Ngày 24/8, đàm phán giữa phái đoàn của Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) và chính quyền quân sự của Mali đã kết thúc mà không đạt được bất cứ thoả thuận nào về việc khôi phục chế độ dân sự tại nước này, sau cuộc đảo chính diễn ra hôm 18/8 vừa qua.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, các cuộc đàm phán bắt đầu từ sáng 23/8 (theo giờ địa phương), tập trung vào việc chuyển đổi sang chế độ dân sự tại Mali.
Phát ngôn viên của chính quyền quân sự, ông Ismael Wague cho biết nhiều nội dung đã được các bên thảo luận nhưng chưa có quyết định nào được đưa ra. Cấu trúc cuối cùng của quá trình chuyển đổi sẽ tiếp tục được thảo luận và xác định trong thời gian tới.
[Lực lượng đảo chính tại Mali thông báo các bước đi tiếp theo]
Cựu Tổng thống Nigeria Jonathan Goodluck, người đứng đầu phái đoàn ECOWAS cho biết, các bên tham gia đàm phán đã thống nhất một số vấn đề nhưng bên cạnh đó cũng tồn tại nhiều bất đồng. ECOWAS đã bày tỏ quan điểm cụ thể và đề nghị chính quyền quân sự Mali xem xét.
Bên cạnh đó, theo thông tin từ cuộc đàm phán, Tổng thống bị lật đổ Boubacar Keita của Mali, người được ECOWAS yêu cầu chính quyền quân sự phục vụ, đã không còn muốn tiếp tục nhiệm kỳ.
Cuộc đảo chính hôm 18/8 đã gây ra làn sóng chấn động các nước láng giềng của Mali, cũng như tâm lý lo ngại về nguy cơ rơi vào hỗn loạn tại một trong những quốc gia bất ổn nhất khu vực.
Các nước ECOWAS đã cử một phái đoàn cấp cao đến thủ đô Bamako hôm 22/8 nhằm nỗ lực thúc đẩy khôi phục chế độ dân sự sau đảo chính.
Hiện tại, ECOWAS đã đình chỉ tư cách thành viên, đóng cửa biên giới, ngừng giao dịch thương mại và ngăn chặn các dòng tài chính từ các nước trong khối đến Mali./.