Để phát triển ngành điều bền vững theo hướng hiện đại, tỉnh Đắk Lắk xác định đưa vào sử dụng giống điều có năng suất, chất lượng cao cung ứng cho nông dân tái canh, trồng mới tại nhiều địa phương; sản xuất hạt điều theo tiêu chuẩn có chứng nhận chất lượng.
Tại buổi làm việc với Hiệp hội Điều Việt Nam nhằm bàn thảo về giải pháp phát triển bền vững ngành Điều cho tỉnh Đắk Lắk ngày 3/6, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk Y Giang Gry Niê Knơng cũng cho biết tỉnh cũng sẽ đa dạng hóa sản phẩm ngành điều (điều rang muối, bơ hạt điều, bánh kẹo nhân điều); thúc đẩy xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; hỗ trợ chứng nhận chất lượng sản phẩm hạt điều, xây dựng thương hiệu điều của tỉnh gắn với vùng trồng nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm.
Theo đánh giá của chuyên gia Hiệp hội Điều Việt Nam, công nghệ chế biến điều của Việt Nam đã được doanh nghiệp trong nước đầu tư hệ thống đồng bộ từ cắt đến đóng gói. Một số doanh nghiệp có nhập điều nguyên liệu chế biến sẵn nước ngoài làm thành phẩm để xuất đi phần nào ảnh hưởng đến giá điều của Việt Nam và các địa phương.
Tuy vậy, giá thu mua hạt điều của Đắk Lắk cao so với mặt bằng chung và chất lượng ngon hơn các địa phương khác. Vì vậy, năng lực cạnh tranh của ngành điều cho Đắk Lắk cần phải được chú trọng trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng cám ơn Hiệp hội Điều Việt Nam đã chia sẻ một số định hướng lớn, thị trường tiềm năng và dự báo khó khăn ngành điều khi gia nhập thị trường quốc tế.
[Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản: Ngành điều thay đổi chiến lược phát triển]
Qua phân tích thực trạng phát triển ngành điều, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đề nghị Hiệp hội điều Việt Nam kết nối thường xuyên, tiếp tục hỗ trợ tỉnh kinh phí để triển khai thực hiện trồng mới, ghép cải tạo vườn điều già cỗi, năng suất thấp; cách thức xây dựng vùng nguyên liệu quy mô kết nối toàn tỉnh; xây dựng chỉ dẫn hạt điều, thương hiệu cho sản phẩm đặc sản hạt điều Đắk Lắk, tham gia xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chế biến điều tại địa phương.
Trước tình hình biến đổi khí hậu, tỉnh mong muốn Hiệp hội Điều Việt Nam hỗ trợ thêm khoa học kỹ thuật trồng, chất lượng giống cho nông dân, quy hoạch hoàn chỉnh về cây điều; xây dựng chính sách đặc thù cho doanh nghiệp tham gia chế biến hạt Điều xuất khẩu điều.
Điều là một trong những loại cây trồng lâu năm của tỉnh Đắk Lắk, có diện tích chỉ sau cà phê, cao su, tiêu. Diện tích điều hiện nay của tỉnh 23.849ha, trong đó diện tích cho sản phẩm 20.732ha, năng suất đạt 10,34 tạ/ha. Những năm gần đây diện tích điều có xu hướng tăng do giá thu mua hạt điều tăng.
Về chế biến, toàn tỉnh có 06 cơ sở chế biến điều nhân đang hoạt động, công nghệ quy mô nhỏ, không có vùng nguyên liệu ổn định. Sản lượng xuất khẩu điều 06 tháng đầu năm 95.000 tấn đạt 15,6% kế hoạch./.