Đàm phán sửa đổi FTA Mỹ-Hàn Quốc: Những nội dung chính

Hàn Quốc và Mỹ ngày 15/3 bắt đầu tiến hành vòng đàm phán thứ ba về sửa đổi Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) song phương tại thủ đô Washington (Mỹ).
Đàm phán sửa đổi FTA Mỹ-Hàn Quốc: Những nội dung chính ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: huffingtonpost.com)

Hàn Quốc và Mỹ ngày 15/3 bắt đầu tiến hành vòng đàm phán thứ ba về sửa đổi Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) song phương tại thủ đô Washington (Mỹ).

Dẫn dắt vòng đàm phán lần này là Thứ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Yoo Myung-hee và Trợ lý Đại diện Thương mại Mỹ Michael Beeman.

Hai bên tiếp tục đàm phán các điều khoản nhằm xây dựng một FTA song phương mới có thể giải quyết được những lo ngại của Mỹ về tình trạng thâm hụt thương mại ngày càng gia tăng của nước này với Hàn Quốc, cũng như hoạt động thương mại được Washington cho là không công bằng trong lĩnh vực ô tô.

Trong khi đó, mối quan tâm lớn nhất của Hàn Quốc trong vòng đàm phán lần này là làm sao có thể xây dựng cơ chế an toàn trước những sức ép thương mại của Washington trong khuôn khổ FTA song phương.

[Hàn Quốc và Mỹ ấn định thời gian vòng đàm phán tới về FTA]

Đặc biệt, Seoul dự kiến sẽ thảo luận về việc Hàn Quốc hiện đang thuộc diện đối tượng bị Washington tăng thuế với mặt hàng thép và nhôm xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Nếu Hàn Quốc không được miễn trừ trong chính sách thuế quan mới của Mỹ, mặt hàng thép và nhôm của Hàn Quốc sẽ bị đánh thuế lần lượt là 25% và 10% khi xuất khẩu sang Mỹ.

Trước đó, vòng đàm phán thứ hai về FTA song phương Mỹ-Hàn đã diễn ra hồi cuối tháng Một tại thủ đô Seoul, chỉ một tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành quy định thuế mới đối với các mặt hàng máy giặt và pin năng lượng Mặt trời nhập khẩu.

Theo đó, mặt hàng máy giặt phải chịu mức thuế 20% đối với 1,2 triệu sản phẩm đầu tiên được Mỹ nhập khẩu trong năm đầu tiên kể từ thời điểm quy định thuế mới chính thức có hiệu lực và số sản phẩm vượt hạn ngạch sẽ bị áp mức thuế 50%.

FTA Hàn-Mỹ có hiệu lực từ năm 2012 và được coi là một biểu tượng làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế song phương. Tuy nhiên, Tổng thống D.Trump cho rằng hiệp định này là nguyên nhân gây ra thâm hụt thương mại của Mỹ với Hàn Quốc và yêu cầu đàm phán lại, mặc dù Seoul đã chỉ ra rằng Mỹ đạt thặng dư trong lĩnh vực thương mại dịch vụ với Hàn Quốc.

Năm 2017, kim ngạch trao đổi thương mại song phương giữa Hàn Quốc và Mỹ đạt 119,3 tỷ USD. Thặng dư thương mại của Hàn Quốc với Mỹ trong năm ngoái đã giảm từ 25,8 tỷ USD năm 2015 xuống còn 17,8 tỷ USD do doanh số ô tô và thép “ảm đạm”, trong khi lượng thịt bò và khí tự nhiên nhập khẩu từ Mỹ gia tăng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.