Đảm bảo cung cầu hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên Đán 2020

Tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt khoảng 31.200 tỷ đồng - tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2019.
Đảm bảo cung cầu hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên Đán 2020 ảnh 1Mua sắm hàng hóa. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Năm nay, do Tết Nguyên đán đến khá sớm và gần với Tết Dương lịch nên việc chuẩn bị hàng hóa Tết tại thời điểm này đã được các đơn vị và doanh nghiệp xây dựng, triển khai tương đối đầy đủ.

Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết số lượng một số mặt hàng chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết năm 2020 gồm gạo 191.400 tấn; thịt lợn 44.600 tấn; thịt gia cầm 14.800 tấn;  thịt bò 12.306 tấn; trứng gia cầm 260 triệu quả; rau củ 247.400 tấn rau củ; thực phẩm chế biến 12.800 tấn; thủy hải sản 11.364 tấn; nông lâm sản khô khoảng 3.500 tấn; 3.000 tấn bánh mứt kẹo; 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát; 200.000m3 xăng dầu và các mặt hàng về may mặc, điện máy.

Tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 31.200 tỷ đồng (tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2019).

[Hà Nội: Phạt vi phạm An toàn vệ sinh thực phẩm hơn 1,3 tỷ đồng]

Ngoài ra, đơn vị này cũng đã chuẩn bị kế hoạch tổ chức cho tháng khuyến mại, các hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn... nhằm đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời hàng hóa Tết đến người dân.

Để đảm bảo cung cầu hàng hóa, Hà Nội đang phối hợp tiêu thụ sản phẩm với các địa phương lân cận, đồng thời tổ chức các hội chợ, triển lãm để đa dạng nguồn cung hàng hóa cho người tiêu dùng.

Cùng với Hà Nội, hầu hết các địa phương, các kênh bán lẻ trên địa bàn cả nước cũng đã lên kế hoạch chuẩn bị hàng Tết nhằm giúp thị trường ổn định và giá cả không có biến động lớn.

Theo thống kê của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 đạt 420,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung quý 3, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.246,4 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% so với quý trước và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.634,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,2% (cùng kỳ năm 2018 tăng 9,1%).

Có thể nói, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tốt, tạo tiền đề cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm 2019 ở mức 11,5-12%.

Để bình ổn thị trường và đảm bảo nguồn cung những tháng cuối năm, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, khẳng định tới đây, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, tổng hợp báo cáo và tổ chức họp Tổ điều hành thị trường trong nước theo định kỳ, có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc bảo đảm cung cầu các mặt hàng nông sản, đặc biệt là đối phó với dịch tả lợn châu Phi, thực thi các biện pháp nhằm bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.

Ngoài ra, đơn vị chức năng theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường trong nước, nhất là các mặt hàng thiết yếu; đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hiện quy định về đăng ký giá, kê khai giá và việc chấp hành theo quy định của pháp luật về quản lý giá.

Mặt khác, các đơn vị phối hợp về thông tin tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận với điều hành của nhà nước và bình ổn thị trường hàng hóa; cam kết đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa các mặt hàng thiết yếu nhất là vào Tết Nguyên đán Canh Tý 2020; thực hiện chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường.

Hơn nữa, các đơn vị phối hợp trong điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đạt được mục tiêu về mức tăng CPI năm 2019; triển khai các chương trình xúc tiến thương mại nội địa để góp phần thúc đẩy tiêu thụ và sức mua trên thị trường.

Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, thị trường miền núi, hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đưa hàng hóa về nông thôn, vùng biên giới, hải đảo. 

Đặc biệt, các đơn vị tích cực ngăn ngừa buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng để bảo vệ sản xuất trong nước và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.