Đàm phán về TTIP giữa Mỹ và EU sẽ kéo dài sang năm 2016

Mỹ và EU thông báo tiến trình đàm phán về Hiệp định Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Washington với châu Âu sẽ kéo dài sang năm 2016.
Đàm phán về TTIP giữa Mỹ và EU sẽ kéo dài sang năm 2016 ảnh 1Trưởng đoàn đàm phán TTIP của Mỹ, ông Dan Mullaney (trái) và Trưởng đoàn đàm phán TTIP của EU Ignacio Garcia Bercero (phải) trước vòng đàm phán thứ 8 tại Brussels. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong một tuyên bố phản ánh tính chất phức tạp và tranh cãi kéo dài của các hiệp định thương mại tự do, ngày 28/4 các quan chức Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) thông báo tiến trình đàm phán về Hiệp định Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Washington với châu Âu sẽ kéo dài sang năm 2016.

Trưởng đoàn đàm phán của EU, Ignacio Garcia Bercero trong cuộc họp báo ở Berlin (Đức) cho biết chính phía Mỹ đã từng nói rất rõ rằng “họ có thể tiếp tục đàm phán với chúng tôi trong năm 2016”. Ông Bercero thừa nhận tiến trình đàm phán về TTIP đang bước vào giai đoạn “khó khăn và căng thẳng hơn”. Ông Bercero cho rằng 2015 được xác định là năm quan trọng để đàm phán đạt được những tiến bộ, vì 2016 là năm bầu cử Tổng thống Mỹ và sau đó Tổng thống Barack Obama sẽ rời nhiệm sở vào tháng 1/2017.

Trưởng đoàn đàm phán EU cho biết, cho tới nay vẫn còn nhiều vấn đề hai bên chưa nhất trí được với nhau, do vậy không thể nói chắc chắn về một hiệp định có thể đạt được trước thời điểm cuối năm 2015. Ông Bercero không nghĩ rằng cuộc tổng tuyển cử trong năm 2016 ở Mỹ sẽ làm chệnh hướng tiến trình đàm phán về TTIP.

Sau khi Quốc hội Mỹ đạt được sự nhất trí sơ bộ về quyền đàm phán nhanh, Tổng thống Barack Obama mới đây đã lên tiếng hối thúc đạt được những tiến bộ lớn trong đàm phán với châu Âu về TTIP trong năm 2015.

Một trong những trở ngại lớn còn lại là các điều khoản liên quan tới việc bảo vệ các nhà đầu tư mà phía Mỹ đưa ra, trong khi các nhà lãnh đạo châu Âu lo ngại các công ty đa quốc gia của Mỹ sẽ sử dụng cái gọi là “cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư với các nhà nước” (ISDS) để thách thức các luật lệ về thực phẩm, lao động và môi trường của châu Âu.Các cuộc đàm phán về ISDS đã bị trì hoãn kéo dài suốt từ năm 2014 tới nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.