Đàm phán thương mại Mỹ-Trung sẽ nối lại vào tuần tới

Các đại diện cấp cao của Mỹ và Trung Quốc đang sắp xếp để nối lại các cuộc đàm phán trong tuần tới nhằm nỗ lực giải quyết cuộc chiến thương mại kéo dài hơn một năm qua.
Đàm phán thương mại Mỹ-Trung sẽ nối lại vào tuần tới ảnh 1Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin tại vòng đàm phán thương mại ở Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 14/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các đại diện cấp cao của Mỹ và Trung Quốc đang sắp xếp để nối lại các cuộc đàm phán trong tuần tới nhằm nỗ lực giải quyết cuộc chiến thương mại kéo dài hơn một năm qua giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này.

Phát biểu trước báo giới ngày 3/7, Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết: “Những cuộc đàm phán đó chắc chắn sẽ tiếp tục diễn ra trong tuần tới.”

Tuy nhiên, theo một quan chức thuộc Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ, hai bên đang trong quá trình sắp xếp một cuộc điện đàm vào tuần tới, với thành phần phía Mỹ là Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và phía Trung Quốc là Phó Thủ tướng Lưu Hạc.

Trước đó, ngày 2/7, Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro tiết lộ diễn biến tích cực trong cuộc đối thoại thương mại giữa nước này với Trung Quốc sau cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Nhật Bản cuối tuần trước.

[Hệ lụy từ xu hướng cực đoan trong cạnh tranh Mỹ-Trung]

Ông Navarro cho biết các cuộc đàm phán thương mại "đang đi đúng hướng." Theo cố vấn thương mại, Tổng thống Trump thừa nhận vòng đối thoại lần này phức tạp. Do đó, các cuộc đàm phán thương mại tới đây cần có thời gian và hai bên sẽ đưa tiến trình này theo đúng hướng.

Sau cuộc gặp bên lề G20 giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung, đại diện hai nước cũng đã có cuộc điện đàm thảo luận về vấn đề thương mại.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bắt đầu cách đây hơn một năm. Chính quyền Tổng thống Trump đến nay đã áp thuế bổ sung đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh đáp trả bằng cách áp thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ.

Trước cuộc hội đàm trên, Mỹ cảnh báo áp thuế bổ sung 25% đối với toàn bộ hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị 325 tỷ USD, bao gồm điện thoại, máy tính và hàng may mặc. Tuy nhiên, sau cuộc gặp ngày 29/6, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí ngừng việc tăng thuế nhằm tạo điều kiện cho hai bên thương lượng về một thỏa thuận cuối cùng giải quyết cuộc chiến thương mại.

Tổng thống Trump còn để ngỏ khả năng nới lỏng một số hạn chế đối với tập đoàn viễn thông Huawei, cho phép các công ty công nghệ Mỹ xuất khẩu linh kiện cho tập đoàn này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.