Ngày 26/9, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai ban hành văn bản số 76/QGPCTT gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định về việc đảm bảo an toàn ngư dân và tàu cá hoạt động trong vùng nguy hiểm.
Bão số 4 đang hoạt động trên khu vực biển Đông; đây là cơn bão rất mạnh (cường độ cấp 13-14, giật cấp 16), di chuyển nhanh và đổ bộ vào đất liền nước ta trong ngày 28/9/2022.
Theo báo cáo nhanh của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đến 6 giờ ngày 26/9, hiện có 177 tàu cá/1.398 ngư dân đang hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão số 4, trong đó Đà Nẵng 7 tàu/45 ngư dân; Quảng Nam 18 tàu/213 ngư dân; Quảng Ngãi 87 tàu/684 ngư dân; Bình Định 65 tàu/456 ngư dân.
Để đảm bảo an toàn tàu thuyền, không để xảy ra thiệt hại trên biển, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân-Trưởng Ban Chỉ huy Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương bằng mọi biện pháp thông báo, kêu gọi, hướng dẫn các tàu cá nêu trên di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm của bão hoặc về nơi tránh trú an toàn.
Báo cáo công tác triển khai và kết quả thực hiện về Ban Chỉ đạo trước 6 giờ 30 phút và 17 giờ hàng ngày để tổng hợp, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ-Trưởng ban.
Ngày 26/9, nhận định về bão số 4, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho rằng hiện bão di chuyển chủ yếu hướng Tây, với tốc độ từ 20-25km/h. Khoảng từ chiều và đêm 27/9, bão ảnh hưởng trực tiếp nước ta. Đây là một cơn bão rất mạnh, dự báo là một trong những cơn mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ (tương đương cơn bão số 6-Xangsane 9/2006, bão số 9-Ketsana 10/2009 và bão số 9-Molave 10/2020).
[Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tuyệt đối không chủ quan với bão số 4]
Đề cập đến cường độ của bão, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia lưu ý, bão số 4 đạt cường độ mạnh nhất khi đi qua vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa, cường độ cấp 13-14; giật cấp 17. Khi vào vùng biển gần bờ, cường độ bão duy trì ở khoảng cấp 13; khi ảnh hưởng đến đất liền ở khoảng cấp 12-13, giật trên cấp 14.
Trên biển, vùng biển phía Nam khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), khu vực giữa Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11; vùng gần tâm bão cấp 12-14, giật cấp 17.
Từ trưa 27/9, vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Bình đến Ninh Thuận (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-14, giật cấp 17.
Từ tối và đêm 27/9, vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Định sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 6-8m.
Khu vực Bắc Biển Đông, sóng biển cao 5-7m, vùng gần tâm bão 8-10m.
Vùng biển ngoài khơi khu vực Trung Bộ có sóng cao 4-6m, gần tâm bão sóng cao 6-8m, vùng biển ven bờ sóng cao 4-6m.
Trên đất liền, từ gần sáng ngày 28/9, khu vực ven biển từ Quảng Trị trở vào đến Ninh Thuận có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9-10.
Từ sáng sớm ngày 28/9, ven biển khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 14-15.
Ngày 28/9, khu vực Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh dần lên 6, sau tăng lên cấp 7-8, có nơi cấp 9, giật cấp 11.
Đối với tình hình nước dâng do bão, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho rằng kịch bản hiện tại là khu vực ven biển Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi nước dâng do bão là 0,8-1,2m. Kịch bản cực đoan nước dâng do bão là 1,4-1,8m. Nguy cơ ngập tại vùng trũng, thấp tại ven biển, cửa sông các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi.
Bão số 4 có thể gây ra đợt mưa lớn 150-300mm, có nơi trên 350mm ở khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định và Bắc Tây Nguyên từ chiều 27-28/9; từ đêm 27-29/9, ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình; từ ngày 28-30/9 ở Thanh Hóa và Nghệ An.
Nếu kịch bản mưa phổ biến 300mm, các sông ở khu vực từ Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam sẽ ở mức báo động 1-báo động 2 và trên báo động 2. Các sông ở Bình Định, Kon Tum, Gia Lai ở mức báo động 2-báo động 3 và trên báo động 3. Các sông ở Thừa Thiên-Huế ở mức báo động 1 và trên báo động 1.
Với kịch bản mưa phổ biến 400mm, đỉnh lũ trên các sông ở khu vực Trung Trung Bộ, bắc Tây Nguyên phổ biến ở mức báo động 2-báo động 3 và trên báo động 3; riêng sông Hương tại Thừa Thiên-Huế lên mức báo động 2 và trên báo động 2. Nguy cơ ngập lụt diện rộng tại các tỉnh Trung Trung Bộ và khu vực bắc Tây Nguyên.
Với kịch bản mưa lớn phổ biến trên 400mm, khoảng trên 60 huyện và khu đô thị có nguy cơ ngập lụt: Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch, thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn, Lệ Thủy của tỉnh Quảng Bình; Hướng Hóa, Đắkrông, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị, thành phố Đông Hà thuộc tỉnh Quảng Trị; Phú Vang, Quảng Điền, Phú Lộc, thành phố Huế của tỉnh Thừa Thiên-Huế; Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Thanh Khê, Hải Châu, Ngũ Hành Sơn thuộc thành phố Đà Nẵng; Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An, Thăng Bình, Núi Thành, thành phố Tam Kỳ của tỉnh Quảng Nam; Trà Bồng, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ, thành phố Quảng Ngãi thuộc tỉnh Quảng Ngãi; An Lão, Hoài Nhơn, Hoàn Ân, Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước, thành phố Quy Nhơn thuộc tỉnh Bình Định; Sông Cầu, Đồng Xuân, Tuy An, Phú Hòa, thành phố Tuy Hòa của Phú Yên; Đắk Glei, Đắk Tô, Đắk Hà, KonPlong, thành phố KonTum, Sa Thầy, Ia H'Drai của tỉnh Kon Tum; Mang Yang, Phú Thiện, Ayunpa, Krông Pa, An Khê, K Pang, thị xã An Khê thuộc Gia Lai.
Để chủ động ứng phó với bão, mưa lũ sau bão, giảm thiểu thiệt hại, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các Bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc Công điện số 29/CĐ-QG ngày 24/9/2022 của Ban Chỉ đạo Quốc gia, trong đó tập trung vào việc khẩn trương tổ chức kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn các phương tiện đang hoạt động thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống; triển khai công tác đảm bảo an toàn về người, tài sản trên các đảo và lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản; các tàu vận tải, hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển; công trình đang thi công trên biển, ven biển.
Trên đất liền, các địa phương khẩn trương tổ chức cắt tỉa cành cây; chằng chống, gia cố biển hiệu, nhà ở, các công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, các dự án đang thi công ven biển, các công trình cột tháp cao; đảm bảo an toàn các tuyến đê biển, đê cửa sông; chủ động chỉ đạo thu hoạch lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản…
Các địa phương triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, các công trình đang thi công, các hồ chứa và hạ du; sẵn sàng bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các ngầm tràn, khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính; phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó với bão, mưa lũ để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại..../.