Dân chưa đồng tình xây Trung tâm thương mại tại chợ Tân Bình

Ngày 25/9, Ủy ban Nhân dân quận Tân Bình đã tổ chức hội nghị giới thiệu xây dựng Trung tâm thương mại dịch vụ đa năng và chợ truyền thống Tân Bình.

Dự án xây dựng Trung tâm thương mại dịch vụ đa năng và chợ truyền thống Tân Bình tại Thành phố Hồ Chí Minh đã vấp phải sự phản đối của hầu hết các tiểu thương đang kinh doanh tại chợ này.

Do đó ngày 25/9, Ủy ban Nhân dân quận Tân Bình đã tổ chức hội nghị giới thiệu Dự án, đồng thời trao đổi, tiếp thu kiến nghị của tiểu thương chợ Tân Bình.

Cắt xén đất xây trung tâm thương mại

Theo ông Lại Văn Tùng, Phó Ban Chỉ đạo Dự án xây dựng Trung tâm thương mại dịch vụ đa năng và chợ truyền thống Tân Bình, dự án này sẽ được triển khai trên nền đất của chợ Tân Bình hiện nay, tại số 172-174M, đường Lý Thường Kiệt, Thành phố Hồ Chí Minh.

Dự án gồm Trung tâm thương mại dịch vụ đa năng được xây dựng trên phần đất 7.000m2 giáp với đường Lý Thường Kiệt, với quy mô 3 tầng hầm, 17 tầng lầu có chức năng kinh doanh thương mại dịch vụ, văn phòng, khách sạn.

Riêng chợ truyền thống Tân Bình sẽ được xây dựng trên phần đất còn lại của chợ hiện hữu với diện tích 14.979,8m2 giáp với phần đất dự kiến xây dựng Trung tâm thương mại dịch vụ Tân Bình và các tuyến đường Lê Minh Xuân, Tân Tiến, Phú Hòa.

Chợ Tân Bình mới có quy mô gồm 3 tầng hầm, 1 tầng lửng hầm và 6 tầng lầu, được thiết kế theo hướng vừa hiện đại vừa truyền thống, đầy đủ tiện ích để phục vụ cho tiêu thương và khách đến mua sắm.

Tuy nhiên, các tiểu thương không đồng tình với Dự án này khi cắt xén 7.000m2 trên nền đất chợ Tân Bình hiện tại để xây dựng Trung tâm thương mại dịch vụ. Họ cho rằng chủ trương xây dựng mới chợ của Ủy ban Nhân dân quận và thành phố, người dân rất ủng hộ nhưng lấy lý do xã hội hóa để cắt xén mất 7.000m2 nhằm xây dựng Trung tâm thương mại dịch vụ thì không thể nhận được sự đồng tình của tiểu thương.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo Dự án cho rằng nguyên nhân chợ mới phải lên tầng là do thiếu diện tích vậy tại sao lại xây dựng Trung tâm thương mại dịch vụ trên nền đất vốn là của chợ Tân Bình.

Bà Đặng Thị Hồng Minh, chủ sạp A22 cho biết hiện nay mặt tiền chợ Tân Bình đang nằm trên đường Lý Thường Kiệt, nhưng theo Dự án của Ủy ban Nhân dân quận thì mặt tiền này sẽ dành cho Trung tâm thương mại dịch vụ, còn chợ Tân Bình xây mới sẽ nằm khuất đằng sau.

Theo đó hoạt động kinh doanh của tiểu thương sẽ bị ảnh hưởng, nhưng điều quan trọng hơn là thương hiệu chợ Tân Bình của Thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng từ mồ hôi, công sức của bao thế hệ tiểu thương sẽ bị lu mờ.

Chợ Tân Bình là một trong những chợ truyền thống nổi tiếng của Thành phố Hồ Chí Minh, chuyên kinh doanh sỉ và lẻ nhiều hàng hóa, đồng thời đây cũng là một trong những chợ đầu mối giao thương quan trọng của thành phố trong việc luân chuyển hàng hóa đến khắp các tỉnh, thành phố khác.

Theo tiểu thương Trần Ngọc Anh, Khu A, hiện tại chợ Tân Bình có một lầu mà còn chưa sử dụng hết công năng vậy xây dựng 6 tầng thì có khai thác hết hay không? Theo kế hoạch triển khai Dự án như Ủy ban Nhân dân quận giới thiệu, nhà đầu tư sẽ xây dựng, sau đó tiểu thương đóng tiền thuê/mua, nhưng điều kiện kinh doanh chưa được công khai chi tiết và minh bạch nên tiểu thương khó chấp nhận với chủ trương của quận.

