Đại thi hào Nguyễn Du trong chương trình ngữ văn phổ thông

Hội thảo về đại thi hào Nguyễn Du trong chương trình ngữ văn phổ thông được tổ chức ở Hà Tĩnh nhân kỷ niệm 250 ngày sinh của ông (1765-2015).
Đại thi hào Nguyễn Du trong chương trình ngữ văn phổ thông ảnh 1Tượng đài Nguyễn Du ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. (Nguồn: hatinh.gov.vn)

Nhân kỷ niệm 250 ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du (1765-2015), ngày 24/10, tại thành phố Hà Tĩnh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo “Nguyễn Du - Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới trong chương trình ngữ văn phổ thông.”

Tham dự hội thảo có các học giả, nhà khoa học và giảng viên, giáo viên các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông trên địa bàn Hà Tĩnh.

Với 160 bài tham luận gửi đến hội thảo, Ban tổ chức đã chọn ra 24 tham luận được đánh giá cao để tham luận tại hội thảo. Các tham luận đưa ra các giải pháp cho các trường học, giáo viên thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, nỗ lực tìm tòi, khám phá một cách sâu sắc, đầy đủ về thân thế, cuộc đời sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du và những tác phẩm được dạy trong trường phổ thông để từ đó có hướng tiếp cận đúng đắn.

Khẳng định những giá trị trường tồn các tác phẩm của Đại thi hào Nguyễn Du, trở thành di sản văn học, văn hóa nhân loại với những giá trị vượt thời gian, góp phần quan trọng nâng cao tầm vóc của nền văn học dân tộc Việt Nam.

Với tham luận “Truyện Kiều trong chương trình trung học Việt Nam, nhìn từ dạy học, đào tạo năng lực cho học sinh”, giáo sư, tiến Sỹ Trần Đình Sử, nguyên giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã chỉ ra những giá trị văn học còn nguyên vẹn của Truyện Kiều, về tư tưởng, giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo và có cả tư tưởng định mệnh.

Tuy nhiên, trong trường học có hiện tượng khá phổ biến là giảng viên, giáo viên thường tập trung giải thích các từ ngữ có nguồn gốc Hán mà ít quan tâm về tiếng Việt. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã vận dụng các hình thức cấu tạo từ linh hoạt, các phương pháp tu từ, ghép song đôi, cách dùng mỹ từ nhuần nhuyễn, thuần thục tạo nên nét trong sáng của tiếng Việt để cốt truyện trở nên gần gũi với người đọc.

Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Sử cho rằng trong các đoạn trích Truyện Kiều được đưa vào sách giáo khoa, giáo viên cần đổi mới phương pháp dạy học, lấy học sinh làm trung tâm, tạo cho học sinh bày tỏ suy nghĩ của mình.

Trong các kỳ thi cần đưa tác phẩm Truyện Kiều như là một nội dung có thể đề cập đến nhằm tăng vai trò, vị trí Truyện Kiều cũng như các tác phẩm của Nguyễn Du tác động đến tâm thức của học sinh, sinh viên...

Các tham luận tại hội thảo cũng đưa ra những chủ đề nên đưa vào giảng dạy ở bậc trung học phổ thông về phương diện nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. Định hướng cách tiếp cận, dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng một cách đúng hướng trong đoạn trích Truyện Kiều trong chương trình ngữ văn phổ thông hướng tới hình thành, phát triển, năng lực, phẩm chất cho học sinh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục