Nạn nhân của mua bán người chủ yếu là người có hoàn cảnh khó khăn

Người dân cần được nâng cao nhận thức về những rủi ro có thể gặp phải khi chọn tuyến đường di cư bất hợp pháp trên hành trình tìm kiếm việc làm để tránh trở thành nạn nhân của mua bán người.
Nạn nhân của mua bán người chủ yếu là người có hoàn cảnh khó khăn ảnh 1Người lao động cần tìm hiểu kỹ thông tin khi muốn đi làm việc ở nước ngoài để tránh lừa trở thành nạn nhân mua bán người. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các băng đảng tội phạm mua bán người thường hoạt động thông qua các mối quan hệ phức tạp ở nhiều quốc gia với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, để tiếp cận, dụ dỗ, bắt cóc nạn nhân lừa bán ra nước ngoài qua hình thức di cư bất hợp pháp. Nạn nhân của vấn nạn này là những người dễ bị tổn thương bao gồm người di cư, phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trẻ em bị bỏ rơi hoặc xuất thân trong những gia đình nghèo khó.

Đây là nội dung được đề cập tại sự kiện hưởng hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống mua bán người do Đại sứ quán Anh và Bộ Lao đông-Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức tại Trường Đại học Lao động-Xã hội vào ngày 20/7.

Sự kiện được tổ chức với mong muốn lan tỏa thông điệp để nâng cao nhận thức của người dân về những rủi ro họ có thể gặp phải khi chọn tuyến đường di cư bất hợp pháp và cân nhắc lựa chọn di cư hợp pháp vì lợi ích bản thân và tương lai của gia đình.

[Việt Nam sẵn sàng hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người]

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết: “Tội phạm mua bán người gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về các quyền con người, tác động tiêu cực đến an ninh chính trị của mỗi quốc gia và là trung tâm dẫn đến hàng loạt các hành vi vi phạm pháp như nhập cư bất hợp pháp, làm giả giấy tờ, kinh doanh mại dâm, buôn bán ma túy.”

Nạn nhân của mua bán người chủ yếu là người có hoàn cảnh khó khăn ảnh 2Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Kể từ năm 2013, Liên hợp quốc xác định mua bán người là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất thế giới. Trong khi đó, các loại hình tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia hiện đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng trên quy mô toàn cầu và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.

Đại sứ Anh tại Việt Nam Iain Frew nhấn mạnh: “Đấu tranh chống nô lệ hiện đại và mua bán người tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Vương quốc Anh. Chúng tôi cam kết làm việc chặt chẽ hơn với Chính phủ Việt Nam trong việc ngăn chặn và chống lại nạn mua bán người thông qua nâng cao năng lực, nâng cao nhận thức, chia sẻ thông tin, truy tố tội phạm và bảo vệ những người dễ bị tổn thương. Sự kiện ngày hôm này thể hiện tinh thần về mối quan hệ đối tác ngoại giao 50 năm giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.”

Thông điệp của ngày 30/7 năm nay được đưa ra bởi UNODC-Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc, hướng đến từng nạn nhân của nạn buôn người để không ai phải bỏ lại phía sau. Thông điệp nằm nâng cao nhận thức từ những xu hướng mới của vấn đề buôn bán người, kêu gọi các cơ quan, các tổ chức, các chính phủ cùng đánh giá để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh và bảo vệ nạn nhân.

Nạn nhân của mua bán người chủ yếu là người có hoàn cảnh khó khăn ảnh 3Đại sứ Anh tại Việt Nam Iain Frew. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H’Hen Niê chia sẻ tại sự kiện: “H’Hen nhận thấy rằng tội phạm mua bán người thường đánh vào tâm lý mong giàu nhanh, đổi đời từ một bộ phận người trẻ sinh ra và lớn lên trong khó khăn, không được học hành và tiếp cận với nhiều kiến thức. Chính vì thế, H’Hen cảm nhận được sự thiết thực và ý nghĩa từ những hoạt động truyền thông nâng cao ý thức cộng đồng như thế này.”

Cũng bày tỏ niềm vui khi được tham gia các chương trình truyền thông về phòng, chống mua bán người, ca sỹ Phan Mạnh Quỳnh nói: "Tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất khi đi lao động, làm việc ở nước ngoài là tính hợp pháp, để mỗi người đi lao động nước ngoài có thể giảm thiểu rủi ro và tự bảo vệ được bản thân"./.

Liên hợp quốc xác định mua bán người là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất thế giới và đưa vào Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu kể từ năm 2013, cũng như chọn ngày 30 tháng 7 là Ngày thế giới phòng, chống mua bán người.

Từ năm 2016, Ban Chỉ đạo 138/CP chủ trì hoạt động kỷ niệm Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30 tháng 7 nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục