Đại biểu Quốc hội lo lắng về nguồn vốn, tiến độ xây sân bay Long Thành

từ ngày Quốc hội ban hành Nghị quyết đến nay đã 2 năm nhưng mới có phương án chính thức được thông qua, các đại biểu Quốc hội đã bày tỏ quan ngại trước tiến độ triển khai dự án xây sân bay Long Thành.
Đại biểu Quốc hội lo lắng về nguồn vốn, tiến độ xây sân bay Long Thành ảnh 1Một mẫu thiết kế sân bay Long Thành. (Nguồn: ACV)

Dự án sân bay Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia, là cửa ngõ để Việt Nam kết nối với thế giới, do đó sân bay Long Thành và sân bay Nội Bài phải là hai công trình tiêu biểu hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là hội nhập quốc tế. Đây là quan điểm của đại biểu Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) về việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thành dự án thành phần trong phiên thảo luận của Quốc hội về nội dung này chiều 8/6.

Mặc dù đồng tình với đề xuất của Chính phủ nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý khi thực hiện, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, song, không ít những băn khoăn được các đại biểu đưa ra. Đó là vấn đề nguồn vốn thực hiện và đội vốn khi đền bù; việc tái định cư, hỗ trợ cuộc sống người dân trong vùng bị ảnh hưởng; quản lý quỹ đất sạch sau khi giải phóng mặt bằng; những rủi ro khi dự án không được Quốc hội phê duyệt hoặc phê duyệt chậm và vấn đề giám sát quá trình thực hiện dự án thành phần.

Lo lắng về nguồn vốn và tiến độ

Đặt ra 3 câu hỏi nguồn vốn ở đâu, nhận diện dự án tổng thể là gì khi tách dự án thành phần và ban hành Nghị quyết mới về vấn đề này hay sửa Nghị quyết 94 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) bày tỏ chưa yên tâm khi thảo luận về nội dung này.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Thể, từ ngày Quốc hội ban hành Nghị quyết 94 đến nay đã 2 năm nhưng mới có phương án chính thức được thông qua, Chính phủ vẫn chưa phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi là chậm, đáng lo. Xem xét quá trình 2 năm vừa qua, đại biểu đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và các bộ liên quan tham mưu cho Chính phủ kế hoạch tổng thể từ nay đến khi khởi công và hoàn thành. Căn cứ vào lộ trình đó để tiến hành và giám sát một cách chặt chẽ, bảo đảm tiến độ dự án.

Lo ngại về kinh phí thực hiện dự án thành phần, đại biểu Trần Văn Tuyến (Vĩnh Phúc) đặt vấn đề kinh phí phân bổ theo kế hoạch đầu tư trung hạn để giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là 5.000 tỷ đồng, trong khi theo tính toán sơ bộ của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai là khoảng 23.000 tỷ đồng, vấn đề đặt ra là kinh phí ở đâu và xử lý thế nào, trong khi kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn này đã phân bổ hết. Khi đáp ứng đầu đủ nguồn kinh phí thì tính khả thi về tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án có đảm bảo, vì nếu kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ xây dựng, tăng chi phí giải phóng mặt bằng và các vấn đề xã hội phát sinh khác. Cần làm rõ về nguồn kinh phí, bảo đảm tính khả thi của dự án, đại biểu nói.

[Làm rõ các phương án huy động nguồn vốn để xây sân bay Long Thành]

Băn khoăn về dự toán kinh phí giải phóng mặt bằng 23.000 tỷ đồng có là con số cuối cùng, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cũng như nhiều đại biểu khác đều cho rằng chưa đủ. Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh phân tích, giá đất biến động trong thời gian tới là khó tránh khỏi, cần phải đưa vào Nghị quyết của Quốc hội nội dung trong thời gian thực hiện dự án không được thay đổi giá đất trong vùng dự án, bảng giá đất được giữ ổn định khi giải phóng mặt bằng trong khoảng 4 năm.

Trong khi đó đại biểu Trần Anh Tuấn (Thành phố Hồ Chí Minh) nhìn nhận, giai đoạn 2018-2019, dự án cần lượng vốn là 5.231,6 tỷ đồng để bồi thường hỗ trợ tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng. Lượng vốn này chưa được bố trí. Đại biểu đề nghị các, bộ ngành cùng Ủy ban Nhân dân Đồng Nai xây dựng kế hoạch chi tiết về nguồn vốn, báo cáo Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 4 đồng thời, tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất lên 43-45 triệu hành khách/năm, xóa bỏ hình ảnh sân golf thông thoáng bên cạnh sân bay bề bộn, ách tắc.