Bồi thường hỗ trợ chưa thuận lòng dân

Chợ Tân Bình hiện có 3.336 sạp với 2.956 thương nhân (trong đó có 6 đơn vị là doanh nghiệp nhà nước và hợp tác xã; còn lại là 2.950 hộ cá nhân), hàng ngày có trên 10.000 lượt khách hàng đến mua sắm tại chợ. Ông Lê Sơn, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân quận Tân Bình, cho biết mặc dù chợ đang phát triển kinh doanh tốt những chợ được xây dựng hơn 50 năm và đã xuống cấp.

Cụ thể, chợ Tân Bình có 2/3 trong tổng số sạp chỉ đạt diện tích dưới 1m2 , không đảm bảo môi trường kinh doanh và các quy định về an toàn. Vì vậy, Ủy ban Nhân dân quận Tân Bình đẫ đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố cho phép cải tạo, sửa chữa, nâng cấp chợ Tân Bình thành Trung tâm thương mại dịch vụ đa năng và chợ truyền thống Tân Bình.

Mặc dù xây chợ mới khang trang, hiện đại là vì lợi ích của người dân nhưng theo nhiều tiểu thương đang kinh doanh tại chợ Tân Bình: Đặc trưng của chợ Tân Bình là bán sỉ, vận chuyển hàng hóa diễn ra tấp nập, thường xuyên cả ngày lẫn đêm, nên nếu xây chợ lên 6 tầng thì không những không đáp ứng được hoạt động bán buôn, kinh doanh thực tế mà còn gây cản trở cho thương nhân.

Bên cạnh đó, khảo sát qua các nhiều chợ truyền thống tại thành phố sau khi xây dựng lên tầng thì hoạt động kinh doanh giảm sút, tiểu thương khó buôn bán và khách hàng cũng không mặn mà mua sắm. Cụ thể, tại chợ An Đông, quận 5, chỉ tầng một là còn kinh doanh bình thường, còn tầng lửng và các tầng khác ế ẩm hoặc dùng làm kho chứa hàng.

Tiểu thương Đỗ Thị Thu Lê, sạp 2-3 cho biết phương án bồi thường hỗ trợ của Dự án không hợp lý và không đảm bảo quyền lợi của tiểu thương đang kinh doanh tại chợ. Hiện tại bình quân một sạp kinh doanh tại đây với diện tích nhỏ hẹp cũng có giá trị hơn một tỷ đồng, còn những sạp diện tích bình thường lên đến vài tỷ đồng, nhưng nếu tiểu thương không đăng ký tái bố trí vào chợ mới thì chỉ được bồi thường hỗ trợ với mức tối đa là 30 triệu đồng/hộ kinh doanh. Còn nếu đăng ký tái bố trí vào chợ mới thì phải đóng tiền thuê khoảng 400.000 đồng/m2, tức đối với sạp diện tích tối thiểu 3m2 thì tiểu thương phải đóng 1,2 triệu đồng/tháng.

Mặc dù trong thời gian xây dựng chợ kéo dài hơn 3 năm, Ủy ban Nhân dân quận quyết định xây dựng hai chợ tạm với 4.217 sạp để đảm bảo cho thương nhân chợ Tân Bình duy trì hoạt động kinh doanh, nhưng theo các tiểu thương thời gian triển khai Dự án như vậy là quá dài.

Bên cạnh đó, Dự án không đề ra mức chi phí hỗ trợ tiểu thương khi di dời hoạt động kinh doanh ra chợ tạm cũng như chuyển về chợ mới khi khánh thành.

Các tiểu thương chợ Tân Bình cho rằng mô hình xây dựng chợ truyền thống kết hợp Trung tâm thương mại dịch vụ đang cho thấy sự kém hiệu quả, đồng thời vừa qua Sở Công Thương Hà Nội đã có văn bản kiến nghị Ủy ban Nhân dân Hà Nội dừng cấp phép triển khai mô hình này.

Đồng thời thống nhất kiến nghị sẵn sàng đóng góp chi phí để cải tạo, nâng cấp chợ chứ không phá bỏ để xây mới chợ kèm Trung tâm thương mại, do đó Ủy ban Nhân dân quận Tân Bình và Thành phố Hồ Chí Minh cũng nên xem xét và điều chỉnh Dự án xây dựng Trung tâm thương mại dịch vụ đa năng và chợ truyền thống Tân Bình phù hợp với tình hình thực tế và nguyện vọng của những tiểu thương đang kinh doanh, bán buôn tại chợ truyền thống Tân Bình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục