Đại sứ 4 nước và đại diện IOM gửi thông điệp về chống mua bán người

IOM đã phối hợp với Đại sứ quán các nước: Australia, Canada, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ tại Việt Nam thực hiện một đoạn phim ngắn để làm rõ những quan niệm sai về mua bán người.
Phát tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống mua bán người cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại chợ trung tâm xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: Hương Thu/TTXVN)

Ngày Thế giới Phòng, Chống Mua Bán Người (WDATIP) năm 2023 có chủ đề: "Hướng tới tất cả nạn nhân bị mua bán, không để ai bị bỏ lại phía sau."

Nhân dịp này, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) đã phối hợp với Đại sứ quán các nước: Australia, Canada, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ tại Việt Nam thực hiện một đoạn phim ngắn để làm rõ những quan niệm sai về mua bán người và nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề này, cũng như kêu gọi các hành động bảo vệ nạn nhân bị mua bán.

Tham gia vào đoạn phim này còn có cựu Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Top 5 Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2018 - H’hen Niê, một trong những nhân vật có ảnh hưởng tại Việt Nam (1,9 triệu lượt theo dõi trên Facebook, 100.000 lượt theo dõi trên Instagram), nhằm chia sẻ thông điệp rộng rãi đến thế hệ trẻ.

[Nạn nhân của mua bán người chủ yếu là người có hoàn cảnh khó khăn]

Trong đoạn phim, các Đại sứ, Trưởng phái đoàn IOM tại Việt Nam Park Mihyung và Hoa hậu H’hen Niê nhấn mạnh nạn mua bán người xảy ra xung quanh chúng ta hằng ngày.

Để đấu tranh hiệu quả với nạn mua bán người, điều quan trọng là phải có nhận thức đúng và toàn diện về vấn nạn này, cũng như cần phải nhìn nhận nạn mua bán người dưới nhiều lăng kính khác nhau, hiểu rõ tác động của vấn đề này tới từng cá nhân, nhận ra các dấu hiệu và có khả năng thông báo cho cơ quan chức năng nếu bạn chứng kiến ai đó hoặc tự thấy mình gặp nguy hiểm.

Ở Việt Nam, có nhiều quan niệm sai lầm phổ biến cho rằng nạn mua bán người chỉ ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em gái; và mua bán người chỉ liên quan đến việc di chuyển xuyên biên giới và giữa các quốc gia.

Do đó, nhân Ngày Toàn dân Phòng, Chống Mua Bán Người (30/7) diễn ra cùng ngày với WDATIP, Trưởng phái đoàn IOM cùng Đại sứ các nước và Hoa hậu H’hen Niê muốn nêu cao thông điệp: "Con người không phải là hàng hóa. Mỗi người là một món quà" nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay chống nạn mua bán người, cùng bảo vệ và trao quyền cho các nạn nhân để họ có thể xây dựng cuộc sống, phát huy hết năng lực của mình.

Tội phạm mua bán người gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về các quyền con người, tác động tiêu cực đến an ninh chính trị của mỗi quốc gia và là có thể dẫn đến các hành vi vi phạm pháp như nhập cư bất hợp pháp, làm giả giấy tờ, kinh doanh mại dâm, buôn bán ma túy.

Kể từ năm 2013, Liên hợp quốc xác định mua bán người là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất thế giới.

Luật Phòng, Chống Mua bán Người được Quốc hội khóa XII thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm mua bán người ở Việt Nam.

Sau hơn 10 năm thi hành, công tác phòng, chống mua bán người đã đạt những kết quả tích cực góp phần kiềm chế tội phạm và vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tội phạm mua bán người có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, đối tượng nạn nhân cũng mở rộng.

Mặt khác, việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người ở một số địa phương chưa nghiêm.

Công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm mua bán người và công tác giải cứu, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán còn những hạn chế chưa thực sự đáp ứng yêu cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục