Vai trò của người cao tuổi luôn được Đảng và Nhà nước đề cao trong mọi giai đoạn và hoàn cảnh của đất nước. Người cao tuổi không chỉ cống hiến trí tuệ, kinh nghiệm đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước, mà còn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho thế hệ trẻ.
Nhân dịp Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Ngô Trọng Vịnh đã trả lời phỏng vấn của TTXVN về những hoạt động nổi bật trong công tác chăm sóc người cao tuổi, phát huy vai trò của người cao tuổi, cũng như tâm tư, nguyện vọng của người cao tuổi trong ngày hội lớn của Đảng, của dân tộc.
- Xin ông cho biết công tác chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay thế nào?
Ông Ngô Trọng Vịnh: Được xếp vào nhóm 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, Việt Nam sẽ có số người cao tuổi chiếm 17% dân số cả nước theo dự báo đến năm 2030 và đến năm 2050 tỷ lệ này là 25%.
Già hóa dân số nhanh đã tạo những áp lực rất lớn trong việc ban hành và thực thi những chính sách liên quan, nhất là trong việc chăm sóc sức khỏe để người cao tuổi sống khỏe và sống tốt.
Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy tỷ lệ người cao tuổi tham gia bảo hiểm y tế là khoảng 96% trên tổng số người cao tuổi. Điều này minh chứng rằng Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến các chế độ, chính sách đối với người cao tuổi.
Hiện 100% xã, phường, thị trấn đã thành lập Hội Người cao tuổi cơ sở với trên 9,1 triệu hội viên, đạt 74% số người cao tuổi trên toàn quốc; đã có 1,6 triệu người cao tuổi đủ điều kiện được bảo trợ xã hội hàng tháng, trong đó 1,53 triệu người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên...
Thời gian qua, các cấp Hội Người cao tuổi đã thành lập 76.200 Câu lạc bộ, tạo sân chơi bổ ích, hấp dẫn cho người cao tuổi; trong đó có 1.600 Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau ở 55 tỉnh, thành phố, thu hút 70.000 người cao tuổi tham gia.
Cả nước có gần 400.000 người cao tuổi làm kinh tế giỏi; 130.000 người cao tuổi làm chủ trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tạo nhiều việc làm, đóng góp phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Người cao tuổi trên cả nước đã hiến hàng triệu mét vuông đất, hàng triệu ngày công trị giá nhiều tỷ đồng, góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới...
Một trong những hoạt động được đánh giá cao, đó là việc triển khai mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau do Trung ương Hội Người cao tuổi phát động từ năm 2005. Đây là tổ chức dựa vào cộng đồng, tập hợp từ khoảng 50-70 người cao tuổi, có mục tiêu liên kết các thành viên nhằm phát huy vai trò của người cao tuổi trong cộng đồng dân cư, hỗ trợ người cao tuổi khó khăn, giúp họ cải thiện cuộc sống của bản thân, gia đình, tăng thu nhập, bảo đảm sức khỏe và phát triển cộng đồng. Đến nay, cả nước có khoảng 500 câu lạc bộ đang hoạt động khá hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc trợ giúp và phát huy vai trò người cao tuổi ở Việt Nam.
- Ông đánh giá thế nào về thành tựu của Đảng ta trong nhiệm kỳ qua?
Ông Ngô Trọng Vịnh: Trong 5 năm qua, tình hình thế giới và trong nước có rất nhiều diễn biến khó khăn, phức tạp. Đặc biệt, năm 2020 dịch COVID-19 lan rộng trên phạm vi toàn thế giới, hiện chưa dừng lại. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã khống chế dịch thành công, được cộng đồng thế giới ghi nhận. Có được kết quả đó là do sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng cũng như sự điều hành năng động, sáng tạo của Chính phủ, chủ động trong việc ứng phó với tình hình quốc tế, trong nước.
Nhiệm kỳ qua, với vai trò là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã làm rất tốt vai trò, trách nhiệm của mình đối với Cộng đồng ASEAN và cộng đồng quốc tế, trên mọi lĩnh vực đều để lại dấu ấn tốt đẹp. Kinh tế tăng trưởng khá trong khu vực, văn hóa, xã hội phát triển ngày càng tiến bộ hơn; con người Việt Nam cũng vươn tới những giá trị chân, thiện, mỹ trong đời sống.
[Năm 2021, bao phủ bảo hiểm y tế với người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo]
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tinh thần đoàn kết dân tộc được thể hiện rõ nét trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, cũng như thiên tai, bão lũ. Người dân cả nước đồng lòng, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, cho thấy truyền thống đoàn kết một lòng của người dân Việt Nam. Các cơ quan, đơn vị đều thể hiện trách nhiệm ở các góc độ khác nhau theo định hướng của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Những năm vừa qua, các vấn đề về chính trị, an ninh, trật tự an toàn xã hội, mại dâm, ma túy từng bước được giải quyết, góp phần xây dựng đất nước, ổn định lòng dân.
- Xin ông cho biết những tâm tư, nguyện vọng người cao tuổi cả nước gửi đến Đại hội XIII của Đảng?
Ông Ngô Trọng Vịnh: Có thể nói, Đại hội Đảng là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Đại hội được chuẩn bị kỹ càng, chu đáo với tinh thần dân chủ, khách quan và khoa học. Nội dung đặt ra của Đại hội liên quan đến toàn bộ đời sống của người dân trên cả nước, được bạn bè quốc tế quan tâm theo dõi.
Người cao tuổi mong muốn sau Đại hội, đất nước sẽ bước sang một trang mới; kinh tế tập thể phát triển mạnh mẽ; an ninh trật tự được đảm bảo, quốc phòng được giữ vững; đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được nâng lên; công tác đối ngoại tiếp tục phát triển, nâng lên tầm cao mới, ghi dấu ấn trong khu vực và trên thế giới.
Nhiều năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách cho người cao tuổi. Tuy nhiên, trong điều kiện nước ta hiện nay, đa số người cao tuổi mong muốn sau Đại hội XIII của Đảng, người cao tuổi sẽ được quan tâm sâu sắc, toàn diện hơn, cụ thể là sửa đổi cơ chế, chính sách cho phù hợp với thực tiễn. Nhà nước ban hành những chính sách phù hợp để tạo điều kiện về cơ sở vật chất, tinh thần cho người cao tuổi có cuộc sống tốt hơn.
Bên cạnh đó, người cao tuổi cũng phải tự vận động, phấn đấu vươn lên để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Hai tố này gặp nhau sẽ tạo cho người cao tuổi có đời sống vật chất, tinh thần tốt hơn.
Trung ương Hội mong muốn tới đây, sẽ có thêm nhiều trung tâm dưỡng lão để người cao tuổi được chăm sóc tốt hơn. Nhà nước có thể ưu đãi về đất, vốn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, doanh nhân là người cao tuổi có thể mở rộng, thu hút người cao tuổi tham gia phát triển kinh tế-xã hội.
- Trân trọng cảm ơn ông!./.