Giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình

Tại hội thảo, các học giả chung nhận định: các tranh chấp, xung đột hiện nay trên Biển Đông phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ luật pháp quốc tế.
Giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình ảnh 1Các giáo sư Luật và chuyên gia trao đổi tại Hội thảo. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Kết thúc hội thảo “Những vấn đề pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển của Việt Nam,” tổ chức ngày 26/7, các học giả quốc tế và trong nước nhất trí cho rằng về phương diện luật pháp quốc tế, hành vi nói trên của Trung Quốc đã vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) năm 2002 và Thỏa thuận nguyên tắc 6 điểm giải quyết tranh chấp trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2011 .

Hành vi này của Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã được thừa nhận và quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải, hàng không và thương mại quốc tế; đe dọa hòa bình, an ninh của khu vực và thế giới; làm tổn hại đến tình đoàn kết hữu nghị giữa hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc.

Các học giả cùng chung nhận định: vì lợi ích và sự phát triển chung của khu vực và thế giới, các tranh chấp, xung đột hiện nay trên Biển Đông phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của mỗi quốc gia phải được bảo đảm; luật pháp quốc tế phải được tôn trọng.

Trong suốt quá trình diễn ra hội thảo, các học giả cũng đã bàn về các biện pháp chính trị, ngoại giao để giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; khẳng định việc Việt Nam đã, đang kiên trì sử dụng biện pháp chính trị, ngoại giao để giải quyết các tranh chấp trên biển với Trung Quốc là một giải pháp tích cực và có triển vọng.

Tuy nhiên, một số học giả và đại biểu cho rằng, trước tình hình và diễn biến trên Biển Đông hiện nay, nhất là khi Trung Quốc không thiện chí để giải quyết tranh chấp bằng biện pháp chính trị, ngoại giao, trong trường hợp cần thiết, Việt Nam cũng nên cân nhắc việc sử dụng biện pháp pháp lý để giải quyết các tranh chấp liên quan với Trung Quốc. Bởi lẽ, trật tự của thế giới phải được vận hành trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế.

Nhấn mạnh vai trò của khối ASEAN trong giải quyết xung đột ở Biển Đông, nhiều học giả thống nhất cho rằng: ASEAN cần giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông cũng như thúc đẩy ký kết nhanh chóng Bộ Quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông, duy trì đoàn kết trong nội bộ khối.

Các quốc gia trong khu vực cần tận tâm, thiện chí hợp tác để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, nhằm duy trì môi trường hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.

Giáo sư Andrea Margelletti - Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu quốc tế Italia (Ce.S.I) nhấn mạnh, ASEAN có thể thực hiện vai trò giám sát ở Biển Đông và trở thành một cơ quan giám sát thực thụ để bảo đảm sự ổn định khu vực.

Luật gia Veeramalla Anjaiah - Phó tổng biên tập Daily Jakarta Post (Indonesia) nêu quan điểm, ASEAN cần đoàn kết, thống nhất, đồng thuận để cùng Trung Quốc ký Bộ Quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông; đồng thời cần vận động các quốc gia ngoài khối như Mỹ, Nhật Bản, Australia… ủng hộ trong tiến trình giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục