Đại biểu Quốc hội: Tạo cơ chế đột phá để khai thác dầu khí bền vững

Đại biểu đề nghị có quy định cụ thể để luật hóa các chính sách khai thác tận thu đặc thù, phân biệt với cơ chế phân chia sản phẩm và nguyên tắc thu hồi chi phí của hợp đồng chia sản phẩm dầu khí.
Đại biểu Quốc hội: Tạo cơ chế đột phá để khai thác dầu khí bền vững ảnh 1Phiên họp Quốc hội chiều 25/10. (Ảnh: TTXVN)

Tại phiên họp chiều 25/10, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Dầu khí hiện hành và các văn bản pháp luật liên quan là cần thiết, nhằm "mở rộng cánh cửa" cho ngành dầu khí Việt Nam nói riêng đồng thời tạo động lực giúp lĩnh vực năng lượng phát triển bền vững.

Gỡ nút thắt về cơ chế

Trình bày dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết tên gọi “Luật Dầu khí” đã được sử dụng thống nhất trong thực tiễn hoạt động dầu khí từ khi Luật điều chỉnh về hoạt động dầu khí thượng nguồn được ban hành năm 1993 cho tới nay và được ghi nhận tại các hợp đồng dầu khí ký kết.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị được giữ tên gọi dự thảo Luật như đã trình, bảo đảm tính kế thừa, ổn định, liên tục của pháp luật về dầu khí.

[Luật Dầu khí sửa đổi: Cần đồng bộ, tránh sự chồng chéo]

Ngoài ra, đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đối với dự án dầu khí theo chuỗi, để tránh nhầm lẫn chuỗi giá trị dầu khí và chuỗi đồng bộ hoạt động dầu khí thượng nguồn, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh sửa, quy định rõ tại khoản 1 Điều 42 về nội dung này.

Tại Dự thảo Luật cũng bỏ quy định về “Thủ tướng quyết định các điều kiện đặc biệt của hợp đồng dầu khí thuộc thẩm quyền của Chính phủ” và bổ sung Điều 55 quy định về chính sách khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu, phân biệt với chính sách ưu đãi đầu tư dầu khí theo hướng thực sự tạo cơ chế đột phá, mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước, kể cả trong trường hợp doanh thu trừ chi phí thấp hơn thuế tài nguyên phải nộp, thay vì kết thúc sớm, không thực hiện dự án khai thác tận thu.

Cơ bản thống nhất với Dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) nhấn mạnh thời điểm hiện nay, một số mỏ dầu khí, các lô dầu khí sản lượng đã giảm hoặc hết hạn hợp đồng hoặc nhà thầu chấm dứt hợp đồng sớm dẫn đến việc suy giảm về hiệu quả kinh tế.

Tuy nhiên, pháp luật hiện hành lại chưa có quy định cụ thể về hoạt động này nên việc triển khai các dự án để tận thu nguồn tài nguyên quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, các cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư không còn thực sự hấp dẫn so với các nước trong khu vực, theo đại biểu đây chính là rào cản cho các đối tác muốn đầu tư vào hoạt động dầu khí tại Việt Nam.

Vì vậy, đại biểu đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị cần có quy định thật cụ thể để luật hóa các chính sách khai thác tận thu đặc thù, phân biệt với cơ chế phân chia sản phẩm và nguyên tắc thu hồi chi phí của hợp đồng chia sản phẩm dầu khí và đề nghị Chính phủ cần sớm nghiên cứu quy định chi tiết chính sách này.

Bổ sung thêm, đại biểu Phạm Thúy Chinh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thiết kế theo hướng tách khoản về nội dung này trong dự thảo Luật thành một Điều luật riêng về nhận, chuyển giao toàn bộ quyền lợi tham gia các dữ liệu công trình dầu khí của nhà thầu trong trường hợp nhà thầu quyết định rút khỏi hợp đồng dầu khí vì lý do đặc biệt.

Mặt khác, theo đại biểu, nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục tiếp nhận cơ chế theo dõi, quản lý cơ chế tài chính, quy định trách nhiệm của Tập đoàn dầu khí, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan trong tổ chức thực hiện Điều luật này.

Quy định chặt chẽ hành vi bị nghiêm cấm

Trong xu thế phát triển của ngành dầu khí hiện nay, để thu hút hoạt động đầu tư vào lĩnh vực này, ngoài các chính sách đã được đưa ra, đại biểu Nguyễn Thị Minh Thúy (đoàn Tây Ninh) khuyến nghị không nên hạn chế tính độc lập, tự chủ của cá nhân.

Theo nữ đại biểu, khi cá nhân có đủ điều kiện và năng lực tham gia thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí thì có thể tự mình độc lập thực hiện mà không cần thiết phải liên doanh với bất kỳ tổ chức nào khác.

Trong khi đó, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) đề nghị không bổ sung vào phạm vi điều chỉnh về hoạt động dầu khí trung và hạ nguồn, mà làm rõ hơn nữa phạm vi điều chỉnh của luật là hoạt động dầu khí thượng nguồn (đó là những hoạt động về thăm dò, khai thác mỏ dầu khí), còn các hoạt động dầu khí trung nguồn và hạ nguồn vẫn thực hiện theo các quy định của các luật đã có, cùng các luật có liên quan.

Đối với đề nghị bổ sung dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ vào phạm vi điều chỉnh, đại biểu đề nghị cần phải cân nhắc và nên chỉ áp dụng cho hoạt động thượng nguồn chứ không bổ sung.

"Đầu tư thượng nguồn là đầu tư rủi ro, đánh giá thẩm định không thể có thời gian lâu như ở trên bờ, vì thế, quy trình đầu tư phải nhanh chóng, mỗi ngày tàu khoan đợi ngoài khơi có thể tiêu tốn hàng trăm nghìn USD," đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội: Tạo cơ chế đột phá để khai thác dầu khí bền vững ảnh 2Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Dự thảo luật Dầu khí (sửa đổi). (Ảnh: TTXVN)

Trong bối cảnh hiện nay, đại biểu Tạ Đình Thi (đoàn Hà Nội) đề nghị cần quy định chặt chẽ các quy định về điều tra cơ bản tại các điều khoản trong Luật sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất, tránh xung đột pháp luật.

Dẫn nội dung Chương 2, đại biểu chỉ ra rằng Dự thảo quy định kinh phí thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí được bố trí trong dự toán ngân sách Nhà nước, kinh phí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, kinh phí của tổ chức, cá nhân, như vậy công tác này chủ yếu thực hiện bằng nguồn ngân sách Nhà nước, vì vậy cần giao Chính phủ quy định rõ một số nội dung về điều tra cơ bản để đảm bảo công tác tìm kiếm, thăm dò.

Còn theo đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc), các quy định về lựa chọn nhà thầu quy định tại Chương 3 dự thảo Luật quy định còn mang tính nguyên tắc, thiếu cụ thể, do vậy cần quy định cụ thể chi tiết hơn một số nội dung về hình thức đảm bảo dự thầu, thời gian, hiệu lực của đảm bảo dự thầu, giá đảm bảo dự thầu cũng như việc hoàn trả đảm bảo dự thầu…

Cho biết, dự thảo Luật còn có đến 26/69 Điều giao cho Chính phủ quy định chi tiết, ông đề nghị đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và quy định chi tiết và cụ thể hóa các quy định đã ổn định vào ngay trong dự thảo Luật để thống nhất thực hiện về quản lý Nhà nước.

Về nội dung quy định chính sách tận thu dầu khí, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng việc áp dụng nguyên tắc doanh thu trừ chi phí như dự thảo Luật sẽ tạo cơ chế đột phá, mang tính khả thi, khai thác tận thu tài nguyên hợp lý, đặc biệt là khi giá dầu thô trên thị trường thế giới biến động bất thường, bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Về lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí tại Chương 3, tiếp thu ý kiến góp ý của các Đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đã thiết kế một Chương để phù hợp với việc quy định ký kết hợp đồng dầu khí và phù hợp với thông lệ về công nghiệp dầu khí. Theo đó, dự thảo Luật kế thừa Luật Dầu khí hiện hành, các Nghị định có liên quan và tham khảo Luật Đấu thầu để quy định chi tiết về nội dung này.

Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh dự thảo Luật đã cơ bản thể hiện được những chủ trương của Đảng, Nhà nước, bảo đảm hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với pháp luật hiện hành, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên đồng thời mong muốn các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật sau khi tiếp thu hoàn thiện lần cuối trình Quốc hội tại kỳ họp này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.