Những ngày qua, dịch COVID-19 "đổ bộ" vào Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam khiến nhiều nơi số ca lây nhiễm tăng cao, buộc các địa phương phải thực hiện Chỉ thị 15 và 16 của Chính phủ về giãn cách xã hội.
Xuất phát từ tâm lý lo thiếu lương thực, thực phẩm trong thời gian chống dịch nên có nơi đã xảy ra tình trạng người tiêu dùng đổ xô đi mua hàng tích trữ dẫn đến hệ thống siêu thị có lúc hết hàng trên quầy kệ tại một số thời điểm.
Để không ai bị bỏ lại phía sau, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã vào cuộc triển khai hàng loạt giải pháp cấp thiết, kịp thời đảm bảo cung ứng hàng hóa, không để đứt gẫy chuỗi cung ứng.
Thông tấn xã Việt Nam thực hiện loạt bài "Đảm bảo thị trường hàng hóa khu vực phía Nam" ghi nhận những nỗ lực của Trung ương, địa phương và người dân trong việc đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời, đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho người dân trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Bài 1: Chủ động phương án không để đứt gẫy chuỗi cung ứng
Chung vai "gánh vác" lần này, với vai trò cơ quan quản lý Nhà nước và phụ trách mảng thị trường bán lẻ, Bộ Công Thương đã nhanh chóng xây dựng nhiều kịch bản phân phối hàng hóa cho các tỉnh, thành phố phía Nam, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh theo từng cấp độ của dịch bệnh, đặc biệt phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.
Linh hoạt đa kênh bán hàng
Theo báo cáo nhanh của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), tại các tỉnh phía Nam, do tâm lý lo sợ dịch COVID-19 nên người dân mua hàng thực phẩm rất nhiều.
Tuy nhiên, các nhà bán lẻ, siêu thị đều chủ động tăng lượng hàng cung ứng, dự trữ nên cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, giá cả ổn định. Cá biệt tại một số tỉnh như Ninh Thuận, Bình Phước..., giá trứng, các loại thịt, rau, củ, quả tăng từ 5 đến 30%.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, các siêu thị đều chủ động dự trữ và tăng cường cung ứng hàng hóa nên không xảy ra thiếu hàng. Tương tự, lương thực, thực phẩm tại các siêu thị của tỉnh Ðồng Nai cũng dồi dào, bảo đảm cung ứng đủ cho người dân.
Ngoài ra, tại thành phố Cần Thơ, sau khi có hiện tượng người dân đổ xô mua thịt lợn vào ngày 11 và 12/7, đến ngày 13/7, lượng người đi mua sắm thực phẩm đã giảm mạnh, hàng trong siêu thị bảo đảm đầy đủ để cung ứng.
[Tăng gấp 3 lần lượng hàng hóa cung cấp cho Thành phố Hồ Chí Minh]
Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chia sẻ: ngày 13/7, 13 tấn hàng hóa đầu tiên bao gồm nhiều loại nông sản, thực phẩm tươi như rau, củ, quả đã được phân phối tới hệ thống 34 điểm bán bình ổn lưu động của Tổng công ty cổ phần bưu chính Viettel (Viettel Post) tại Thành phố Hồ Chí Minh để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Đây là chương trình phối hợp giữa Bộ Công Thương và sàn thương mại điện tử Vỏ Sò (Voso.vn) thuộc Viettel Post tại chương trình "Thực phẩm bình ổn lưu động" tại 34 điểm bưu cục trên toàn thành phố Hồ Chí Minh nhằm cung cấp đầy đủ thực phẩm thiết yếu cho người dân Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam.
Để giữ mức giá ổn định, sàn thương mại điện tử Vỏ Sò đã kết nối với các nhãn hàng, nhà cung cấp và nhà sản xuất để có phương án tối ưu nhất cho người tiêu dùng nhằm đảm bảo nguồn cung sản phẩm theo 2 hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp.
Đối với phương thức mua hàng trực tuyến, khách hàng có thể truy cập trang https://voso.vn/hang-binh-on-gia hoặc ứng dụng sàn thương mại điện tử Vỏ Sò trên các thiết bị thông minh, lựa chọn danh mục sản phẩm thuộc chương trình “An tâm ở nhà - Mọi thứ Vỏ Sò lo.”
Các đơn hàng dưới 5kg sẽ được ưu đãi vận chuyển đồng giá chỉ 15.000 đồng/đơn trong địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, người mua còn được giảm thêm 15.000 đồng khi thanh toán qua VNPay.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng có thể đến trực tiếp 34 điểm bưu cục của Viettel Post theo thông tin tại địa chỉ https://bit.ly/diembinhongiaHCM. Để việc mua hàng diễn ra một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất, sàn thương mại điện tử Vỏ Sò đã thiết kế các combo thực phẩm đa dạng với khối lượng phù hợp để sử dụng trong nhiều ngày nhằm hạn chế số lần ra khỏi nhà, tuân thủ yêu cầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Là một trong những hệ thống phân phối bán lẻ lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Sài Gòn (Saigon Co.op) cho biết lượng thịt tươi, trứng, rau củ quả đã nhập về cho gần 300 các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food tại Thành phố Hồ Chí Minh, tăng hơn 30% so với những ngày trước.
Cộng với lượng dữ trữ lớn về gạo, mỳ, thực phẩm khô, thực phẩm đông lạnh, thịt mát, hàng bình ổn giá... sẽ đảm bảo cung ứng ra thị trường ổn định hơn 3 đến 6 tháng tới.
Sau khi các thủ tục vận chuyển được các cơ quan liên quan gấp rút khai thông, lượng hàng hóa vận chuyển về các siêu thị bước đầu đã tăng lên đáng kể, cơ bản đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân Tp.Hồ Chí Minh.
Về phương án phân phối hàng hóa, bên cạnh việc bán hàng tại các siêu thị, Saigon Co.op còn tăng cường bán hàng trên các ứng dụng app, website https://cooponline.vn/, liên kết với hầu hết các ứng dụng công nghệ của các hãng và đang kết hợp các đoàn thể địa phương phát hành phiếu “đi chợ giúp người dân.”
Đối với các khu vực thực hiện giãn cách xã hội, sẽ có phương án kết hợp với Tổ dân phố lập danh sách đi chợ giúp dân hoặc cung cấp combo 5-10 mặt hàng thiết yếu đến từng gia đình.
Không để đứt gãy nguồn cung
Rút kinh nghiệm từ những lần cung ứng hàng hóa cho Hà Nội, Đà Nẵng hay các tỉnh có khu công nghiệp bùng phát ca lây nhiễm dịch COVID-19 nặng nề như Bắc Ninh, Bắc Giang vừa qua, Bộ Công Thương khẳng định đã chủ động lên các phương án dự phòng để đối phó với tất cả tình huống nhằm đáp ứng đủ các mặt hàng thiết yếu cho nhân dân.
Đặc biệt, với vai trò là cơ quan quản lý lưu thông hàng hóa và cân đối cung cầu, Bộ Công Thương cho biết, có thể đáp ứng được nhu cầu các thực phẩm thiết yếu của nhân dân, nếu dịch bệnh kéo dài một tháng, hai tháng, 6 tháng và lâu hơn nữa.
Trong tình huống khẩn cấp hơn, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ huy động nguồn dự trữ quốc gia. Ngoài ra, các đơn vị chức năng phải đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, công khai và minh bạch, không nên phụ thuộc vào một kênh liên lạc.
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nhấn mạnh trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam, Bộ Công Thương đã có cuộc họp khẩn và thành lập Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Theo đó, Ban chỉ đạo thường xuyên liên hệ, trao đổi với Ủy ban Nhân dân, Sở Công Thương và các đơn vị chức năng của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam có dịch để kịp thời nắm bắt nhu cầu điều phối hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, phối hợp với địa phương thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm cung ứng thường xuyên, không bị đứt gãy hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
Mặt khác, Ban chỉ đạo kết nối với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối, bán lẻ sẵn sàng các nguồn hàng hóa thiết yếu bảo đảm cung ứng cho người dân tại các địa phương trong mọi tình huống.
Ban chỉ đạo cũng hỗ trợ các địa phương tăng cường thực hiện mua bán theo hình thức trực tuyến; tổ chức các hình thức cung ứng hàng hóa qua hệ thống các tình nguyện viên, đoàn thể ở địa phương.
Theo ông Trần Duy Đông, hiện tại Vụ Thị trường trong nước đang bám sát tình hình, đặc biệt trên cơ sở nguồn hàng dự trữ của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam cũng như việc dự trữ của những doanh nghiệp ở các địa phương lân cận để có phương án phù hợp nhằm điều phối lượng hàng hóa ra vào hợp lý, đảm bảo phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh mặc dù đến nay Thành phố Hồ Chí Minh khá chủ động và tích cực đưa ra các phương án, kịch bản ứng phó với diễn biến của dịch bệnh, nhưng thành phố cũng như các tỉnh, thành phố có dịch tại khu vực phía Nam cần chủ động và tăng cường các điểm bán hàng lưu động cũng như phát huy hiệu quả từ kênh mua bán hàng trực tuyến.
Liên quan đến khâu vận chuyển hàng hóa, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương kịp thời xử lý khó khăn trong lưu chuyển hàng hóa nhằm không làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Đồng thời, có các văn bản gửi ngành y tế đề nghị thay đổi phương thức, rút thời gian xét nghiệm COVID-19 cho lái xe xuống còn 3 ngày, tạo luồng ưu tiên cho phương tiện chở hàng hóa thiết yếu...
Bộ Công Thương đánh giá cao sự chủ động của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam trong việc xây dựng các kịch bản ứng phó với dịch bệnh, đảm bảo sản xuất an toàn và cung ứng hàng hóa trong mọi tình huống.
Tuy nhiên, với những diễn biến mới, phức tạp của dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cần đi sâu nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn, nếu trong thẩm quyền giải quyết ngay, còn vượt thẩm quyền thì kiến nghị cấp trên tháo gỡ.
Bên cạnh đó, các Sở Công Thương hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng kịch bản xử lý tình huống khi có người lao động là F0, F1, F2… để không lúng túng; tham mưu cho thành phố có chính sách ưu tiên và phối hợp tốt với các ngành, nhất là ngành y tế để khẩn trương triển khai tiêm vaccine cho các doanh nghiệp, nhất là đơn vị lưu thông phân phối.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng lưu ý các Sở Công Thương dự báo đúng tình hình để tiếp tục điều chỉnh kế hoạch cung ứng hàng hóa cho người dân theo từng cấp độ; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp trên cơ sở thực tế, trúng, đúng và kịp thời.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng yêu cầu lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm lưu thông hàng hóa dịch vụ, nhất là lưu thông phân phối hàng hóa nông sản, thủy sản tới vụ trong địa bàn, thậm chí cả những vùng có dịch.
Đặc biệt, lực lượng quản lý thị trường xử lý nghiêm hành vi găm hàng, nâng giá, ép giá, xử lý nghiêm hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt trên môi trường điện tử, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng, lừa đảo, trốn thuế cũng như thực hiện truyền thông thường xuyên để lan tỏa thông tin đến cộng đồng./.