Đảm bảo hàng bình ổn giá đến tay người thu nhập thấp

Thứ trường Bộ Công Thương cho biết, Các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá đã cam kết mở rộng hệ thống phân phối và hướng đến đối tượng là người thu nhập thấp.

Chương trình bình ổn chủ yếu mang tính dẫn dắt thị trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã cam kết mở rộng hệ thống phân phối và gắn kết với doanh nghiệp địa phương để mở rộng đối tượng thụ hưởng, nhất là tại khu vực vùng sâu vùng xa, khu vực nông thôn.

Đó là thông tin do Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đưa ra tại buổi tọa đàm trực tuyến "Bình ổn thị trường: Tháo gỡ khó khăn cung-cầu trong dịp tết," do Cổng Thông tin điện tử Chính Phủ tổ chức diễn ra chiều 25/12.

Theo thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, hiện có 45 địa phương báo cáo đã chuẩn bị chương trình bình ổn thị trường tết, với số lượng doanh nghiệp tham gia chương trình và điểm bán cũng đông đảo hơn, lên đến 8.000 điểm.

Hơn nữa, chương trình đã lồng kết với chương trình "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" để có thể mở rộng đối tượng thụ hưởng, hướng tới các vùng nông thôn, biên giới và khu công nghiệp, khu chế xuất.

"Thời gian bán hàng trước trong và sau tết cũng tăng lên do vậy tâm lý dự trữ hàng hóa trong dân cũng không còn nhiều. Nhiều doanh nghiệp cam kết bán hàng giáp 30 tết và mở cửa sau tết sớm hơn," thứ trưởng cho hay.

Với kinh nghiệm trong công tác bình ổn thị trường, tại buổi tọa đàm, bà Lê Thị Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ kinh nghiệm, chương trình bình ổn năm 2013 của thành phố được chuẩn bị rất kỹ lượng, trong đó có 9 nhóm mặt hàng với 350 mặt hàng trong danh mục bình ổn, ngoài ra còn có thêm nhóm hàng phục vụ khai giảng, sữa, thuốc chữa bệnh cũng được thành phố đưa vào trong năm nay.

Đặc biệt, thành phố không ứng vốn từ ngân sách nhà nước cho các doanh nghiệp tham gia mà mời gọi các ngân hàng đứng ra cho vay với lãi suất thấp. Hiện nguồn hàng bình ổn dịp tết chiếm 30-40% nhu cầu thành phố, riêng mặt hàng trứng gia cầm và thịt heo, thịt gà chiếm 60% nhu cầu thành phố.

Để đảm bảo hàng đến tay người tiêu dùng thành phố mở rộng các điểm bán, mỗi năm một doanh nghiệp tham gia phải phát triển thêm 20% điểm bán, riêng lương thực thực phẩm đã có 3.500 điểm bán, các khu công nghiệp vùng ven có 1.000 điểm bán. Thành phố cũng yêu cầu lực lượng Quản lý thị trường và Sở Tài Chính thường xuyên kiểm tra các đại lý cấp I, đồng thời truy thu thuế những doanh nghiệp tăng giá bất hợp lý.

"Giá hàng bình ổn luôn thấp hơn thị trường từ 5-10% và cơ sở giá để so sánh phải cùng chất lượng và tiêu chuẩn hàng hóa," bà Đào nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.