Trong những ngày gần đây, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Nam Định, Thái Bình xuất hiện nhiều ổ dịch trong cộng đồng với các diễn biến phức tạp, đòi hỏi lực lượng chống dịch phải căng mình truy vết, xét nghiệm.
Đắk Lắk từng bước kiểm soát các ổ dịch trong cộng đồng
Chiều 15/11, Sở Y tế Đắk Lắk cho biết, trong 24 giờ qua, tỉnh ghi nhận thêm 46 trường hợp mắc COVID-19, đây là ca số mắc thấp nhất trong ngày được ghi nhận trong 7 ngày qua. Tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát các ổ dịch trong cộng đồng.
Thành phố Buôn Ma Thuột vẫn là tâm điểm của dịch COVID-19 tại tỉnh Đắk Lắk với 1.683 trường hợp mắc COVID-19. Trong 7 ngày gần đây, thành phố ghi nhận 423 ca mắc mới, ngày cao nhất phát hiện 110 ca trong cộng đồng.
Để phát hiện sớm các trường hợp F0, cắt nguồn lây nhiễm trong cộng đồng, từ ngày 6 đến 9/11, thành phố Buôn Ma Thuột đã triển khai test nhanh SARS-CoV-2 cho toàn dân ở 21 xã, phường, qua đó phát hiện gần 200 ca mắc COVID-19.
Hiện thành phố tiếp tục triển khai xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho cho gần 19.500 người dân ở vùng có ổ dịch cộng đồng nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc COVID-19 và từng bước kiểm soát các ổ dịch trong cộng đồng.
Về tiêm phòng vaccine COVID-19, tính đến ngày 11/11, toàn tỉnh đã tiêm 1.227.909 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 1.098.538 liều (đạt 82,29%), tiêm mũi 2 là 129.371 liều (đạt 9,7%). Riêng thành phố Buôn Ma Thuột, tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 cho người trên 18 tuổi đạt 97,29%.
Thành phố đang đẩy mạnh tiêm trả mũi 2 cho người dân. Dự kiến đến cuối tháng 11/2021, Bộ Y tế sẽ phân bổ thêm nguồn vaccine, bảo đảm cho tỉnh bao phủ 100% mũi 1 và nâng độ bao phủ mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên; đồng thời sẽ phân bổ trên 215.000 liều để tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh từ 12-17 tuổi.
Trong tháng 12/2021, Bộ Y tế tiếp tục phân bổ thêm vaccine, bảo đảm cho tỉnh bao phủ mũi 2 và tiêm trả mũi 2 cho số học sinh đã tiêm mũi 1, nhằm sớm tạo miễn dịch cộng đồng và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 7 cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 với quy mô trên 3.000 giường bệnh theo mô hình tháp 3 tầng. Trước sự gia tăng đột biến của số ca mắc COVID-19, tỉnh dự kiến tăng số giường điều trị lên trên 5.500 giường bệnh trên tất cả các tuyến.
Ngày 1/11, tỉnh kích hoạt Bệnh viện dã chiến số 2 với quy mô 1.500 giường và ngày 12/11 thành lập thêm Bệnh viện dã chiến số 3 với quy mô 500 giường tại Ký túc xá Trường Cao đẳng công nghệ Tây Nguyên ở thành phố Buôn Ma Thuột để thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 tầng 1.
Để hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk chống dịch, Bộ Y tế đã cử Đoàn công tác của Bộ và Đoàn bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai tham gia công tác phòng, chống dịch tại tỉnh nhằm sớm kiểm soát tình hình dịch bệnh, nhất là kiểm soát các ổ dịch trong cộng đồng.
Đến chiều 15/11, tỉnh ghi nhận 6.118 ca mắc COVID-19, trong đó đang điều trị 2.605 trường hợp, có 36 ca tử vong.
Số ca mắc mới tăng, Đồng Tháp khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19
Trước tình hình diện biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, số ca mắc liên tục tăng với hơn 300 ca/ngày, nhiều huyện, thành phố trong tỉnh tăng cường khuyến cáo đến người dân về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; yêu cầu tạm dừng bán hàng ăn, uống tại chỗ, chỉ được bán mang về, phong tỏa những địa bàn có ca mắc COVID-19, ngừng hoạt động nhiều tuyến xe buýt.
Tại thành phố Cao Lãnh, các cơ sở bán hàng ăn, uống tạm dừng phục vụ khách tại chỗ, chỉ được bán mang về và phải đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Ủy ban Nhân dân thành phố Cao Lãnh cho biết, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tăng nhanh.
Để chủ động kiểm soát, ngăn ngừa dịch lây lan, Ủy ban Nhân dân thành phố đề nghị người dân hạn chế ra khỏi nhà từ 20 giờ hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết.
Tại huyện Cao Lãnh, khu vực giáp ranh với thành phố Cao Lãnh hực hiện tạm dừng phục vụ tại chỗ, chỉ bán mang về, người bán hàng phải đảm bảo đã tiêm đủ liều vaccine và tuân thủ nghiêm quy tắc 5K. Các cửa hàng tiện ích trên địa bàn thị trấn Mỹ Thọ tạm dừng mua bán trực tiếp, chỉ bán hàng qua mạng và giao hàng tại nhà.
Ủy ban Nhân dân thị trấn Mỹ Thọ đã nhanh chóng tổ chức các đội hình giao hàng tình nguyên để phục vụ nhu cầu của nhân dân. Huyện Cao Lãnh yêu cầu những người cư trú tại địa bàn nguy cơ cao và rất cao (cấp 3, 4) không được đi chuyển ra khỏi địa bàn, trừ những trường hợp đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong thời hạn 6 tháng; đồng thời tăng cường tuyên tuyển hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, kiểm tra xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm.
Phía bờ Nam sông Tiền đến huyện Châu Thành, có 7 khóm của thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành đang thực hiện phong tỏa, thiết lập vùng cách ly y tế. Huyện Châu Thành triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 ở cấp độ 3 (nguy cơ cao).
Tại vùng biên giới huyện Tân Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phan Công Luận ký quyết định gia hạn thời gian cách ly y tế tạm thời đối với một phần của ấp Dinh Bà, xã Tân Hộ Cơ đến hết ngày 17/11/2021, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Trong thời gian này, người dân trong khu vực phong tỏa không được phép ra khỏi khu vực, trừ trường hợp phải chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc các trường hợp đặc biệt khác và phải được sự chấp thuận của chính quyền địa phương; tạm dừng hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu vực phong tỏa; tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế.
Sở Giao thông Vận tải Đồng Tháp có thông báo về việc tạm ngừng hoạt động 4 tuyến xe buýt do Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines đảm nhận khai thác trên địa bàn tỉnh để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 gồm: tuyến xe buýt thành phố Cao Lãnh, thành phố Hồng Ngự, tuyến thành phố Cao Lãnh-Trường Xuân, tuyến Lấp Vò-Phà Ô Môn Phong Hòa và tuyến thành phố Sa Đéc, thành phố Cần Thơ.
Ngày 15/11, tỉnh Đồng Tháp ghi nhận 383 ca mắc mới, trong đó có 10 ca về từ vùng dịch, 137 ca trong các cơ sở cách ly y tế, 2 ca trong cơ sở điều trị, 172 ca trong khu phong tỏa, 62 ca trong cộng đồng. Số bệnh nhân xuất viện là 181 người, có 2 ca tử vong.
Nam Định áp dụng biện pháp cấp bách ngay khi xuất hiện ổ dịch phức tạp trong cộng đồng
Chiều 15/11, Ủy ban Nhân dân huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) cho biết, huyện phát hiện chùm ca bệnh COVID-19 gồm 4 trường F0 tại xóm 34, 35 và xóm Gò, xã Hải Minh. Lực lượng chức năng địa phương đang triển khai các biện pháp cấp bách nhằm ngăn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Theo cơ quan chức năng huyện Hải Hậu, 4 trường hợp F0 trên đã xuất hiện các triệu chứng như ho, sốt, đau rát họng từ ngày 8/11, song đã đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người.
Do vậy, chùm ca bệnh này tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành ổ dịch lớn tại xã Hải Minh. Kết quả truy vết những người liên quan, bước đầu xác định có gần 100 trường hợp F1và trên 200 trường hợp F2.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Hải Hậu đã quyết định phong tỏa, cách ly y tế xóm 34, 35 và toàn bộ xóm Gò, xã Hải Minh với 244 hộ, 956 nhân khẩu từ sáng 15/11.
Huyện Hải Hậu tạm dừng hoạt động của bến đò Gò, các dịch vụ kinh doanh không thiết yếu, hoạt động tập trung đông người, nghi lễ tôn giáo tại xóm 34, 35 và xóm Gò, xã Hải Minh cho đến khi có thông báo được hoạt động trở lại.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện yêu cầu, Ủy ban Nhân dân xã Hải Minh phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức thực hiện nghiêm việc phong tỏa, cách ly y tế đối với 3 khu dân cư đảm bảo yêu cầu “Gia đình cách ly với gia đình, người cách ly với người”; “ai ở đâu thì ở yên đó,” “nội bất xuất ngoại bất nhập”; tổ chức cho các đoàn thể, các lực lượng tham gia làm tốt công tác hậu cần, chăm sóc y tế cho nhân dân trong khu vực phong tỏa.
Công an huyện phối hợp với ngành Y tế và Ủy ban Nhân dân xã Hải Minh khẩn trương điều tra, truy vết thần tốc tất cả các trường hợp là F1 có tiếp xúc gần với các ca bệnh và các trường hợp tiếp xúc gần với F1 (là F2) để xét nghiệm, phân loại, cách ly y tế kịp thời.
Trung tâm Y tế, Phòng Y tế, Bệnh viện đa khoa huyện tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ở xóm 34, 35, xóm Gò và các trường hợp là F1, F2, các trường hợp có nguy cơ cao tại xã Hải Minh nhằm sàng lọc, phát hiện sớm F0 (nếu có).
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Hải Hậu đề nghị, các cơ sở tôn giáo trên địa bàn huyện không tổ chức hoặc hạn chế tối đa việc tổ chức các nghi lễ, sinh hoạt tôn giáo trong thời gian thực hiện phong tỏa với ba khu dân cư tại xã Hải Minh. Trường hợp cần tổ chức, không được quá 20 người tham dự.
Người dân nghiêm túc chấp hành và thực hiện nghiêm các biện pháp, quy định phòng, chống dịch COVID-19, đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức đoàn thể chính trị địa phương trong công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh...
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Nam Định, tính từ thời điểm xuất hiện dịch COVID-19 đến ngày 15/11, tỉnh ghi nhận 732 ca mắc COVID-19 (193 ca tại cộng đồng, 539 ca ghi nhận trong khu cách ly, phong tỏa).
Trong ngày 15/11, tỉnh Nam Định ghi nhận 10 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2; trong đó, 4 ca tại huyện Hải Hậu phát hiện trong cộng đồng, còn lại 6 ca tại các huyện Ý Yên (1 ca), Giao Thủy (3 ca), Nam Trực (1 ca), Nghĩa Hưng (1 ca) đều ở trong khu vực cách ly, phong tỏa.
Hiện các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Nam Định đang cách ly, điều trị 353 bệnh nhân tại: Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu (17 ca); Trung tâm Y tế huyện Nam Trực (77 ca); Trung tâm Y tế huyện Xuân Trường (6 ca); Trung tâm Y tế huyện Giao Thủy (166 ca); Trung tâm Y tế huyện Vụ Bản (6 ca); Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Hưng (10 ca); Trung tâm Y tế huyện Trực Ninh (16 ca); Trung tâm Y tế huyện Mỹ Lộc (1 ca); Trung tâm Y tế thành phố Nam Định (43 ca) và Bệnh viện đa khoa tỉnh (11 ca).
Thái Bình tập trung trong 2 tuần khống chế triệt để các ổ dịch trọng điểm
Ngày 15/11, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai một số nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Thái Bình, từ ngày 10-15/11, tỉnh Thái Bình đã ghi nhận 356 ca mắc COVID-19, trong đó có 27 ca liên quan đến các ca bệnh xâm nhập vào tỉnh và 329 ca liên quan đến các ổ dịch trong cộng đồng (110 ca phát hiện trong khu vực phong tỏa, 73 trường hợp phát hiện qua cách ly tại nhà, 9 ca bệnh cách ly tại cơ sở y tế, 64 trường hợp trong khu cách ly, 73 ca bệnh tại cộng đồng).
Trong đó, riêng huyện Vũ Thư có 244 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại 25/30 xã, thị trấn; thành phố Thái Bình có 68 trường hợp dương tính tại 15/19 xã, phường.
Qua truy vết, ngành Y tế địa phương xác định 2 ổ dịch song trùng tại huyện Vũ Thư là ổ dịch tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn công nghệ may mặc Spectre (địa chỉ tại xóm 4, xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư) đã phát hiện 40 ca; ổ dịch tại xã Nguyên Xá phát hiện 95 ca.
Ngoài ra, còn nhiều ổ dịch khác liên quan đến doanh nghiệp gồm Công ty TAV, Công ty Tân Đệ, Công ty Trách nhiệm hữu hạn nhựa Cotec, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ivory, Công ty may xuất khẩu Quang Huy, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Poog shin Vina. Hiện tỉnh Thái Bình đang theo dõi với 1.383 F1, 5.459 F2.
Tỉnh Thái Bình đang điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại 5 bệnh viện tuyến tỉnh, trong đó tập trung nhiều nhất tại Bệnh viện Phổi đang điều trị 197 ca (trong đó có 50 bệnh nhi); Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang điều trị 36 ca (gồm 5 ca nặng, 31 ca trung bình); Bệnh viện Phục hồi chức năng đang điều trị 57 ca.
Phát biểu tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Thái Bình Phạm Quang Hòa đánh giá, dịch bệnh bùng phát tại Vũ Thư đã lan sang các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện và thành phố Thái Bình.
Phần lớn các ca nhiễm không có triệu chứng lâm sàng, tốc độ lây lan nhanh, xuất hiện cả ở những người đã tiêm vaccine. Các khu vực trọng tâm của dịch đã được khoanh vùng, xử lý các ổ dịch, tiếp tục triển khai xét nghiệm diện rộng, xét nghiệm nhiều vòng, nhiều lần để sớm phát hiện F0.
Dự kiến, trong những ngày tới số ca bệnh sẽ tiếp tục tăng cao theo chu kỳ lây nhiễm của virus, vì vậy cần triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch trong 2 tuần để khống chế triệt để các ổ dịch trọng điểm.
Từ ngày 15/11, ngành Y tế Thái Bình thực hiện lấy mẫu lần 2 cho 96.000 người dân trên địa bàn huyện Vũ Thư (đợt 1 đã thực hiện ngày 12/11 với 66.000 mẫu).
Trên cơ sở phân tích diễn biến tình hình dịch bệnh và chỉ ra những hạn chế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận yêu cầu, bên cạnh việc tầm soát xét nghiệm diện rộng, huyện Vũ Thư - địa phương đang bùng phát dịch với số ca mắc cao nhất trong tỉnh cần ráo riết, quyết liệt để sớm kiểm soát được tình hình; tránh quản lý theo kiểu “chặt vòng ngoài, lỏng vòng trong” gây tốn kém, không hiệu quả trong phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để nhân dân đề cao cảnh giác, đồng thuận thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Các địa phương kiểm soát chặt chẽ người đi, về tỉnh Thái Bình, đặc biệt là những trường hợp đến những ổ dịch đã được phát hiện.
Các doanh nghiệp phải thực hiện quản lý danh sách công nhân và sẵn sàng phương án phòng, chống dịch COVID-19 khi có ca dương tính. Các huyện, thành phố đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát trọng điểm nhất là với đối tượng có nguy cơ cao.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình yêu cầu ngành Y tế và các địa phương đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19, trong đó đảm bảo an toàn tiêm vaccine cho 160.000 trẻ độ tuổi từ 12 đến 17 tuổi.
Tỉnh Thái Bình hiện có 251/260 xã, phường áp dụng cấp độ phòng, chống dịch COVID-19 ở cấp 1- màu xanh; 8 xã gồm Duy Nhất, Hiệp Hòa, Hòa Bình, Hồng Phong, Trung An, Việt Thuận, Vũ Đoài, Vũ Tiến (huyện Vũ Thư) áp dụng cấp độ 2 - màu vàng; xã Nguyên Xá (huyện Vũ Thư) áp dụng cấp độ 4 - màu đỏ.
Có 7 huyện, thành phố áp dụng cấp độ 1, toàn huyện Vũ Thư áp dụng cấp độ 2 và toàn tỉnh Thái Bình thuộc cấp độ 1.
Về công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, đến nay Thái Bình đã hoàn thành trên 1,1 triệu mũi tiêm, trong đó gần 125.300 người tiêm đủ 2 mũi, trên 1 triệu người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine./.