Đại dịch COVID-19 và tình trạng thiếu hụt lao động ở Đức

Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn kết quả một cuộc khảo sát của Viện nghiên cứu Civey (Đức) cho biết ngày càng có nhiều doanh nghiệp phàn nàn về tình trạng thiếu nhân công lành nghề.
Ảnh minh họa (Nguồn: Reuters.)

Gần 45,1 triệu người đang làm việc thường xuyên tại Đức. Đây là một kỷ lục của nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Mặc dù vậy, tình trạng thiếu hụt lao động ngày càng tăng, đặc biệt là lao động lành nghề.

Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn kết quả một cuộc khảo sát của Viện nghiên cứu Civey (Đức) cho biết ngày càng có nhiều doanh nghiệp phàn nàn về tình trạng thiếu nhân công lành nghề. Trong số 7.500 doanh nghiệp được khảo sát, 66% cho biết họ không thể tìm được đủ lao động lành nghề.

[Ngành ngư nghiệp Hàn Quốc thiếu hụt lao động nước ngoài]

Trong năm ngoái, 55% số doanh nghiệp đã tính tới việc sẽ thiếu hụt lao động trong năm 2021. Vấn đề này đang trở thành một trong những rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế Đức hiện nay.

Tình trạng thiếu hụt lao động khác nhau tùy thuộc vào ngành, từng lĩnh vực, vị trí công việc và trình độ chuyên môn. Về mặt chuyên môn, hiện tại gần một nửa số doanh nghiệp được khảo sát (48%) cho biết họ có nhu cầu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo trình độ đại học trở lên.

Về lĩnh vực, chăm sóc sức khỏe và y tế đang là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng thiếu hụt lao động chuyên môn.

Lãnh đạo Cơ quan lao động liên bang Đức Detlef Scheele cảnh báo, nước Đức đang "cạn kiệt nhân lực" và thiếu hụt lao động trong mọi lĩnh vực. Ông cho biết nước Đức cần khoảng 400.000 lao động nhập cư mỗi năm để bù đắp sự thiếu hụt này.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc tuyển dụng lao động nhập cư chỉ có vai trò hạn chế. Chỉ 16% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ mong muốn tuyển dụng lao động nước ngoài, trong khi hầu hết đều cố gắng thu hút lao động trong nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục