào nơi tuyến đầu chống dịch

Là đại biểu đầu tiên phát biểu, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) cho biết vui mừng về những kết quả phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2021. Đây là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới.

Tuy đại dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nước ta đã đạt được nhiều mục tiêu đề ra, kinh tế vĩ mô ổn định, cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, an sinh và phúc lợi xã hội được chú trọng.

Tuy còn một số tồn tại như hàng hóa xuất, nhập khẩu có thời điểm còn bị ùn ứ, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, lực lượng lao động trong nền kinh tế có giảm, một bộ phận người dân còn khó khăn trong đời sống, nhất là trong các khu công nghiệp và một số vùng tâm dịch, song, nhìn chung kết quả đạt được là đáng tự hào, tạo thêm niềm tin của dân vào Đảng và Nhà nước.

Theo đại biểu, trong giai đoạn và bối cảnh hiện nay, cần quan tâm nhiều hơn đến các giải pháp hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động đảm bảo kịp thời, khi con người là trung tâm sẽ tạo xung lực tích cực mới để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

[Thủ tướng: Tạo mọi điều kiện để có vaccine trong nước sớm nhất]

Nhắc đến những thành công trong phòng, chống dịch COVID-19, đại biểu cho rằng, điều này có được là do “sự chỉ đạo tài tình của Đảng, Chính phủ, sự đồng tình chung sức, chung lòng chống dịch của toàn dân với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau.”

Trong khối đại đoàn kết dân tộc ấy, cũng có sự đóng góp không nhỏ của các tôn giáo, như việc làm lễ, giảng pháp của các tôn giáo đều trực tuyến.

Có 299 tình nguyện viên là tăng ni, tu sỹ, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã tình nguyện tham gia vào đội ngũ tuyến đầu chống dịch tại các bệnh viện hồi sức chuyên sâu, bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 10 và số 12.

Đây mới chỉ là đợt một, nhiều người sẽ lên đường vào các đợt tiếp theo dưới sự điều phối của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh. Điều đó chính là minh chứng rõ nét cho tinh thần thương người như thể thương thân của đồng bào ta.

“Hơn 2000 năm qua, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc. Khi đất nước có giặc ngoại xâm tăng, ni cởi cà sa khoác chiến bào cùng nhân dân đánh đuổi quân xâm lăng. Khi có thiên tai, tăng ni, phật tử khắp mọi miền đã đi đến những nơi bị ảnh hưởng để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, dịch bệnh. Thời dịch bệnh, tăng, ni cởi cà sa khoác áo blouse cùng xông pha vào nơi tuyến đầu chống dịch, bất kể nguy nan,” Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nói.

Tính đến ngày 20/7, đã có 612 tình nguyện viên phật giáo, trong đó có 59 tăng ni và 553 phật tử phát tâm đăng ký chăm sóc bệnh nhân F0 tại bệnh viện dã chiến, nhiều ngôi chùa xung phong trở thành bệnh viện dã chiến.

Những chiếc máy thở, phòng áp lực âm, trang thiết bị y tế cần thiết đã được Giáo hội trao tặng thông qua Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ngoài việc hỗ trợ tiền mặt, rất nhiều ngôi chùa trong cả nước đã chuyển hàng trăm tấn rau, củ quả và nhu yếu phẩm để chuyển vào những vùng tâm dịch, hỗ trợ người dân đang bị cách ly.

Ngoài ra, Trung ương Giáo hội và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành cùng các phật tử đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng vào Quỹ vaccine phòng dịch COVID-19.

“Qua đó tôi thấy cần phải nhấn mạnh đến bài học kinh nghiệm từ niềm tin và tình người. Đây không chỉ là truyền thống mà còn là bản lĩnh của người Việt Nam, càng khó khăn, càng biết chăm lo, thúc đẩy sẽ là động lực giúp chúng ta vượt khó, vững bước trên con đường đã chọn,” đại biểu Thích Bảo Nghiêm đúc kết.

5K+vaccine - giải pháp căn cơ và bền vững

Nhận định dịch COVID-19 chắc chắn sẽ còn hoành hành dữ dội, còn dịch thì còn có những tác động tiêu cực đến sức khỏe, đời sống, hoạt động sản xuất, còn gây tốn kém, mất mát, đứt gãy và khó làm ăn, thậm chí còn khó sống yên ổn, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, các kế hoạch cần xây dựng thêm nhiều kịch bản, dựa vào đó để xây dựng các chỉ tiêu cho phù hợp, vừa sức và hiệu quả.

Hai mục tiêu chống dịch và hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế đều rất quan trọng, nhưng chống dịch phải được ưu tiên làm trước, làm quyết liệt, vì chỉ chùng xuống vài ngày là dịch sẽ quá tầm kiểm soát. Có chống dịch tốt mới đảm bảo được tính mạng của nhân dân và phát triển được kinh tế.

Đại biểu Quốc hội kêu gọi người dân tin tưởng vào vaccine COVID-19 ảnh 2Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Trí phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Theo đại biểu, dịch COVID-19 không dễ đẩy lùi, còn rất gian nan, vất vả, tốn kém và dù kịch bản nào cũng phải tập trung chống dịch, khó khăn mấy cũng phải chống dịch vì tính mạng nhân dân là trên hết và trước hết. Phải quyết liệt, kiên định mục tiêu kép và trong chống dịch, sự linh hoạt là rất quan trọng.

Thủ tướng đã chỉ đạo, tùy tình hình dịch ở từng địa phương mà đẩy mạnh chú trọng mục tiêu nào cho phù hợp, cho hiệu quả, việc cách ly F1, F0 tại nhà hay khu cách ly tập trung cũng cần thực hiện linh hoạt. Nếu cách ly tại nhà thì phải thực hiện cho thật đúng, thật tốt quy định cách ly.

Ông đề nghị kiên định với 5K+vaccine, muốn làm được tốt 5K thì tinh thần đồng tâm, nghiêm túc chấp hành là hết sức quan trọng. Còn chương trình vaccine là hết sức cần thiết, tạo miễn dịch cộng đồng chủ động. Giải pháp chống dịch này bền vững, căn cơ và chủ động. Xin đồng bào hãy tin vaccine giúp cộng đồng chúng ta ít người bị mắc bệnh hơn. Nếu mắc bệnh thì ít ca nặng hơn. Nếu không may bị nặng thì tỷ lệ tử vong thấp hơn.

Nhà nước đang làm mọi cách để có đủ nguồn vaccine tiêm cho nhân dân và sắp tới, Việt Nam sẽ có nguồn vaccine nội địa. Xin nhân dân tin tưởng tham gia chương trình tiêm vaccine và mong chương trình này được tổ chức một cách khoa học, hợp lý, bình đẳng và minh bạch, vị đại biểu này kêu gọi.

Là một bác sỹ, ông cũng khuyến cáo, những biện pháp như xông lá sả, lá cam, xông mũi họng bằng cao Sao Vàng, uống nước chanh, mật ong… mà cộng đồng mạng đang bàn tán cũng là một biện pháp phối hợp để phòng lây lan virus chứ không phải là biện pháp duy nhất để điều trị COVID-19.

Việc tổ chức các bệnh viện dã chiến tổ chức thành từng tháp để điều trị bệnh nhân COVID-19 hoặc việc dự kiến điều động khoảng 10.000 cán bộ y tế từ cả nước vào chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh là việc làm tốt, sáng tạo, tuy nhiên, cần thường xuyên xem xét để điều chỉnh cho phù hợp, cho hiệu quả.

Bày tỏ sự trân trọng với những đóng góp của các lực lượng y tế, công an, bộ đội, báo chí, những người trong các ngành cung cấp hàng hóa vận tải, shipper, phục vụ, xe ôm và cả những người tham gia các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ nhân dân trong vùng dịch, đại biểu Nguyễn Anh Trí cảm ơn nhân dân các tỉnh, thành đã đồng lòng hợp tác, chấp nhận gian khổ để phòng, chống dịch; lãnh đạo các tỉnh, thành, vùng có dịch đã lăn lộn cùng nhân dân để chống dịch.

Ông cũng bày tỏ sự cảm kích về tinh thần trách nhiệm sáng suốt, kịp thời của Quốc hội trong nhiều quyết định và hoạt động đã làm trong gần 2 năm qua để phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là những quyết định đã làm ngay trong Kỳ họp thứ nhất lịch sử này, như xây dựng kế hoạch có chất lượng, ngắn gọn, rút ngắn thời gian họp đến mức tối đa, nhất là việc kịp thời ban hành nghị quyết về chống dịch trong giai đoạn tới hợp lý, bao trùm và rất thực tiễn để làm cơ sở pháp lý cho Chính phủ, cho toàn dân chống dịch hiệu quả.

Nỗ lực đưa cuộc sống trở lại bình thường như lòng dân mong đợi

Chia sẻ tại phiên họp, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, thành phố đầu tàu cả nước đang trải qua những ngày chống dịch nhiều căng thẳng, cam go và phức tạp.

Nhưng cũng từ trong gian khổ đó, người dân thành phố cảm nhận sâu sắc sự quan tâm, sẻ chia ấm lòng, tình người, tình đồng chí, đồng bào, từ người dân, doanh nghiệp mọi miền đất nước.

Những nông sản, rau củ, quả thu hoạch vội trong vườn, những túi hải sản mới đánh bắt ngoài biển khơi, những bó rau thơm tình dân tộc đã nhanh chóng được đóng gói, chuyển nhanh vào thành phố, kèm theo những lời sẻ chia, nhắn nhủ, yêu thương để chuyển đến tay người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế, người nghèo, người trong các khu cách ly, khu phong tỏa.

“Thật không kể xiết những tấm lòng, tình cảm của nhân dân, của đồng bào tôn giáo và kiều bào đã gửi đến chia sẻ cùng thành phố trong những ngày qua. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố chúng tôi xin trân trọng và cảm ơn nhân dân cả nước luôn dõi theo tình hình dịch COVID-19 tại thành phố, hỗ trợ vật chất, tinh thần, tài chính, nguồn nhân lực y tế, tiếp thêm sức, thêm năng lượng tích cực giúp thành phố chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân,” đại biểu xúc động.

Vị đại biểu Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, luôn ghi nhớ, tri ân những tấm lòng của nhân dân cả nước. Ông gửi lời cảm ơn các cơ quan thông tin truyền thông đã kịp thời cung cấp thông tin cho người dân, để góp phần chống dịch tốt và hiệu quả hơn. Cảm ơn cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức tài chính, ngân hàng, đơn vị sản xuất kinh doanh tuy còn nhiều khó khăn do giãn cách, thậm chí ngừng hoạt động, nhưng vẫn chung sức chống dịch, ủng hộ tài chính, vật tư, máy móc, thiết bị, sinh phẩm y tế. Cảm ơn lãnh đạo các địa phương đã chia sẻ cùng thành phố tổ chức các chuyến bay, tàu xe để hỗ trợ đưa người dân có nguyện vọng về quê nhà, góp phần giãn cách chống dịch.

“Xin chân thành cảm ơn đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, sinh viên tình nguyện trên cả nước tham gia chống dịch tại thành phố. Cảm ơn các lực lượng tuyến đầu: quân đội, công an và các lực lượng. Xin cảm ơn lãnh đạo Trung ương, Chính phủ, bộ, ngành luôn quan tâm chỉ đạo xuyên suốt, hỗ trợ cấp bách nhiều nguồn lực cho thành phố và địa phương có dịch chống dịch một cách hiệu quả. Xin cảm ơn Quốc hội đã có những sáng kiến nhằm rút ngắn kỳ họp để tập trung lực lượng, thời gian cho công tác chống dịch và rất cảm ơn Quốc hội đưa nội dung nghị quyết phòng, chống dịch vào trong nghị quyết chung của Quốc hội và đây là một sáng kiến của chúng ta rất đáng được trân trọng,”  đại biểu Trần Hoàng Ngân bày tỏ.

Theo đại biểu, dù còn nhiều khó khăn, cam go thử thách, nhưng thành phố đã và đang nỗ lực hết sức mình với quyết tâm cao nhất để sớm ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường như lòng dân mong đợi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục