Đàm phán Brexit: EU nghi ngờ khả năng Chính phủ của Thủ tướng May

Các cuộc đàm phán Brexit dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 19/6, cùng ngày Nữ hoàng Anh có bài diễn văn về chương trình chính sách cho Quốc hội mới.
Đàm phán Brexit: EU nghi ngờ khả năng Chính phủ của Thủ tướng May ảnh 1Thủ tướng Anh Theresa May tại cuộc họp báo ở London ngày 9/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng theguardian.com, các quan chức cấp cao EU tuyên bố nếu London vẫn khăng khăng bàn về thỏa thuận thương mại tự do trước khi các vấn đề trong “thỏa thuận ly hôn,” như các quyền của công dân và đường biên giới ở Cộng hòa Ireland được giải quyết thích đáng, họ sẽ phải đối mặt với phản ứng cứng rắn.

Tuyên bố này như một dấu hiệu cho thấy sự mất kiên nhẫn ngày một tăng trước tình trạng hỗn loạn của phía Anh trong cuộc đàm phán sắp tới về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit.

Một quan chức cấp cao EU nhấn mạnh: “Nếu họ không chấp nhận các cuộc đàm phán theo từng giai đoạn, chúng tôi sẽ cần tới một năm để vạch ra các đường hướng đàm phán mới cho người phụ trách đàm phán Brexit của EU, ông Michel Barnier."

[Anh khẳng định tiến hành đàm phán Brexit theo đúng kế hoạch]

27 nhà lãnh đạo EU đã nhất trí giao một số nhiệm vụ cụ thể cho ông Barnier tại Hội nghị thượng đỉnh EU hồi tháng 4/2017 và họ không có ý định xem xét lại cái gọi là cách tiếp cận theo từng giai đoạn khi họ gặp gỡ Thủ tướng Anh Theresa May tại một hội nghị của EU vào ngày 22-23/6 tới.

Các cuộc đàm phán Brexit dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 19/6, cùng ngày Nữ hoàng Anh có bài diễn văn về chương trình chính sách cho Quốc hội mới và thời điểm đó người ta sẽ biết được rằng liệu bà May có nhận được sự ủng hộ của đa số nghị sỹ cho chính sách của bà hay không.

Tối 9/6, Bộ trưởng Anh phụ trách đàm phán Brexit, ông David Davis đã gửi một thông báo đến Ủy ban châu Âu để thông báo rằng Chính phủ Anh vẫn hoạt động và các cuộc đàm phán “tiền trạm” về công tác hậu cần nên được bắt đầu trong tuần này theo kế hoạch.

[Thủ tướng Theresa May chịu sức ép thay đổi đường lối đàm phán với EU]

Ông Olly Robbins, cố vấn về EU của Thủ tướng May, cũng thông báo với những người đồng cấp châu Âu rằng Thủ tướng Anh đã chỉ đạo rằng các thủ tục để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán về việc chính thức rời khỏi EU nên được bắt đầu càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, hiện cũng có một số nghi ngờ trong EU về khả năng chính phủ thiểu số của bà May có thể đưa ra các quyết định có hiệu quả.

Trong khi đó, theo trang mạng Bloomberg.com, EU nên đi theo hai hướng sau trong tiến trình đàm phán sắp tới với Anh.

Thứ nhất, cho phép linh động về mặt thời gian và trình tự các cuộc đàm phán Brexit. EU đang nôn nóng khởi động tiến trình này và đã đưa ra các ý định cụ thể về quy trình triển khai, nhưng những xáo trộn tại Quốc hội Anh sẽ khiến mọi thứ chậm lại.

Các nhà lãnh đạo châu Âu nên sẵn sàng thích ứng với thực tế này. Việc tránh khỏi những tranh cãi về quy trình thủ tục là điều cần thiết hơn cả.

Thứ hai, EU nên nhìn rộng ra bên ngoài các điều khoản Brexit và thúc đẩy một đề xuất cho mối quan hệ có hiệu quả trong tương lai với Anh. Đến nay, quan điểm thực tế của EU là: “Đây là sự rối loạn do các bạn gây ra, và chính các bạn phải giải quyết nó.”

Đây là điều rất dễ hiểu nhưng hiện tại, Anh dường như không thể làm vậy.

Nếu EU lựa chọn chỉ đứng đó nhìn, hậu quả sẽ là không có một thỏa thuận nào đạt được, một cuộc “chia tay” hỗn loạn xảy ra khi thời gian đàm phán không còn nhiều, sự xáo trộn kinh tế lên mức đỉnh điểm và sự buộc tội lẫn nhau kéo dài trong nhiều năm - một hậu quả không chỉ kinh hoàng với Anh mà còn vô cùng rắc rối với EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.