Phát biểu tranh luận với các đại biểu về vấn đề nguồn vốn, đại biểu Phạm Minh Chính (Quảng Ninh) cho biết có hai giải pháp, đó là Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội cơ chế đặc biệt cho giải phóng mặt bằng tái định cư và tiết kiệm chi phí thường xuyên trên cả nước. Trong hai năm 2017, 2018, mỗi năm tiết kiệm chi thường xuyên 1% thì đã có trên 20.000 tỷ đồng. Muốn làm vậy, phải giảm đầu mối, giảm biên chế theo đúng tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.

Còn đại biểu Đặng Thuần Phong cho rằng bên cạnh việc giảm chi thường xuyên như đại biểu Chính đã đề cập, cần giảm lãng phí trên nhiều lĩnh vực để có thêm nguồn vốn. Theo đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) không nên quá sợ nợ công để rồi không dám đầu tư.

Rủi ro của dự án

Đại biểu Trần Văn Tuyến đặt câu hỏi về những rủi ro của dự án khi tiến hành giải phóng mặt bằng mà chưa được phê duyệt. Trường hợp dự án lập có tính khả thi thấp nên không được phê duyệt hoặc được phê duyệt thì bị chậm hoặc vì lý do nào đó dự án không được thực hiện, chậm thực hiện nhiều năm thì xử lý như thế nào.

Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) cho rằng việc chưa hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi dự án là do Chính phủ chậm chứ không phải do Quốc hội không thông qua. Chính phủ chưa đánh giá một cách khách quan về những rủi ro trong trường hợp Quốc hội không thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sau khi đã thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng.

“Mặc dù trong báo cáo giải trình đã có nội dung này nhưng việc giải trình loanh quanh, chủ yếu đề cập đến tính cần thiết của dự án là sớm dược tách thành dự án thành phần mà chưa đề cập cụ thể đến việc phải đối mặt với nhưng rủi ro khi báo cáo khả thi không được Quốc hội thông qua”, đại biểu Hoa nói.

Giải phóng mặt bằng - chỉ có thể lấy vốn ngân sách

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa cho biết sẽ báo cáo Quốc hội về cơ chế đặc thù cho việc di dân tái định cư với dự án sân bay Long Thành. Nói về đề án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất ở phía Bắc là không khả thi, Bộ trưởng cho biết có nhiều lý do, trong đó có chi phí giải phóng mặt bằng, khả năng ô nhiễm tiếng ồn. Cuối cùng, Bộ chọn phương án khả thi và tiết kiệm nhất là xây dựng thêm một nhà ga T4 với công suất từ 10-15 triệu hành khách, đưa công suất lên 40-43 triệu hành khách/năm. Khoảng năm 2022, sân bay Tân Sơn Nhất không thể đảm đương mức độ tăng trưởng hiện nay. Sân bay Long Thành sẽ là cứu cánh giải quyết nhu cầu cấp bách này vào năm 2025.

Giải đáp băn khoăn về nguồn vốn, Bộ trưởng cho hay, trong giai đoạn giai đoạn giải phóng, không thể huy động ODA hay tư nhân mà chỉ có thể lấy vốn ngân sách. Khi huy động, có thể từ các nguồn thu từ đất, ngoài sân bay còn phát triển khu vực nên sẽ có nhiều nguồn thu từ quỹ đất. Cùng với dự án này là tuyến đường sắt 43km từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay Long Thành, đây là cơ hội lớn cho Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương phát triển. “Trong báo cáo nghiên cứu khả thi, chúng tôi sẽ phải có trách nhiệm ngay đối với việc khai thác đất này, phải rất trách nhiệm nếu không chúng ta bỏ tiền ra mà hiệu quả khai thác từ đất của các dự án này lại thấp,” Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng mong muốn Quốc hội sau báo cáo nghiên cứu khả thi của Kỳ họp thứ 4, cân đối để làm tốt việc giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện kêu gọi đầu tư cho giai đoạn 1 thành công. “Vì thực sự với trần nợ công hiện nay, để đầu tư cho sân bay Long Thành bằng vốn nhà nước thì hết sức khó khăn. Còn nếu để các nhà đầu tư vào đầu tư phải có sự chuẩn bị. Tất cả nguồn vốn đầu tư cho giai đoạn giải phóng mặt bằng phải là nguồn vốn của Nhà nước”, Bộ trưởng bày tỏ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục