Ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông vừa ký ban hành kế hoạch phát triển càphê đặc sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Đắk Nông định hướng xây dựng, phát triển khoảng 2.000ha càphê đặc sản, tạo tiền đề để phát triển bền vững ngành càphê, vốn có diện tích, sản lượng đứng thứ ba cả nước.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông, toàn tỉnh hiện có 130.000ha càphê, sản lượng trên 320.000 tấn.
[Đắk Nông hướng đến chế biến sâu, nâng cao giá trị cho cây càphê]
Thời gian qua, Đắk Nông đã xây dựng nhiều vùng càphê đặc sản theo tiêu chuẩn và quy trình đánh giá của Hiệp hội càphê đặc sản thế giới (SCA) và Viện chất lượng càphê thế giới (CQI).
Hiện tỉnh đã hình thành nhiều vùng càphê đặc sản “điểm” tại hầu hết các huyện, thành phố. Đây được xem là hạt nhân, nền tảng để mở rộng, phát triển càphê đặc sản trong giai đoạn tiếp theo.
Mục tiêu của kế hoạch là nâng cao chất lượng hạt càphê; gắn khâu sản xuất với chế biến thành phẩm và thị trường tiêu thụ; quản lý chặt chẽ chất lượng của tất cả các khâu liên quan; huy động sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế và chỉ tập trung phát triển càphê tại những khu vực có điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng phù hợp để hạt càphê có chất lượng tốt nhất.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, Đắk Nông sẽ phát triển khoảng 1.000ha càphê đặc sản với sản phẩm càphê nhân chọn lọc đạt chuẩn hơn 500 tấn; con số này vào năm 2030 là 2.000ha và sản lượng tăng lên 1.500 tấn.
Nông dân tham gia sản xuất càphê đặc sản sẽ có hiệu quả kinh tế cao ít nhất 1,8 lần so với sản xuất theo lối truyền thống, thông thường và 100% sản phẩm càphê đặc sản sẽ được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.
Đắk Nông là địa phương có diện tích, sản lượng càphê đứng thứ ba cả nước, sau hai tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng.
Cây càphê tại Đắk Nông là loại cây công nghiệp có diện tích lớn nhất và tỉnh cũng có nhiều vùng chuyên canh càphê (nhất là tại huyện Đắk Mil) có chất lượng nổi tiếng trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, năng suất càphê tại Đắk Nông vẫn thấp hơn so với các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng và nhiều diện tích càphê tại Đắk Nông vẫn đang được trồng tại các khu vực có địa hình, thổ nhưỡng chưa thực sự phù hợp./.