Nguy cơ thiếu hụt lao động sau giãn cách: Cần vaccine để phục hồi

Doanh nghiệp chỉ có thể thu hút lao động quay trở lại, tăng tốc sản xuất khi lao động được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ, đi lại thuận tiện, nhà máy đảm bảo sản xuất an toàn…
Nhiều doanh nghiệp hoạt động trở lại và phải đối diện với bài toán thiếu hụt lao động trầm trọng do lao động mất việc trước đó đã ồ ạt về quê. (Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN)
Nhiều doanh nghiệp hoạt động trở lại và phải đối diện với bài toán thiếu hụt lao động trầm trọng do lao động mất việc trước đó đã ồ ạt về quê. (Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN)

Ngay từ đầu tháng Chín, Hiệp hội Nhựa Việt Nam đã khảo sát khoảng 300 doanh nghiệp về việc chuẩn bị nhân lực cho tháng 10. Chia sẻ kết quả khảo sát, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho  biết kết quả có khoảng 40% lao động mong muốn trở lại làm việc sau khi mở cửa, như vậy số lượng lao động mong muốn trở lại làm việc là không cao.

Thiếu lao động để phục hồi sản xuất đang là nỗi lo chung của các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Thế nhưng, 

Nguy cơ thiếu hụt lao động

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tính tới giữa tháng 8/2021, khoảng 2,5 triệu lao động các tỉnh, thành phía Nam phải ngừng việc, chiếm 70% số lao động phải ngừng việc trong cả nước. Đến nay, sau khi nhiều tỉnh, thành phố phía Nam nới lỏng giãn cách, nhiều doanh nghiệp hoạt động trở lại và phải đối diện với bài toán thiếu hụt lao động trầm trọng do lao động mất việc trước đó đã ồ ạt về quê. 

Ông Phan Kỳ Quan Triết, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh (FALMI) cho biết cuối năm là khung thời gian quan trọng để các doanh nghiệp nỗ lực, tận dụng nâng cao hiệu quả năng suất để hoàn thành đơn hàng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Dự báo quý 4/2021, Thành phố Hồ Chí Minh cần khoảng 43.000-56.000 nhân lực lao động bán thời gian tại các nhóm ngành nghề như dịch vụ, công nghệ thông tin, bảo vệ, cơ khí, chăm sóc khách hàng, giày da… 

Theo ông Phan Kỳ Quan Triết, trước áp lực về nguy cơ thiếu hụt lao động nhiều doanh nghiệp đã xây dựng chế độ lương thưởng, phúc lợi và điều kiện làm việc thuận lợi để tuyển dụng nhân sự mới song song với liên hệ người cũ trở lại. Đặc biệt, cuối năm là thời điểm quan trọng của các doanh nghiệp cần tăng công suất để hoàn thành đơn hàng phục vụ nhu cầu người dân cuối năm và xuất khẩu.

[Phục hồi sản xuất hậu giãn cách: Doanh nghiệp rục rịch tăng tuyển dụng]

Tại Bình Dương, theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Bình Dương, địa phương này có khoảng 1,2 triệu lao động với khoảng 50.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua chỉ có khoảng 3.500 lao động tại chỗ với khoảng 250.000 người, có khoảng 750.000 lao động đã phải ngừng việc. 

Sau khi Bình Dương nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đến nay khoảng 85% doanh nghiệp tại các khu công nghiệp đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, điều khiến các doanh nghiệp đau đầu là khá nhiều người lao động đã về quê nhưng không hẹn ngày trở lại. Dự báo, thời gian tới Bình Dương có thể thiếu từ 40.000-50.000 lao động.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, các lực lượng chức năng của Đồng Nai đã tổ chức đưa hơn 30.000 công nhân lao động về quê tại các tỉnh, thành miền Trung, miền Tây, Tây Nguyên sau nhiều tháng lao động phải ngừng việc vì dịch COVID-19. Số lượng lớn người lao động về quê khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng thiếu hụt lao động khi trở lại sản xuất bình thường.

Tiêm vaccine là ưu tiên hàng đầu

Tiến sỹ Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) chỉ ra rằng hiện nay nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng rất lớn. Doanh nghiệp cần chủ động tuyển dụng lao động và động viên người lao động quay trở lại làm việc, nhưng muốn vậy cần phải tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người lao động. 

Nguy cơ thiếu hụt lao động sau giãn cách: Cần vaccine để phục hồi ảnh 1Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân trong khu công nghiệp tại Bắc Giang. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

“Để phục hồi sản xuất, việc tiêm vaccine cần xác định ưu tiên địa bàn trọng tâm trọng điểm, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của nền kinh tế, đến thị trường lao động. Bên cạnh đó, tiêm vaccine phải gắn liền với việc cấp chứng nhận thẻ xanh để được cấp mã di chuyển an toàn. Có như vậy thị trường lao động mới được lưu thông trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp,” ông Vũ Trọng Bình nói.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết ngành gỗ tại Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai với hơn 130.000 người lao động chưa được tiêm vaccine khiến việc mở lại nhà máy của các doanh nghiệp gỗ gặp nhiều khó khăn. Đến nay, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh đang tìm nhiều hướng để tìm kiếm nguồn vaccine để tiêm cho người lao động. Đây là vấn đề rất cấp bách nhất bởi đơn hàng xuất khẩu còn rất lớn.

Cũng chỉ ra tầm quan trọng của việc tiêm vaccine, ông Phan Kỳ Quan Triết nhấn mạnh doanh nghiệp chỉ có thể tăng tốc sản xuất khi có đủ số lao động được tiêm vaccine ngừa COVID-19, đi lại thuận tiện, nhà máy đảm bảo sản xuất an toàn… 

“Hiện để giữ chân công nhân, nhiều doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động tăng lương thưởng, phúc lợi cho người lao động, cải tạo môi trường làm việc, đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ….” ông Phan Kỳ Quan Triết nói.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho rằng để giải bài toán nhân lực lao động cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận sau khi nới lỏng giãn cách thì cả cơ quan chức năng và doanh nghiệp cần chung tay thực hiện các giải pháp đồng bộ. Trong đó, đẩy mạnh tiêm vắc xin ngừa COVID-19 là ưu tiên hàng đầu để thu hút người lao động yên tâm trở lại làm việc. 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi các địa phương và doanh nghiệp cần có chính sách bảo đảm sản xuất an toàn để người lao động yên tâm làm việc, chính sách lương, phúc lợi thỏa đáng cho người lao động. Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo lại lao động, đảm bảo người lao động có thể quay lại làm việc ngay sau đại dịch./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục