Đàm phán thương mại Mỹ-Trung Quốc: ''Khoảng nghỉ'' cần thiết

Với việc Tổng thống Mỹ quyết định hoãn tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, Washington và Bắc Kinh tiếp tục có thêm thời gian đàm phán để đi tới một thỏa thuận cuối cùng nhằm chấm dứt cuộc chiến.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (thứ 2, phải) cùng Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (thứ 3, trái) và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (thứ 2, trái) tại vòng đàm phán thương mại cấp cao Mỹ-Trung Quốc tại Bắc Kinh ngày 14/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (thứ 2, phải) cùng Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (thứ 3, trái) và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (thứ 2, trái) tại vòng đàm phán thương mại cấp cao Mỹ-Trung Quốc tại Bắc Kinh ngày 14/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Vòng đàm phán mới nhất về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vừa kết thúc tại thủ đô Washington đã đạt được “tiến bộ đáng kể” trong một số vấn đề trọng yếu.

Với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định hoãn tăng mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc có tổng giá trị hơn 200 tỷ USD từng dự kiến sẽ được áp dụng từ ngày 1/3 tới, Washington và Bắc Kinh tiếp tục có thêm thời gian đàm phán để đi tới một thỏa thuận cuối cùng nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại dai dẳng giữa hai siêu cường kinh tế có sức ảnh hưởng lớn toàn cầu này.

Theo tuyên bố của Tổng thống Mỹ và giới chức Trung Quốc, trong các cuộc đàm phán nước rút tại Washington, đại diện hai nước đã tìm được tiếng nói chung về những vấn đề cơ cấu quan trọng nhất, gồm bảo hộ sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, nông nghiệp, dịch vụ, tiền tệ và các cơ chế thực thi.

Hai bên đã bắt đầu thảo luận về Bản ghi nhớ (MOU), mong muốn thể hiện những kết quả đạt được trong các vòng đàm phán trước đây bằng hình thức văn bản, coi đây là nền tảng để tiếp tục thương lượng.

[Tổng thống Mỹ lạc quan về đàm phán thương mại với Trung Quốc]

Các vấn đề trên sẽ được nhập vào một thỏa thuận duy nhất để trình lên hai nhà lãnh đạo. Ông chủ Nhà Trắng cũng tuyên bố sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago để chốt thỏa thuận. Như vậy, so với vòng đàm phán trước tại Bắc Kinh, hai bên đã không còn "dậm chân tại chỗ" trong các nội dung gai góc nhất, dù thông tin chi tiết chưa được công bố.

Ngay lập tức, thông tin tích cực trên đã giúp các nhà đầu tư "tạm thở phào" trước nguy cơ chiến tranh thương mại tồi tệ hơn sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế, vốn khiến thương mại hàng hóa toàn cầu thiệt hại hàng trăm tỷ USD và gây hỗn loạn các thị trường trong thời gian qua.

Các chỉ số chứng khoán châu Á ngay lập tức tăng lên mức cao nhất trong năm tháng qua. Động thái mới nhất của Washington cũng làm dấy lên hy vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ sớm chấm dứt những bất đồng lâu nay và làm thị trường tiền tệ sôi động hơn, với đồng nhân dân tệ tiếp tục nối dài đà tăng lên mức cao nhất bảy tháng so với đồng USD.

Đàm phán thương mại Mỹ-Trung Quốc: ''Khoảng nghỉ'' cần thiết ảnh 1Toàn cảnh cảng container ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quố. (Nguồn: THX/TTXVN)

Dù chưa thể coi là đột phá, song việc thu hẹp được những khác biệt then chốt phần nào cho thấy cả Mỹ và Trung Quốc đều đang nỗ lực tránh sự bế tắc hoàn toàn. Bản thân việc tiếp xúc liên tục ở cấp cao giữa đại diện hai nước trong thời gian gần đây cũng đã phản ánh cả hai "nóng lòng" tìm kiếm một thỏa thuận cuối cùng trước thời hạn chót 1/3.

Đối với Tổng thống Trump, quyết định trì hoãn tăng thuế không nằm ngoài dự đoán khi trên thực tế, ông chủ Nhà Trắng đã không ít lần để ngỏ khả năng lùi thời hạn chót tăng thuế nếu các cuộc đàm phán đạt tiến triển. Điều này cho thấy bản thân nhà lãnh đạo Mỹ đã có xu hướng chuyển từ rắn sang mềm, thiên về phương án hòa hoãn nhằm tạo thêm không gian và thời gian cho tiến trình đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận cuối cùng.

Nhà kinh tế Eswar Prasad thuộc trường Đại học Cornell nhận định “Tổng thống Trump rõ ràng mong muốn một thỏa thuận và Trung Quốc cũng vậy, điều này chắc chắn làm gia tăng khả năng hai bên sẽ tiến tới một thỏa thuận có thể dàn xếp được, thậm chí nếu là một thỏa thuận một phần, trong những tuần tới.” Ở đây sự trì hoãn có thể tạo khoảng nghỉ cần thiết để tạo ra những bước đà về sau.

Về phía Trung Quốc, việc thời hạn chót tăng thuế được lùi lại có thể xem là một thắng lợi lớn cho nước này trong bối cảnh thuế quan của Mỹ đã và đang gây tổn hại đối với nền kinh tế thứ hai thế giới. Là nước nhập khẩu lớn của Trung Quốc, việc Mỹ áp thuế nặng đã khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc suy giảm đáng kể và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tăng trưởng chậm lại. Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế (sau khi trừ lạm phát) hằng năm trong quý cuối cùng của năm 2018 đã giảm xuống chỉ còn 4%. Do đó, việc hoãn tăng thuế tiếp tục tạm thời cho Bắc Kinh một “khoảng lặng” để có thể đương đầu với những đòi hỏi “hóc búa” từ phía Washington.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng quyết định hoãn tăng thuế đồng nghĩa Tổng thống Trump đã từ bỏ đòn bẩy để đạt được một thỏa thuận có lợi cho phía Mỹ. Chuyên gia Philip Levy tại Hội đồng về các vấn đề toàn cầu của Chicago và là một chuyên gia kinh tế của Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống George W.Bush, cho rằng Mỹ hiện “đã mất một lợi thế của một thời hạn chót” và ưu thế đang nghiêng về phía Trung Quốc. Việc kéo dài quá trình đàm phán sẽ giúp Bắc Kinh có thêm thời gian để củng cố vị thế của mình trong cuộc gặp mặt trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo.

Trên thực tế, giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tồn tại nhiều khác biệt then chốt không dễ gì hóa giải trong "một sớm một chiều." Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng khẳng định quan điểm Trung Quốc muốn giải quyết các bất đồng và va chạm kinh tế thương mại giữa hai nước bằng phương thức hợp tác nhưng là "hợp tác có nguyên tắc” - đồng nghĩa với việc phía Trung Quốc sẽ không thay đổi, kiên trì giới hạn của mình. Do đó, Phòng Thương mại Mỹ (USCC) cho rằng nếu chính quyền Tổng thống Trump không tìm được phương thức sáng tạo trong việc thực hiện thỏa thuận đạt được, việc Trung Quốc tăng cường nhập khẩu hàng hóa Mỹ và cam kết giải quyết một số vấn đề về cơ cấu kinh tế là một thắng lợi không có ý nghĩa gì đối với Washington.

Theo USCC, sự thành bại của thỏa thuận thương mại cuối cùng phụ thuộc vào việc hai nước có thể thực sự thực hiện được cam kết đưa ra hay không và đây mới là yếu tố then chốt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.