Bao năm qua, từ bàn tay cần cù, chịu khó của cộng đồng các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh Điện Biên, loại gạo có chất lượng thơm, ngon nức tiếng "nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tức Tấc" đã xuất hiện.
Khi công trình Đại thủy nông Nậm Rốm - công trình lớn thứ hai sau công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải (miền Bắc) lúc bấy giờ, đi vào hoạt động, cung cấp nước tưới nông nghiệp, thì cánh đồng Mường Thanh mới có khả năng nâng tổng diện tích gieo cấy lên gấp nhiều lần và hạt gạo Mường Then-Mường Trời mới khẳng định thương hiệu trên khắp mọi miền đất nước.
Kỳ vĩ công trình mang sức trẻ, lòng nhiệt huyết
Cuối năm 1962 đầu 1963, Trung ương, Khu ủy Tây Bắc quyết định thành lập Công trường Đại thủy nông Nậm Rốm (huyện Điện Biên, tỉnh Lai Châu (cũ). Ngày 3/10/1963, Công trường Đại thủy nông Nậm Rốm chính thức được khởi công xây dựng.
Hơn 2.000 cán bộ, đội viên thanh niên gồm hơn 800 đội viên thanh niên tháng 8 Thủ đô và lực lượng thanh niên các tỉnh miền xuôi như Hưng Yên, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định, Thanh Hóa... theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, Nhà nước đã “chân đất, tay thô, xẻ dọc núi đồi” xung phong lên với Điện Biên, thực hiện xứ mệnh cao cả: hoàn thành công trình Đại thủy nông Nậm Rốm trong thời gian sớm nhất để tạo nên “mạch sống” cho Điện Biên thoát khỏi tình trạng thiếu đói.
Ông Trần Công Chính, cựu thanh niên xung phong tỉnh Điện Biên nhớ lại: "Để bước đầu tạo dựng hình hài của “mạch sống Điện Biên," công việc chúng tôi làm đầu tiên là xây dựng đập chính dâng nước. Khó khăn nhất là phải ngăn dòng, chặn đứng dòng chảy cả một dòng sông Nậm Rốm với sức nước mạnh và sự hung hãn của dòng sông, trong khi việc thi công lại hoàn toàn thô sơ, thủ công và liên tục bị bom đạn của kẻ địch bắn phá. Doanh trại của các tổ, đội phải sơ tán vào rừng khu vực bên trong hồ Huổi Phạ (suối Trời) đế tránh máy bay, pháo sáng của địch oanh tạc. Cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của mọi người thiếu thốn vô cùng khi cơm không đủ ăn, nước không đủ uống, mùa Đông của núi rừng Tây Bắc lạnh đến nhức buốt chân tay. Liên tục nhiều tháng liền trong năm, anh em thanh niên xung phong phải ăn măng đắng, rau rừng và ngô 'răng ngựa.' Tuy nhiên, lực lượng tham gia xây dựng công trình đã quyết tâm thực hiện khẩu hiệu “ba bù” (bù mưa, bù ốm, bù phòng không) để tăng ca, đẩy giờ làm việc lên đạt từ 10 đến 12 giờ lao động/ngày."
Ông Nguyễn Ngọc Ơn, cựu thanh niên xung phong Đại thủy nông Nậm Rốm nhớ lại: "Xây dựng công trình đại thủy nông Nậm Rốm trong điều kiện lao động khắc nghiệt nhưng với tinh thần 'làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm,' chúng tôi đã thắp đèn dầu và luyn tạo nguồn sáng để lao động."
"Ban ngày, khi có máy bay địch, chúng tôi sơ tán vào rừng, ban đêm, từ khoảng tám giờ tối, chúng tôi đập đá dăm thủ công, gánh đất... đến tận sáng hôm sau. Thời điểm đó, nhiều người phải lấy quần áo quấn vào đòn gánh cho đỡ đau nhưng vai và bàn chân thì rơm rớm máu. Đêm ra suối chúng tôi phải tắm bằng lá cơi, lá xoan để chống lại với các loại bệnh như hắc lào, mẩn ngứa, ghẻ lở. Nhiều đêm mưa, nằm ngủ trong lán, nhiều anh em đã bị vắt xanh bu quanh bụng, hút máu chảy loang, thấm ướt áo quần."
Trong lao động thủ công, từ bàn tay, khối óc của mình, lực lượng thanh niên xung phong Đại công trình thủy nông Nậm Rốm đã có những sáng kiến cải tiến công cụ sản xuất để tăng năng suất lao động như làm cán xẻng khoằm để cào đất vào sọt nhanh hơn; dùng cẩu bằng cây tre dài để di chuyển đất, đá từ vị trí cách nhau 10m mà không phải gánh bộ; dùng ròng rọc động để vận chuyển đất từ đỉnh đồi xuống thấp cho năng suất vượt tới 300%; đóng máng gỗ để tuồn đất, đá, bêtông vào vị trí xây dựng...
Năm 1969, công trình Đại thủy nông Nậm Rốm hoàn thành trong niềm vui khôn tả của người dân cộng đồng 20 dân tộc anh em ở Lai Châu (cũ). Công trình là sự kết tinh của sức trẻ, sự đoàn kết, lòng quả cảm, nhiệt huyết và thái độ hăng say làm việc của thế hệ thanh niên.
Kỳ vĩ nhất là đầu mối công trình, gồm đập dâng nước có dạng Ofixerop xây bằng đá bọc bêtông, có chiều cao đập lớn nhất 9m, chiều dài đập 60m. Đập đầu mối nằm ở vị trí cửa ngõ của thành phố Điện Biên Phủ, sừng sững như một bức tường thành chặn dòng dâng nước sông Nậm Rốm. Từ đập đầu mối này, hai tuyến kênh cấp 1 tả-hữu dài hơn 30km phân nhánh, vượt qua bao cầu cạn, mương máng, ôm sát sườn núi tạo thành vòng cung bao bọc và ngày đêm cung cấp nước cho cánh đồng Mường Thanh.
Khi Công trình Đại thủy nông Nậm Rốm hoàn thành, đã có 18 anh, chị em thanh niên xung phong tham gia xây dựng công trình hy sinh và nằm lại trong lòng đất mẹ Tây Bắc.
Mạch sống Đại thủy nông Nậm Rốm
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên, khi chưa có hệ thống Đại thủy nông Nậm Rốm, nguồn nước tưới cung cấp cho cả cánh đồng Mường Thanh (huyện Điện Biên) chỉ nhờ vào nguồn “nước trời” và nước từ các suối nhỏ nên người dân chỉ gieo cấy được khoảng trên 1.000ha lúa mùa. Do vậy, năng suất lương thực rất bấp bênh, phụ thuộc vào thiên nhiên, thời tiết.
Theo tài liệu báo cáo bổ sung của Viện khảo sát thiết kế thủy lợi Quốc gia (năm 1992), Đại thủy nông Nậm Rốm được thiết kế tưới cho trên 3.300ha canh tác (trong vòng ôm của hai kênh tả, hữu của công trình), trong đó tưới lúa vụ chiêm gần 2.400ha; vụ mùa gần 3.000 ha; rau màu hơn 400ha. Tần suất cung cấp nước bảo đảm 50% và khi có hồ Pá Khoang với diện tích mặt nước 600ha, dung tích 37 triệu m3, tần suất sẽ nâng lên 75%.
Từ năm 2004, hệ thống kênh mương được bêtông hóa, dần hoàn thiện, kết hợp với việc xây dựng và đưa vào sử dụng, khai thác 9 hồ chứa lớn trên địa bàn, nên diện tích tưới của Công trình đại thủy nông Nậm Rốm được nâng cao. Nếu năm 1984, tổng diện tích lúa 2 vụ của tỉnh Điện Biên là gần 2.400ha thì đến năm 2017, tổng số diện tích lúa 2 vụ của tỉnh này đã tăng lên hơn 7.000ha.
Ông Trần Hà Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên cho biết sau khi giải phóng Điện Biên (năm 1954), cánh đồng Mường Thanh là bãi cỏ hoang, dân cư thưa thớt, canh tác manh mún, phụ thuộc vào thiên nhiên. Khi Đại thủy nông Nậm Rốm đi vào hoạt động, với địa thế giáp chân núi, có cao độ cao hơn mặt bằng của cánh đồng Mường Thanh nên hai kênh tả-hữu của công trình vận hành cung cấp nước tưới rất hiệu quả (chủ yếu là tự chảy), tổng lưu lượng tự chảy hơn 4m3/s.
Nhờ 2 tuyến kênh tả, hữu của Công trình đại thủy nông Nậm Rốm cung cấp nước tưới mà nhiều xã thuộc khu vực lòng chảo Mường Thanh đã phát huy thế mạnh kinh tế của mình. Trong khi các xã Thanh Xương, Thanh An, Noong Hẹt, Sam Mứn... nổi tiếng trồng lúa cho năng suất cao, chất lượng gạo tốt thì Thanh Hưng, Pom Lót, Sam Mứn... là những xã nổi tiếng với truyền thống chuyên canh rau màu cung cấp cho cả khu vực lòng chảo Mường Thanh.
Theo ông Trần Hà Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên, hiện nay, hệ thống Đại thủy nông Nậm Rốm đảm nhận chức năng cung cấp nước tưới cho khoảng 3.000 vụ chiêm và 3.000ha vụ mùa với năng suất hơn 10 tấn/ha; hơn 55ha mặt ao để nuôi trồng hải sản, cho sản lượng hơn 200 tấn/năm và hơn 300ha chuyên canh rau màu.
Điều tạo nên chất lượng cho hạt gạo Điện Biên là cánh đồng Mường Thanh hội tụ được những yếu tố thổ nhưỡng, khí hậu, nền nhiệt độ, lượng ánh sáng, bức xạ nhiệt độc đáo, đặc trưng của lòng chảo. Tuy nhiên, nếu không có hệ thống kênh của Đại công trình thủy nông Nậm Rốm thì diện tích, năng suất, sản lượng của gạo Điện Biên khó mà đạt được những con số "đẹp" như hôm nay.
Hiện nay, công trình Đại thủy nông Nậm Rốm đã khác trước nhiều do được đầu tư, tu sửa để đáp ứng với mục tiêu cung cấp nước tưới cho công việc sản xuất, lao động của người dân địa phương./.