Hội thảo khoa học quốc tế “Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du: Di sản và các giá trị xuyên thời đại,” tổ chức ngày 8/8, tại Hà Nội.
Hội thảo này được tổ chức nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du (1765-2015), do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh phối hợp tổ chức.
Phát biểu tại hội thảo, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh cho rằng việc tổ chức kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du trên phạm vi toàn quốc chính là những hành động cụ thể, thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Di sản văn hóa của Nguyễn Du là sản phẩm kết tinh trí tuệ, tâm hồn, vẻ đẹp văn hóa dân tộc Việt Nam qua tài năng trác tuyệt của ông và cùng với thời gian, di sản ấy đã trở thành một phần tinh hoa văn hóa nhân loại.
Di sản văn hóa của Nguyễn Du thuộc về hiện tại và tương lai. Di sản ấy đang góp phần làm giàu thêm đời sống tinh thần của dân tộc, của mỗi người dân hôm nay. Đặc biệt là "Truyện Kiều" đã không ngừng lan tỏa và được khám phá trên nhiều phương diện khác nhau. Nhiều nguyên thủ quốc gia khi đến Việt Nam đã mượn hình thức lẩy Kiều như một sự thể hiện coi trọng văn hóa, coi văn hóa là cầu nối để xây đắp tình hòa hiếu, hướng tới tương lai.
Ông Đinh Thế Huynh mong muốn các nhà khoa học phát huy trí tuệ, tập trung khám phá, làm sáng tỏ hơn những giá trị to lớn trong di sản văn hóa của Nguyễn Du. Đặc biệt, có những kiến giải mới về chiều sâu tư tưởng, giá trị nhân đạo và tinh thần khoan dung văn hóa, khát vọng tự do, cắt nghĩa sâu xa của Nguyễn Du từ tầm nhìn hiện đại và nhãn quan khoa học liên ngành, chuyên ngành.
Theo giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trong bối cảnh chung của thời kỳ hội nhập và phát triển, từ nhiều thập kỷ qua, đặc biệt trong những năm gần đây, Viện vẫn tiếp tục quan tâm và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu về Đại thi hào Nguyễn Du trên tất cả các lĩnh vực lịch sử tư ưởng, văn hóa-văn học, Hán Nôm, ngôn ngữ, giáo dục, dịch thuật, xuất bản…
Lần này, ngoài việc khẳng định, tôn vinh tài năng và những đóng góp to lớn của Đại thi hào Nguyễn Du đối với nền văn học, văn hóa Việt Nam và nhân loại, Hội thảo là nơi gặp gỡ của các nhà Kiều học và Nguyễn Du học, nơi thể hiện những tiếng nói đồng cảm, đồng lòng, đồng vọng về những giá trị tinh thần mà Nguyễn Du trao gửi cho hậu thế.
Hội thảo còn là dịp mở rộng giao lưu, quảng bá các giá trị tinh hoa của văn học cổ điển Việt Nam, văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Hơn 100 tham luận của các học giả ở trong và ngoài nước như Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Cộng hòa Séc… gửi tới hội thảo đã tập trung làm rõ hơn từ phát hiện văn bản, đến diễn dịch văn bản, bao gồm cả dịch thuật, lý giải và đọc mới những cách diễn dịch trước đây, nhưng đã tập trung vào việc tìm kiếm tư liệu, tiếp cận các tập thơ chữ Hán và kiệt tác "Truyện Kiều" của Nguyễn Du.
Là tác giả đỉnh cao của văn học Việt Nam truyền thống, mang tinh thần nhân văn vượt biên giới và vượt thời đại, đồng thời là hiện tượng có ý nghĩa lớn của giao tiếp văn hóa văn chương trong khu vực Đông Á trước thời hiện đại, Nguyễn Du và di sản của ông đã được các nhà biên khảo, dịch thuật, phẩm bình, nghiên cứu trong và ngoài nước khai thác ở mọi góc cạnh từ hơn một thế kỷ nay.
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học cho biết với 2 chủ đề, Hội thảo chia làm 2 tiểu ban gồm cuộc đời, di sản của Nguyễn Du nhìn từ trong và ngoài quốc gia; "Truyện Kiều" với những phương thức diễn dịch và chuyển hóa.
Nếu các nhà khoa học bàn thảo một cách kỹ lưỡng, chắc chắn Nguyễn Du sẽ hiện lên rõ nét hơn trong tư cách là một nhà tư tưởng, một nhà lý luận. Nó sẽ được coi là những phát hiện có ý nghĩa của hội thảo khoa học lần này.
Nếu có những tư liệu mới và những diễn giải mới về mối quan hệ giữa Nguyễn Du và quê hương Hà Tĩnh, đó sẽ là cơ sở đáng tin cậy để tiếp tục có những nghiên cứu sâu hơn về di sản Nguyễn Du và kiệt tác "Truyện Kiều" trong tương lai./.