Ngày 19/7 là ngày đầu tiên người dân một số tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg để phòng, chống dịch COVID-19.
Tại Bến Tre, các tuyến đường chính trên địa bàn thành phố Bến Tre vắng lặng, người dân thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế. Các chốt kiểm soát dịch bệnh triển khai nghiêm túc.
Qua khảo sát thực tế tại một số chợ, cửa hàng tiện ích ở thành phố Bến Tre, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ đánh giá người dân thực hiện nghiêm Chỉ thị 16. Ngành chức năng kiểm soát tốt tại các khu vực chợ, đảm bảo hàng hóa phục vụ tốt nhất cho người dân.
Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ đề nghị các địa phương thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, sinh hoạt tại chỗ, phòng, chống dịch tại chỗ), năng động, sáng tạo thực hiện với phương châm chăm lo cho người dân; tổ chức linh hoạt và phù hợp thực tiễn tại địa phương; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, tinh thần trách nhiệm cao nhất trong phòng, chống dịch.
Cùng với đó, kịp thời biểu dương các cá nhân tiêu biểu, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm phòng, chống dịch; phát huy hơn nữa vai trò Tổ phòng, chống COVID cộng đồng.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bến Tre, đến 6 giờ 19/7, tỉnh ghi nhận thêm 33 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn tỉnh là 229 ca.
[Những loại xe được ưu tiên hoạt động trên các 'luồng xanh' vận tải]
Tại Sóc Trăng, sáng 19/7, tại các tuyến đường trung tâm nội ô thành phố Sóc Trăng không còn cảnh xe cộ đông đúc như ngày thường. Các chợ truyền thống được phép hoạt động để phục vụ người dân trong thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.
Ngành chức năng đã phân luồng, đảm bảo an toàn cho người dân khi tới mua sắm tại chợ truyền thống.
Nhiều địa phương phát phiếu cho người dân đi mua thực phẩm theo ngày chẵn hoặc lẻ để hạn chế số lượng người vào chợ. Tiểu thương, người dân chấp hành nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế…
Tại các vùng nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào Khmer sinh sống, bà con chấp hành nghiêm Chỉ thị 16, chỉ ra đường khi thật sự cần thiết.
Ông La Thông, người Khmer ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành, cho biết đồng bào chấp hành nghiêm Chỉ thị 16. Các con, cháu ông đang làm việc tại công ty bánh Pía Tân Huê Viên cũng ở lại công ty, hạn chế di chuyển để đảm bảo an toàn.
Để việc triển khai Chỉ thị 16 đạt hiệu quả cao, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng, đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện nghiêm.
Trong thời gian thực hiện giãn cách, ngành chức năng bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe, hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ nhân dân.
Các cấp, ngành phối hợp thực hiện tốt phương án phòng, chống dịch, tổ chức lập chốt kiểm soát chặt chẽ trên các tuyến đường, bảo đảm lưu thông hàng hóa thiết yếu.
Lực lượng chức năng tổ chức tuần tra, kiểm soát, thần tốc truy vết trường hợp F1, F2 để tổ chức cách ly phòng chống dịch.
Tại Bình Dương, nhằm giúp người dân an tâm khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, ở yên trong nhà mà vẫn đảm bảo nguồn lương thực với giá cả bình ổn, tỉnh Bình Dương và các siêu thị trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp đối phó với hiện tượng ôm hàng hóa đầu cơ, bán tăng giá, gây khan hiếm hàng hóa trong tình hình dịch bệnh phức tạp.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, tổng giá trị hàng hóa dự trữ thường xuyên trong các kho của 11 siêu thị luôn bảo đảm, khoảng 685,5 tỷ đồng, không tính xăng dầu, thuốc trị bệnh và khẩu trang, thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh.
Về nguồn cung thịt gia súc, gia cầm, trứng, dự kiến sẽ cung ứng ra thị trường tại địa phương: thịt trâu, bò 2.250 tấn/tháng; thịt lợn 7.500 tấn/tháng; thịt gia cầm 3.750 tấn/tháng; trứng gia cầm 40.000.000 quả/tháng; bình ổn thị trường rau, củ, quả các loại từ việc kết nối cung cầu với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Để giảm gánh nặng số lượng khách cũng như đảm bảo an toàn dịch bệnh, ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết vừa qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị khẩn trương thực hiện kế hoạch cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân.
Cụ thể, tại các khu dân cư, tổ chức bán hàng theo hình thức bố trí xe bán hàng lưu động hoặc thiết lập các điểm bán hàng hóa thiết yếu bán trực tiếp cho người dân tại các điểm bưu cục và bưu điện văn hóa xã, phường, thị trấn, điểm bán hàng khi có nhu cầu tăng thêm do địa phương giới thiệu.
Các siêu thị bố trí xe chuyên chở hàng lưu động, đảm bảo nguồn hàng, tổ chức thu tiền theo đúng bảng giá quy định cho người dân.
Các chợ truyền thống không bị phong tỏa được triển khai hoạt động kinh doanh nhưng phải đảm bảo khu vực được khử khuẩn 3 ngày; tiểu thương bán hàng có xét nghiệm âm tính trong vòng 3 ngày; có chăng dây để đảm bảo khoảng cách giữa người bán và người mua tối thiểu là 2m; bán giá đăng công khai, bán đúng giá.
Các trung tâm y tế trên địa bàn toàn tỉnh Bình Dương cũng tổ chức xét nghiệm cho người điều khiển phương tiện giao hàng, người phục vụ hàng hóa cho người dân.
Sở Giao thông Vận tải tỉnh sẽ ưu tiên cho xe chở hàng lưu động và các xe vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán kể cả khu vực đang phong tỏa, cách ly; tiến hành phun khử khuẩn phương tiện, hàng hóa./.