Đan Mạch không cho phép dự án Dòng chảy phương Bắc đi qua

Quốc hội Đan Mạch đã thông qua một dự luật có thể cho phép nước này cấm triển khai dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga qua lãnh thổ nước này.
Đan Mạch không cho phép dự án Dòng chảy phương Bắc đi qua ảnh 1 Công nhân vận hành đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 trước lễ khai trương tại vịnh Portovaya, tây bắc nước Nga năm 2012. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 30/11, Quốc hội Đan Mạch đã thông qua một dự luật có thể cho phép nước này cấm triển khai dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga qua lãnh thổ nước này.

Dự luật trên sẽ tạo điều kiện cho Chính phủ Đan Mạch cấm thực hiện các dự án đường ống dẫn khí qua lãnh thổ nước này với lý do an ninh hoặc chính sách ngoại giao. Trước đây, vấn đề ngoại giao và an ninh không không phải là cơ sở hợp lý để các nhà quản lý Đan Mạch có thể ban hành lệnh cấm xây dựng các đường ống dẫn khí qua lãnh thổ nước này.

[Liên minh châu Âu thiệt hại hơn 100 tỷ USD vì trừng phạt Nga]

Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang các nước ở Trung và Bắc Âu thông qua biển Baltic mà không phải dùng đến tuyến đường ống đi qua lãnh thổ Ukraine, Ba Lan và Belarus hiện nay. Dự án này đã được xin phép xây dựng tại Đan Mạch và Cơ quan Năng lượng Đan Mạch đang đánh giá đơn xin này.

Theo kế hoạch, dự luật trên sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 nhưng vẫn được áp dụng với những dự án đã được đệ trình trước đó. Dự kiến, Cơ quan Năng lượng Đan Mạch sẽ hoàn tất đánh giá vào đầu năm 2018 tới.

Dự án xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2 với số vốn đầu tư 9,5 tỷ euro đã được ký kết hồi đầu năm nay. Gazprom dự kiến là cổ đông lớn nhất với 50% vốn trong khi các đối tác còn lại gồm có các công ty Pháp Engie, hai công ty Đức Uniper (ex-EON) và Wintershall (BASF), công ty OMV của Áo và liên doanh Anh-Hà Lan Shell, sẽ cùng đóng góp phần còn lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.