Đại biểu quốc hội tin tưởng vào mục tiêu kinh tế-xã hội năm 2023

Đại biểu quốc hội cho rằng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 đã tính toán trong bối cảnh nhận thức về những thách thức, khó khăn trong và ngoài nước.
Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, ngày 27/10. (Ảnh: Quochoi.vn)
Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, ngày 27/10. (Ảnh: Quochoi.vn)

Sáng 27/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.

Hầu hết các đại biểu tán thành với báo cơ bản báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao những thành tựu kinh tế-xã hội đạt được trong bối cảnh đất nước vừa gượng dậy sau đại dịch COVID-19 và thách thức từ những diễn biến phức tạp, bất định, khó lường của thế giới.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra những vấn đề còn tồn tại trong năm 2022 đóng góp các kiến nghị về kế hoạch phát triển kinh tế trong năm tới.

Giải ngân đầu tư công chậm

Theo đại biểu Bế Minh Đức, đoàn Cao Bằng, nhiều dự án quan trọng quốc gia (thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế) giải ngân chậm với nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành cần quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính (song vẫn đảm bảo quy định chặt chẽ) và được thực thi nghiêm túc thực hiện giải ngân đầu tư công để tạo động lực cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển trên tất cả các lĩnh vực.

Đại biểu quốc hội tin tưởng vào mục tiêu kinh tế-xã hội năm 2023 ảnh 1Đại biểu Bế Minh Đức nhấn mạnh giải ngân vốn đầu tư công còn chậm và tồn tại nhiều năm. (Ảnh: Quochoi.vn)

Về điều này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, đoàn Kiên Giang nhấn mạnh Chính phủ cần kịp thời xử lý, tháo gỡ các tồn tại, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả hơn (cụ thể cần phân tích nguyên nhân, đề ra giải pháp tháo gỡ các nút thắt) nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công.

Bên cạnh đó, đại biểu Kim Bé chỉ ra tiến độ triển khai gói kích cầu cho phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch vẫn còn chậm chạp và không đảm bảo được hiệu quả thực tế và ý nghĩa sâu sắc, quan trọng như khi đã đề ra.

[Chấn chỉnh tâm lý ngại sai của một bộ phận cán bộ, công chức]

Trả lời báo chí bên lề kỳ họp, đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo hiện nay tình hình sản xuất-kinh doanh của khu vực doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn. Do đó, Chính phủ cần thúc đẩy các chính sách hỗ trợ, như gói hỗ trợ lãi suất vay 2% cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ kinh doanh. Đến thời điểm này, hoạt động giải ngân mới đạt 12,8 tỷ đồng trong khi dự toán cho gói này là 40 nghìn tỷ đồng, nguyên do cả phía ngân hàng và người vay đang gặp những khó khăn nhất định.

“Tôi nghĩ rằng cần chuyển nguồn này sang hỗ trợ miễn giảm thuế phí, gia hạn thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, có như vậy mới tạo được thanh khoản cho doanh nghiệp, từ đó tạo động lực và chia sẻ với doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay giá cả đang có những biến động mạnh,” ông Ngân nói.

Đẩy mạnh kinh tế số

Ở khía cạnh khác, đại biểu Lê Hoàng Hải, đoàn Đồng Nai đánh giá cao việc Chính phủ ban hành kịp thời chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số năm 2025, định hướng năm 2030.

Đại biểu Lê Hoàng Hải chỉ ra Báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á cho biết quy mô kinh tế số của Việt Nam năm 2021 ước đạt 21 tỷ USD (đóng góp khoảng 6% GDP, xếp thứ 3/6 thị trường lớn nhất của ASEAN và 14/50 của châu Á). Hiện, Việt Nam thuộc tốp đầu thế giới về sở hữu tiền kỹ thuật số đồng thười thanh toán điện tử bùng nổ tăng 3.000% về giá trị so với năm 2016. Trong khối ASEAN, Việt Nam đứng thứ ba về thu hút vốn khởi nghiệp, dẫn đầu nhóm 34 quốc gia thu nhập trung bình thấp với thứ hạng 44 trên 132 về chỉ số đổi mới toàn cầu.

Tuy nhiên, đại biểu Lê Hoàng Hải cho rằng mục tiêu phát triển kinh tế số đến năm 2025 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 20 % GDP), đạt tối thiểu 10 % đến năm 2030 (chiếm 30% GDP) thì tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20 % và đây là những mục tiêu rất thách thức.

Đại biểu quốc hội tin tưởng vào mục tiêu kinh tế-xã hội năm 2023 ảnh 2Đại biểu Lê Hoàng Hải kiến nghị đẩy mạnh hoàn thiện thể chế để phát triển kinh tế số. (Ảnh: Quochoi.vn)

“Câu chuyện chuyển đổi số đang đối diện với không ít thách thức về thể chế, về đo lường quy mô kinh tế số; vấn đề dữ liệu lớn và chuyển dữ liệu xuyên biên giới, hạ tầng số; chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư phát triển công nghệ, rủi ro an toàn, an ninh mạng; sở hữu trí tuệ, văn hóa số, lộ trình và giải pháp quản lý tiền kỹ thuật số, mức độ sẵn sàng và thực thi chuyển đổi số của doanh nghiệp, của nền kinh tế,” đại biểu Lê Hoàng Hải nêu ra.

Tin tưởng đạt mục tiêu năm 2023

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đại biểu Thái Thu Xương, đoàn Hậu Giang cho rằng do tình hình kinh tế, chính trị khu vực và thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, dự báo chuỗi cung ứng hàng hóa ở các thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro (do giá cả không ổn định)… những yêu tố này sẽ tác động mạnh đến đời sống, việc làm và thu nhập của người lao động, đặc biệt là các nhóm yếu thế, lao động nghèo, lao động nhập cư tại các đô thị, khu công nghiệp lớn.

Do đó, đại biểu Trần Quốc Quân, đoàn Long An đề nghị để bảo đảm các mục tiêu đặt ra trong năm 2023, Chính phủ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra. Theo đại biểu, Chính phủ cần tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành các cơ chế, chính sách một cách cụ thể để phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh cho các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (theo đúng tinh thần Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị).

Hơn nữa, đại biểu Trần Quốc Quân chỉ ra những diễn biến phức tạp của thế giới cũng đang ảnh hưởng nặng nề đến khu vực nông nghiệp và người nông dân. Vì vậy, đại biểu đề nghị các bộ, ngành (nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phải sớm tham mưu Chính phủ ban hành các chính sách đồng bộ về các giải pháp phát triển ngành nông nghiệp tạo (điều kiện cho người nông dân theo đúng tinh thần Nghị quyết số 19 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng).

Về lĩnh vực hạ tầng giao thông, đại biểu Trần Quốc Quân cho biết tỉnh Long An có vị trí đặc biệt là cửa ngõ nối liền giữa các tỉnh miền Đông với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, toàn bộ hệ thống giao thông đường bộ của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phải đi qua tỉnh Long An, nên áp lực giao thông là rất lớn. Đại biểu kiến nghị đẩy mạnh triển khai các dự án giao thông quan trọng nhằm tăng cường kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng, đặc biệt là dự án cao tốc Bến Lức, Long Thành, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành, Đức Hòa, dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 62.

Đại biểu nhấn mạnh: “Việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nâng cấp, mở rộng, hoàn thành các tuyến quốc lộ này không chỉ góp phần thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đáp ứng mong mỏi của cử tri các địa phương vùng sâu, vùng xa.”

Về mục tiêu vào kế hoạch, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) tin tưởng nền kinh tế sẽ đạt được kết quả đề ra trong năm 2023. Đại biểu Phạm Văn Thịnh cho biết do kế hoạch đề ra đã tính toán trong bối cảnh nhận thức về những thách thức, khó khăn trong và ngoài nước. Chính phủ đã đưa ra các giải pháp mạnh mẽ nhằm hạn tác động tiêu cực từ nền kinh tế thế giới (đặc biệt trong bối cảnh suy thoái toàn cầu), như tăng vốn đầu tư công rất lớn trên 700 nghìn tỷ đồng (tăng 34% so với năm 2022), Chính phủ quyết định tăng lương cơ sở cho người lao động ở khu vực công… Đây là những yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh suy giảm nhu cầu tiêu dùng cả thế giới.

“Bên cạnh việc Ngân hàng Nhà nước đã nâng lãi suất huy động, Chính phủ đã đồng thời đưa ra triển khai gói hỗ trợ lãi suất. Ngoài ra, Chính phủ cũng đặt ra vấn đề cải cách những bất hợp lý trong việc phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tăng vòng quay của luồng tiền, tăng tổng phương tiện thanh toán nhằm giảm chi phí vốn và nâng cao năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam so với các nước khác. Các chính sách đó sẽ hộ trợ giảm thiểu các tác động tiêu cực từ nền kinh tế giới,” ông Thịnh nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.