Trong khuôn khổ các nỗ lực nhằm cụ thể hóa tiến trình hòa giải, hai phong trào chính trị của Palestine là Hamas và Fatah đã cử các đặc phái viên tới thủ đô Cairo của Ai Cập nhằm tiếp tục các cuộc thảo luận xung quanh các vấn đề then chốt như an ninh tại Dải Gaza, số phận của hàng chục viên chức mà Hamas đã tuyển dụng từ năm 2007 và vấn đề đảm bảo cung cấp điện tại Dải Gaza đang bị Israel phong tỏa từ nhiều năm qua.
Theo phóng viên TTXVN tại Ai Cập, các cuộc đàm phán tại Cairo bắt đầu từ ngày 10/10 được tổ chức dưới dạng họp kín và sẽ kéo dài trong nhiều ngày để các bên có thêm thời gian đề cập chi tiết tới việc nối lại quan hệ giữa Hamas và Fatah và chấm dứt bất đồng giữa hai phong trào này của Palestine.
Hãng tin chính thức Wafa của Palestine cho biết phái đoàn Fatah gồm người đứng đầu của Fatah tại Quốc hội Palestine Azzam Al-Ahmed, giám đốc Cơ quan Tình báo Chính quyền Palestine Majid Faraj và một quan chức Fatah tại Gaza, Fayez Abu Eita.
[Palestine: Phong trào Hồi giáo Hamas bắt giữ thủ lĩnh thánh chiến]
Đoàn đại biểu phong trào Hamas được dẫn đầu bởi nhân vật số 2 mới được chỉ định là Saleh al-Arouri, thủ lĩnh Hamas tại Dải Gaza Yahya al-Senwar và một số thành viên bộ chính trị Hamas.
Phát biểu sau một cuộc họp chính trị trước khi lên đường tới Cairo, ông Senwar khẳng định hai bên "sẽ không trở lại thời kỳ chia rẽ."
Theo truyền thông Ai Cập, hai phong trào chính trị lớn của Palestine đã tỏ thái độ thiện chí và sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán vào ngày 10/10 để giải quyết các vấn đề then chốt còn bất đồng và có thể đạt được một thỏa thuận hòa giải nhằm chấm dứt một thập kỷ chia rẽ giữa các phe phái Palestine.
Người dân Palestine cũng bày tỏ mong muốn Hamas và Fatah chấm dứt xung đột nhằm làm giảm bớt cuộc sống khổ cực tại Dải Gaza và đạt được sự thống nhất quốc gia giúp tăng cường vị thế của Palestine trong tiến trình hòa bình Trung Đông với Israel.
Dư luận Palestine hối thúc Tổng thống Mahmoud Abbas sớm hủy bỏ các biện pháp trừng phạt hiện áp đặt với Dải Gaza.
Hôm 3/10, chính quyền Palestine của Tổng thống Abbas đã tiếp nhận quyền kiểm soát Dải Gaza từ phong trào Hồi giáo Hamas sau cuộc họp nội các tại Gaza lần đầu tiên trong vòng 3 năm qua.
Đây được coi là một bước đi lịch sử đối với tiến trình hòa giải giữa 2 nhóm đối địch Fatah và Hamas sau các cuộc đàm phán do Ai Cập bảo trợ./.