Đại hội cổ đông bất thường năm 2023 của Eximbank bất thành

Đại hội cổ đông bất thường năm 2023 của Eximbank nhằm bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ VII đã không thể tiến hành theo kế hoạch do không đủ số cổ đông tham dự.
Đại hội cổ đông bất thường năm 2023 của Eximbank bất thành ảnh 1Giao dịch tại Eximbank. (Nguồn: Eximbank)

Sáng 16/1, Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tổ chức Đại hội cổ đông bất thường năm 2023 nhằm bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ VII (2022-2025) sau khi một số thành viên có đơn từ nhiệm.

Tuy nhiên, đại hội lại không thể tiến hành theo kế hoạch do không đủ số cổ đông tham dự.

Cụ thể, tính đến 8 giờ 21 phút, đại hội chỉ có 132 cổ đông tham dự, đại diện cho 53,16%, tương đương gần 654 triệu cổ phần có quyền biểu quyết. Với tỷ lệ này, đại hội không thể tiến hành do không đủ số cổ đông tham dự theo quy định (65%).

Theo tài liệu đại hội, số lượng thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ VII (2022-2025) dự kiến bầu bổ sung tối đa 3 thành viên, trong đó có 1 thành viên Hội đồng quản trị độc lập.

Việc bầu thành viên Hội đồng quản trị phải đảm bảo Hội đồng quản trị nhiệm kỳ VII (2020-2025) có tối thiểu 1/2 tổng số thành viên Hội đồng quản trị là thành viên độc lập và thành viên không phải là người điều hành ngân hàng; trong đó có ít nhất 1 thành viên độc lập.

Kế hoạch bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị được công bố sau khi 2 thành viên Hội đồng quản trị của Eximbank có đơn từ nhiệm vào ngày 24/10/2022.

Cụ thể, bà Lê Hồng Anh, thành viên Hội đồng quản trị và ông Đào Phong Trúc Đại, thành viên Hội đồng quản trị độc lập đã có đơn từ nhiệm khỏi Hội đồng quản trị Eximbank vì lý do cá nhân.

Hai nhân sự này được bầu vào Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2020-2025 của Eximbank tại cuộc họp đại hội cổ đông thường niên ngày 15/2/2022, đại diện cho nhóm cổ đông của Tập đoàn Thành Công.

Ngày 14/1/2023, Eximbank cũng công bố danh sách 3 thành viên ứng cử bổ sung vào Hội đồng quản trị đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận gồm bà Lê Thị Mai Loan, ông Phạm Quang Dũng và ông Trần Anh Thắng.

Bà Lê Thị Mai Loan và ông Phạm Quang Dũng ứng cử vào vị trí thành viên Hội đồng quản trị và ông Trần Anh Thắng ứng cử vị trí thành viên Hội đồng quản trị độc lập Eximbank.

Bên cạnh việc có sự thay đổi thành viên Hội đồng quản trị, cơ cấu cổ đông của Eximbank cũng có sự điều chỉnh đáng kể trong thời gian gần đây. Trước khi bà Lê Hồng Anh từ nhiệm Hội đồng quản trị, trong tháng 10/2022, Tập đoàn Thành Công đã thoái toàn bộ 60,54 triệu cổ phiếu EIB, tương đương tỷ lệ sở hữu 4,924% vốn điều lệ ngân hàng.

[Eximbank tăng vốn điều lệ và chia cổ tức sau gần 1 thập kỷ ‘im ắng']

Một thành viên khác thuộc nhóm Thành Công như Hợp tác xã cổ phần Thành Công, Công ty cổ phần Phúc Thịnh, bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc - con gái của bà Lê Hồng Anh cũng bán ra toàn bộ cổ phiếu của ngân hàng. Bà Lê Hồng Anh còn được biết là vợ của ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Thành Công.

Gần đây nhất, nhiều khả năng đối tác chiến lược nước ngoài là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) của Nhật Bản cũng đã thoái vốn khỏi Eximbank.

Trong phiên 13/1, có hơn 134 triệu cổ phiếu EIB của Eximbank được giao dịch thỏa thuận với tổng giá trị 3.421 tỷ đồng, tương đương mức giá 25.505 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, trong giao dịch thỏa thuận này, khối ngoại đã bán gần 132,8 triệu cổ phiếu EIB (tương đương 10,8%), trị giá hơn 3.388 tỷ đồng.

Tính từ đầu tháng 1 đến phiên 13/1, đã có gần 191 triệu cổ phiếu EIB được sang tay với tổng giá trị 4.959 tỷ đồng, tương đương giá bình quân 26.008 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, ngày 18/10/2022, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản "chấp thuận việc bán, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần EIB do SMBC sở hữu ở Eximbank."

Văn bản này có giá trị thực hiện trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày ký, tức hạn chót sẽ là ngày 18/1/2023. Do đó, nhiều khả năng SMBC có thể đã thực hiện bán cổ phần Eximbank trong phiên giao dịch 13/1.

Chia sẻ với phóng viên bên lề đại hội, lãnh đạo Eximbank cho biết các chỉ tiêu kinh doanh của Eximbank trong năm 2022 đều có sự tăng trưởng tích cực. Cụ thể, huy động vốn của ngân hàng tăng 8,3%, trong khi dư nợ tín dụng tăng 13%. Tổng tài sản của ngân hàng tăng thêm 12% trong năm nay.

Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế của Eximbank trong năm 2023 đạt khoảng 3.700 tỷ đồng, vượt xa so với con số kế hoạch 2.500 tỷ đồng đưa ra hồi đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục duy trì ở mức thấp.

Với kết quả kinh doanh của Eximbank có nhiều tín hiệu tích cực trong vài năm gần đây, ngày 10/1/2023, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản chấp thuận Eximbank đủ điều kiện thành lập thêm 4 chi nhánh ngân hàng tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Định và Đồng Tháp.

Việc mở rộng mạng lưới này sẽ giúp ngân hàng tăng cường sự hiện diện cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.