Đại biểu Quốc hội kỳ vọng tân Thống đốc có giải pháp mạnh xử lý nợ xấu

Một số đại biểu đánh giá cao khả năng của ông Lê Minh Hưng và cũng mong muốn Thống đốc mới cần phải có giải pháp mạnh dạn hơn như vấn đề xử lý nợ xấu, ổn định tỷ giá, lãi suất.
Đại biểu Quốc hội kỳ vọng tân Thống đốc có giải pháp mạnh xử lý nợ xấu ảnh 1Đại biểu Quốc hội Phạm Huy Hùng. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Là người được các đại biểu Quốc hội bầu với số phiếu khá cao chiếm tới 81,58%, ông Lê Minh Hưng trở thành Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và cũng là lãnh đạo trẻ nhất của ngành từ trước đến nay.

Bên lề Quốc hội, một số đại biểu đánh giá cao khả năng của ông Lê Minh Hưng và cũng mong muốn Thống đốc mới cần phải có giải pháp mạnh dạn hơn trong các vấn đề xử lý nợ xấu, ổn định tỷ giá, lãi suất.

Đại biểu Phạm Huy Hùng, đoàn thành phố Hà Nội: Sẽ có tư duy mới, sáng tạo

Tôi rất kỳ vọng vào Thống đốc Lê Minh Hưng và tôi tin ông Hưng sẽ phát huy và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đặc biệt tân Thống đốc đã từng làm việc trong ngành, trải qua nhiều vị trí nên sẽ nắm bắt và thấy được những vấn đề của ngành.

Ông Hưng đã có thời gian dài giữ chức Phó Thống đốc, sau đó đi luân chuyển và sau khi đã chín muồi thì trở lại làm Thống đốc. Anh còn đang rất rất trẻ, có thể có những tư duy mới mẻ, sáng tạo.

Đặc biệt, tại các buổi thảo luận nhiều đại biểu đã đề cập những vấn đề mà kỳ tới ngành ngân hàng cần phải giải quyết như: tỷ giá, lãi suất, nợ xấu... tôi tin với kinh nghiệm thực tế của mình, tân Thống đốc sẽ điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, góp phần ổn định nền kinh tế vĩ mô.

Trong thời gian qua ngành ngân hàng đã làm được một số việc như tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu, tuy nhiên những vấn đề này vẫn còn đang dở dang. Trách nhiệm của Thống đốc mới rất nặng nề. Thống đốc mới lên trên cơ sở của người có chuyên môn cố gắng đi xuống các lĩnh vực, ngành, doanh nghiệp, nông dân để vốn đến đúng địa chỉ.

Đại biểu Trần Du Lịch, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiệm vụ nặng nề nhưng tôi tin ông Hưng sẽ làm được

Ông Lê Minh Hưng có nhiều thuận lợi khi làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vì ông Hưng đã từng là Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, có nhiều kinh nghiệm nên cũng không phải là người ngoài ngành. Tôi hy vọng ông Hưng sẽ tiếp tục kế thừa quá trình tái cơ cấu của Thống đốc tiền nhiệm đang làm dang dở.

So với Thống đốc tiền nhiệm Nguyễn Văn Bình, khi tiếp quản chức vụ Thống đốc, với tình hình hệ thống ngân hàng thuận lợi hơn năm 2011, nhưng cũng đang có những khó khăn. Ví dụ như việc sắp xếp các ngân hàng thương mại và củng cố thế nào để nợ xấu gom lại một bước thì phải xử lý ra sao... Chính sách tỷ giá hối đoái đang linh hoạt và phải linh hoạt hơn nữa trong thị trường. Chính vì vậy, nhiệm vụ của ông Hưng cũng rất nặng nề nhưng tôi tin ông Hưng sẽ làm được.

Đại biểu Quốc hội kỳ vọng tân Thống đốc có giải pháp mạnh xử lý nợ xấu ảnh 2Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch đang trả lời báo chí (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Một điểm nữa tôi cũng mong muốn tân Thống đốc phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề lãi suất. Cần phải điều hành thế nào để không thể để lãi suất tăng lên. Vì chừng nào thị trường tài chính trở lên đồng bộ (tức là thị trường tiền tệ thông qua ngân hàng thương mại và thị trường chứng khoán, vốn) phát triển hài hòa thì lúc đó mới giảm áp lực trung hạn, dài hạn và lãi suất mới giảm.

Hiện nay, ngân hàng vừa lo lãi suất ngắn hạn, trung hạn dài hạn, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ thì rất khó khăn. Vấn đề lớn nhất mà Ngân hàng trung ương nhiệm kỳ vừa rồi đã giải quyết được là vấn đề lãi suất.

Riêng về chính sách tỷ giá cần phải xử lý tỷ giá linh hoạt làm sao có lợi cho xuất khẩu. Đối với nợ xấu, Thống đốc mới cần phải có giải pháp mạnh dạn hơn như vấn đề mua bán tài sản bởi thị trường mua bán nợ hiện nằm ngoài ngân hàng. Hay như quyền của chủ nợ trong việc xử lý tài sản thế chấp, tôi có đề nghị nhiều lần về việc hoàn thiện pháp luật về việc này thì mới làm được.

Đại biểu Đặng Thành Tâm, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh: Ưu tiên dòng vốn cho doanh nghiệp

Chúng tôi kỳ vọng rất lớn vào tân Thống đốc vì ông Hưng là người đã am hiểu về chính sách tiền tệ, hệ thống tài chính quốc gia.

Khối doanh nghiệp chúng tôi rất mong chính sách lãi suất, tín dụng, quản lý bền vững, rõ ràng để các doanh nghiệp đi vay được vốn và hoạt động ổn định.

Ngoài ra, một trong những kỳ vọng lớn nhất mà chúng tôi mong muốn đó là làm sao dòng vốn khơi thông được với doanh nghiệp nhỏ và vừa bởi doanh nghiệp nếu chỉ dựa vào thế chấp thì không vay được. Doanh nghiệp vừa và nhỏ là nơi tạo ra việc làm cho thị trường nhưng hiện nay tiếp cận dòng vốn rất khó khăn, Ngân hàng Nhà nước cần phải có sự phân bổ dòng vốn cho hợp lý.

Để làm được điều đó thì từ các thông tư nghị định sửa đổi sao cho từ một dự án khả thi thì doanh nghiệp nhỏ và vừa mới vay được vốn, tiếp cận được vốn ngân hàng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục