VietinBank đề nghị chia toàn bộ lợi nhuận còn lại (sau khi nộp thuế và trích lập các quỹ theo quy định) bằng cổ phiếu hoặc giữ lại toàn bộ lợi nhuận còn lại để tăng vốn. Đó là nội dung quan trọng được đưa ra tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 và nhiệm kỳ 2019 – 2024 do VietinBank tổ chức ngày 23/4 tại Hà Nội.
Tăng vốn là vấn đề cấp bách
Báo cáo tại Đại hội, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cho biết, VietinBank thường xuyên nằm trong tốp các ngân hàng có quy mô lợi nhuận lớn nhất trong giai đoạn 2014-2017, lợi nhuận tạo ra trong 5 năm đạt hơn 39.000 tỷ đồng.
Riêng trong năm 2018, tổng giá trị gia tăng toàn hệ thống tạo ra đạt 28.000 tỷ đồng, tăng 14,4% so với thực hiện năm 2017, tạo cơ sở để VietinBank thực hiện khẩn trương các yêu cầu đề ra tại phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của VietinBank từ nay đến năm 2020.
[Ngân hàng tìm cách tăng vốn điều lệ: Cái khó ló cái khôn]
Cũng theo ông Thọ, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018 là VietinBank cần ưu tiên nguồn lực thực hiện là xử lý triệt để những tồn tại trong hoạt động, hướng tới tuân thủ chuẩn mực an toàn mới, nâng cao chất lượng tài sản có. Việc điều chỉnh nâng cao tiêu chuẩn hoạt động, đánh giá và phân loại nợ theo chuẩn mực mới sẽ bảo đảm cho sự phát triển bền vững, hiệu quả của VietinBank về lâu dài và bước đi cần thiết, hướng tới mục tiêu tăng trưởng an toàn, bền vững trong các năm tới.
Mặc dù phải ưu tiên nguồn lực cho công tác tái cơ cấu hoạt động, VietinBank vẫn nỗ lực hoàn thành tốt kế hoạch lợi nhuận được Đại hội cổ đông thường niên giao. Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2018 đạt 6.365 tỷ đồng, tương đương 102,7% kế hoạch Đại hội cổ đông thường niên giao; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 6.750 tỷ đồng, tương đương 100,4% kế hoạch.
Vấn đề cấp bách hiện nay là phải tăng được vốn điều lệ. Ông Thọ nhấn mạnh, sau khi cổ phần hóa năm 2008 VietinBank đã đạt được tăng trưởng mạnh mẽ, quy mô về vốn tự có, quy mô về tài sản đã tăng trên 6 lần. VietinBank đã khai thác các nguồn lực về vốn từ cổ phần hóa và các cổ đông chiến lược nước ngoài để phục vụ cho sự phát triển, đóng góp quan trọng cho sự lớn mạnh của hệ thống ngân hàng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong các năm qua để phục vụ tăng trưởng hoạt động kinh doanh và đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn, VietinBank đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp: Cơ cấu lại danh mục tài sản có rủi ro, cơ cấu danh mục đầu tư góp vốn cổ phần, phát hành 4.000 tỷ đồng trái phiếu thứ cấp tăng vốn cấp 2.
Tuy nhiên theo ông Thọ, những giải pháp này đã được khai thác ở mức tối đa và khó có thể tiếp tục thực hiện do bị ràng buộc bởi các giới hạn vốn cấp 2 so với vốn cấp 1, tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước.
“Do đó, tăng vốn là yêu cầu cấp bách và là khó khăn nhất của VietinBank trong giai đoạn 2014-2019, tác động trực tiếp tới kết quả kinh doanh của VietinBank. Tăng trưởng tín dụng ở mức thấp do các giới hạn về vốn tự có sẽ ảnh hưởng tới việc đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế và tham gia tài trợ vốn cho các dự án quan trọng của đất nước, ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng kinh tế và nguồn thu ngân sách Nhà nước,” ông Thọ chia sẻ.
Câu hỏi của cổ đông là nếu không được tăng vốn, ngân hàng sẽ làm thế nào? Ông Thọ cho biết, không có "nếu không" mà VietinBank bắt buộc phải tăng được vốn mới có thể đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng. Nếu áp dụng Thông tư 41 thì tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng có thể chỉ dưới 8%, do đó nhu cầu tăng vốn của VietinBank rất cấp bách là như vậy. Trong mọi trường hợp, VietinBank phải chủ động được việc quản trị an toàn vốn, khẩn trương đáp ứng nhu cầu phát triển của ngân hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.
Còn theo ông Trần Bình Minh, Tổng Giám đốc VietinBank, nâng cao năng lực tài chính, tiếp tục bám sát lộ trình tăng vốn tự có, thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo đến năm 2020 vốn tự có của ngân hàng đáp ứng được tiêu chuẩn Basel II và đáp ứng đầy đủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của pháp luật là nhiệm vụ chính của VietinBank. VietinBank phấn đấu trở thành một trong hai ngân hàng đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán quốc tế và nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á.
Chính vì vậy, VietinBank đề xuất sẽ trả cổ tức toàn bộ bằng cổ phiếu trong giai đoạn 3 năm 2017 - 2019, hoặc xin giữ lại toàn bộ lợi nhuận để tăng vốn nhằm đáp ứng chuẩn Basel II.
Lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết, trong trường hợp VietinBank được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2017, 2018 và thực hiện các biện pháp cải thiện tỷ lệ an toàn vốn khác như thoái vốn ở các công ty con, bán danh mục đầu tư,... trong năm 2019 thì lợi nhuận trước thuế dự kiến trong năm 2019 khoảng 9.500 tỷ đồng, tăng 41% so với năm trước. Riêng ngân hàng mẹ đạt khoảng 9.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, tổng tài sản của VietinBank cũng tăng 2%-5%; dư nợ tín dụng tăng 6%-7%; nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng 10%-12% so với số cuối năm 2018.
Ông Minh cũng cho biết thêm, năm 2019 mục tiêu trọng tâm khác nữa của VietinBank là kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng, đẩy mạnh công tác thu hồi và xử lý nợ xấu, nợ xử lý rủi ro, đảm bảo kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước vào Hội đồng quản trị
Tại cuộc họp, ngân hàng đã tiến hành bầu Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới 2019-2024. Danh sách thành viên Hội đồng quản trị có 8 người, gồm: Ông Lê Đức Thọ, Trần Minh Bình, Trần Văn Tần, Nguyễn Thế Huân, bà Phạm Thị Thanh Hoài, bà Trần Thu Huyền, ông Hiroshi Yamaguchi và ông Hideaki Takase.
Như vậy, danh sách thành viên nhiệm kỳ mới của VietinBank không còn xuất hiện ông Phùng Khắc Kế, thành viên Hội đồng quản trị độc lập và ông Cát Quang Dương, người đại diện 30% vốn của nhà nước tại VietinBank.
Đáng chú ý, danh sách mới lần này xuất hiện ông Trần Văn Tần, người hiện là Phó vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước. Với việc ông Cát Quang Dương không có tên trong danh sách thành viên Hội đồng quản trị thay vào đó là ông Tần, nhiều khả năng ông Tần sẽ là người thay thế đại diện vốn góp của nhà nước tại VietinBank.
Danh sách ứng viên bầu vào Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới gồm 3 người là bà Lê Anh Hà, hiện đang là Phó Giám đốc Khối quản lý rủi ro kiêm Trưởng phòng Kiểm tra kiểm soát nội bộ; bà Nguyễn Thị Anh Thư, đang là Trưởng phòng Kiểm toán nội bộ; ông Nguyễn Mạnh Toàn, đang là Trưởng phòng Pháp chế, Khối Pháp chế và Tuân thủ./.