Đại sứ Việt Nam ở Indonesia phản bác luận điệu của Trung Quốc

Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Nguyễn Xuân Thủy đã có bài viết phản bác luận điệu xuyên tạc của Đại biện lâm thời Đại sứ quán Trung Quốc tại Indonesia.

Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Nguyễn Xuân Thủy ngày 27/5 đã có bài viết đăng trên báo Bưu điện Jakarta phản bác các luận điệu sai trái mang tính xuyên tạc về vấn đề chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong bài viết của Đại biện lâm thời Đại sứ quán Trung Quốc tại Indonesia Lưu Hồng Dương đăng trên báo này số ra ngày 20/5.

Phản bác quan điểm của ông Lưu Hồng Dương nói rằng các quần đảo Hoàng Sa "là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc" và cộng đồng quốc tế đã thừa nhận điều này từ Chiến tranh thế giới thứ II, Đại sứ Nguyễn Xuân Thủy khẳng định Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Các chứng cứ lịch sử chính thức đã chứng minh rằng Việt Nam đã thực hiện chủ quyền một cách hòa bình và liên tục ít nhất từ thế kỷ 17 đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi đó, nhiều bản đồ mô tả lãnh thổ Trung Quốc dưới triều đại nhà Thanh đã vẽ đảo Hải Nam là điểm cực nam lãnh thổ Trung Quốc.

Một trong những bản đồ này gần đây đã được Thủ tướng Đức Angela Merkel tặng cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình như một món quà trong chuyến thăm của ông tới Đức vào tháng 3/2014.

Đại sứ Nguyễn Xuân Thủy cho biết khi Pháp áp đặt ách đô hộ Việt Nam vào năm 1884, Pháp đã tiếp quản việc quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng đã được công nhận tại Hội nghị Hòa bình San Francisco tháng 9/1951 với sự tham dự của đại diện 51 quốc gia nhằm giải quyết các vấn đề lãnh thổ và hậu quả của Chiến tranh thế giới thứ II.

Tại hội nghị, người đứng đầu phái đoàn Việt Nam khi đó là ông Trần Văn Hữu, Thủ tướng dưới thời vua Bảo Đại, đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không có bất cứ sự phản đối nào từ 50 đoàn tham gia.

Ngoài ra, Hội nghị Geneva 1954 về khôi phục hòa bình ở Đông Dương mà Trung Quốc là một bên tham gia cũng đã công nhận và tôn trọng độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Pháp tuân thủ Hiệp ước San Francisco và rút quân khỏi Việt Nam vào năm 1956.

Việt Nam Cộng hòa, sau sự rút lui của Pháp, tiếp tục quản lý các quần đảo này và đã thực hiện những hành vi khác nhau để khẳng định chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Hành động này đã vi phạm pháp luật quốc tế, vốn cấm sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế theo quy định tại Điều 2(4) của Hiến chương Liên hợp quốc.

Từ góc độ pháp lý và lịch sử, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa là không có căn cứ. Vì thế, việc tác giả Lưu Hồng Dương khẳng định rằng quần đảo Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc là một quan điểm sai lầm.

Đại sứ Nguyễn Xuân Thủy cũng nêu rõ ông Lưu Hồng Dương đã cố ý trích dẫn sai nội dung bức công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày 14/9/1958 như một sự công nhận công khai chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và các quần đảo khác.

Trong bức công thư, Thủ tướng Phạm Văn Đồng không đề cập từ nào về lãnh thổ của Trung Quốc, ít nhất là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà chỉ ghi nhận và ủng hộ tuyên bố vùng lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc. Hơn nữa, bức công thư không đề cập các quần đảo này do hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang được đặt dưới sự quản lý của Việt Nam Cộng hòa.

Trung Quốc, bên tham gia Hội nghị Geneva, chắc chắn hiểu thực tế lúc đó là phạm vi địa lý hành chính của Việt Nam bị chia cắt tại vĩ tuyến 17. Ngoài ra, quan điểm của Trung Quốc không có tranh chấp về quần đảo Hoàng Sa cũng đi ngược lại những gì đã được thừa nhận bởi các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Trước đó, tờ The Straits Times của Singapore cũng đăng bài của tiến sỹ Nguyễn Hùng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao Việt Nam, nhận định "nếu để mất niềm tin của ASEAN, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia cô độc trên con đường trở thành cường quốc vì sẽ không có người bạn thực sự nào trong số các nước láng giềng."

Theo tiến sỹ Nguyễn Hùng Sơn, việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đâm và phun vòi rồng vào tàu cảnh sát biển Việt Nam, gây thương vong cho một số thuyền viên Việt Nam đang đi ngược lại những nỗ lực ngoại giao của nước này từ đầu năm 2013 nhằm củng cố quan hệ với ASEAN.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn từ chối các đề nghị giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình khác. Hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đã thực sự gây sốc cho ASEAN và cộng đồng quốc tế, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực, trái với luật pháp quốc tế và những cam kết của Bắc Kinh về việc thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục