Sau 9 kỳ được tổ chức, Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần đầu tiên ra Tuyên bố Hội nghị. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, điều này thể hiện sự quyết tâm, đồng thuận cao và cam kết mạnh mẽ của các nghị sỹ trẻ toàn cầu.
Chiều 16/9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thủ đô Hà Nội, Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9 diễn ra phiên bế mạc.
Để hội nghị đi vào thực tiễn
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau hai ngày làm việc, Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9 đã hoàn thành toàn bộ chương trình nghị sự chính thức và thành công tốt đẹp.
Hội nghị đã thông qua Tuyên bố về “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững thông qua Chuyển đổi Số và Đổi mới Sáng tạo.”
Chủ tịch Quốc hội khẳng định tuyên bố này thể hiện sự quyết tâm, đồng thuận cao và cam kết mạnh mẽ của các nghị sỹ trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững trên phạm vi toàn cầu.
Ông Duarte Pacheco, Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) bày tỏ sự cảm kích đối với Quốc hội Việt Nam về sự đón tiếp chu đáo, tích cực, trọng thị dành cho các phái đoàn, cùng công tác tổ chức hội nghị rất thành công.
“Khi Quốc hội Việt Nam đề nghị đăng cai Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9, chúng tôi đã chấp thuận ngay không do dự bởi chúng tôi đã có trải nghiệm rất tốt khi Việt Nam tổ chức Hội nghị IPU 132 năm 2015 cũng chính tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia này,” ông Duarte nói.
Chủ tịch IPU Pacheco nói rằng ông muốn nói 5 lời cảm ơn. Trước hết, ông gửi lời cảm ơn tới Quốc hội Việt Nam vì công tác tổ chức vô cùng chu đáo, tích cực, đón tiếp trọng thị dành cho các đoàn đại biểu.
“Tất cả nỗ lực của Việt Nam đã giúp hội nghị thành công. Không có gì tự nhiên từ trên trời rơi xuống, trừ mưa, còn lại đều cần nỗ lực. Chúng ta đã làm được rất nhiều công việc nhờ nỗ lực của Việt Nam và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ,” ông nói.
Lời cảm ơn thứ hai ông Pacheco gửi tới các diễn giả, vì những nỗ lực lớn và sự chăm chỉ của họ giúp hội nghị có những phiên thảo luận sôi nổi và mang lại những kết quả có ý nghĩa.
Ông Pacheco cũng cảm ơn các đại biểu trong các phiên thảo luận, cho rằng sự hiểu biết sâu rộng và kinh nghiệm của họ đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các cuộc thảo luận
Lời cảm ơn thứ tư ông dành cho các phiên dịch viên, những người đã giúp hội nghị thành công nhưng đôi khi vai trò của họ bị lãng quên.
Lời cảm ơn cuối cùng ông dành cho các nghị sỹ đến từ 65 quốc gia khắp nơi trên thế giới, trong đó có những người phải bay đến 30 tiếng đồng hồ những vẫn quyết định đến đây để tham gia hoạt động của IPU.
“Nhờ đó, chúng ta có nền tảng chính trị và quyết tâm để hoàn thành tốt công việc của mình. Sau hội nghị chúng ta còn nhiều công việc hơn nữa phải làm”, ông nói.
Liên quan đến Tuyên bố Hội nghị, ông Duarte cho rằng tuyên bố này chỉ là bước đầu trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.
“Qua tuyên bố này, chúng ta đã nhìn thấy con đường nhưng có thể nói rằng kết quả của hội nghị mới chỉ ở trên giấy tờ, bước tiếp theo mới là quan trọng. Đó là các nghị sỹ trẻ sẽ triển khai nội dung tuyên bố như thế nào. Tôi kỳ vọng rằng họ có thể sớm thực hiện được những điều đó ở đất nước mình,” ông nói.
Ông Duarte Pacheco cho rằng thế giới đang gặp nhiều thách thức trong việc đạt được Các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
"Chúng ta cần quyết tâm thực hiện những điều đã cam kết, các nghị sỹ trẻ cần trở thành những nhà lãnh đạo, không chỉ là những chính trị gia,” ông Duarte Pacheco bày tỏ.
'Ngọn hải đăng' Việt Nam
Đánh giá về kết quả hội nghị, Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới Martin Chungong cho rằng hội nghị đã thành công vượt ngoài mong đợi. Cụ thể, hội nghị có số lượng đại biểu tham gia đông nhất từ trước đến nay: Hơn 300 đại biểu từ 65 quốc gia trên toàn thế giới.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông cho rằng lý do là Việt Nam đã để lại ấn tượng tốt với thế giới, là một điểm đến hấp dẫn được mọi người quan tâm. Việt Nam cũng được tín nhiệm vì đã có kinh nghiệm tổ chức thành công Đại hội đồng IPU 132 năm 2015.
[Việt Nam là tấm gương trong thực hiện các mục tiêu phát triển]
“Hội nghị diễn ra tại đất nước Việt Nam tươi đẹp, một quốc gia đã có những bước tiến đáng kể và tin cậy trong nhiều lĩnh vực, trong đó có Phát triển Bền vững và ứng dụng công nghệ cao. Riêng về Đổi mới Sáng tạo, Việt Nam đóng vai trò là ‘ngọn hải đăng’ trong việc trao quyền cho giới trẻ,” ông nói.
Theo ông Martin Chungong, IPU đã đi từ 2015 đến 2023 với một chủ đề chung là thúc đẩy thực hiện Các Mục tiêu Phát triển Bền vững và Tuyên bố Hội nghị ngày 16/9 cũng có những nội dung giống với tinh thần của Tuyên bố Hà Nội năm 2015.
“Các nghị viện cam kết thúc đẩy thực hiện Các Mục tiêu Phát triển Bền vững, thực hiện chính sách bao trùm, người trẻ phải được trao quyền, phụ nữ phải được đại diện đầy đủ trong các cơ quan. IPU có nghĩa vụ thúc đẩy sự phát triển trong các nghị viện thành viên, theo dõi đôn đốc việc thực hiện các nội dung đã được thống nhất trong Tuyên bố Hội nghị lần này,” ông Martin Chungong nêu rõ.
Ông nói thêm rằng nghị viện các quốc gia cần tăng cường trao quyền cho giới trẻ để thực hiện được các mục tiêu đề ra.
Ông Dan Carden, Chủ tịch Diễn đàn Nghị sỹ trẻ IPU đồng tình với quan điểm trên.
Ông cho cho hay lực lượng thanh niên chiếm 50% dân số thế giới, tuy nhiên chỉ 2,8% nghị sỹ ở nghị viện của các quốc gia là dưới 30 tuổi. Việc số lượng người trẻ như vậy trong các cơ quan lập pháp dẫn đến việc hoạt động nghị viện không kết nối được với thanh niên. Do đó, nâng cao năng lực thể chế, tạo ra cơ hội cho thanh niên được cất lên tiếng nói của mình sẽ giúp cho các nghị viện gắn kết chặt chẽ với cộng đồng và người dân.
Chỉ còn chưa đầy 7 năm để đạt được Các Mục tiêu Phát triển Bền vững do Liên hợp quốc đề ra. Chủ tịch Diễn đàn Nghị sỹ trẻ IPU cho hay hiện tại chỉ có 12% mục tiêu đang được thực hiện tốt, trong khi đó có đến 50% mục tiêu vẫn còn đang chậm tiến độ ở mức độ từ vừa phải đến nghiêm trọng.
Theo Tuyên bố Hội nghị: “Những kết quả này không chỉ đòi hỏi chúng ta cần phải nhìn nhận nghiêm túc mà còn phải hành động quyết liệt hơn, đặc biệt lưu ý khoảng cách còn tồn tại để đạt được các mục tiêu giáo dục, bình đẳng giới, việc làm và tăng trưởng kinh tế, hành động về khí hậu và hòa bình, công lý, thể chế, bởi đây là những mối quan tâm đặc biệt quan trọng của giới trẻ.” ./.
Diễn đàn Nghị sỹ Trẻ được thành lập trong khuôn khổ Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) năm 2013. Kể từ năm 2014, Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu được IPU tổ chức thường niên, được coi là nền tảng quan trọng để trao quyền cho các nhà lãnh đạo trẻ. Mục đích của hội nghị là tăng cường vai trò của nghị sỹ trẻ và sự tham gia của thanh niên vào hoạt động nghị viện và đưa ra những khuyến nghị dưới góc nhìn của giới trẻ về các hoạt động cũng như nội dung nghị sự của IPU; xây dựng mạng lưới, đoàn kết và nâng cao năng lực, mở rộng cách tiếp cận của giới trẻ đối với các vấn đề cùng quan tâm. Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9 do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức, là một sự kiện đối ngoại đa phương rất quan trọng và là dấu ấn nổi bật của năm 2023./. |