Trước các cuộc biểu tình biến thành bạo loạn đường phố phản đối Tổng thống Pierre Nkurunziza ra tranh cử nhiệm kỳ thứ ba trong những ngày qua tại thủ đô Bujumbura của Burundi, các đảng phái chính trị tại nước này đã thông báo kế hoạch họp khẩn cấp trong hai ngày tới.
Phát biểu với báo giới ngày 4/5, Bộ trưởng Nội vụ Burundi Edouard Nduwimana cho biết cuộc họp sẽ tập trung thảo luận về lộ trình bầu cử với sự tham gia của thủ lĩnh các đảng phái chính trị và các liên minh được luật pháp công nhận, các ứng cử viên độc lập, các đại diện của các nhóm tôn giáo, tổ chức dân sự, truyền thông và các cơ quan chính. Ông đồng thời kêu gọi người dân chấm dứt biểu tình trong ba ngày kể từ ngày 4/5. Bộ trưởng Nduwimana nêu rõ: "Chúng tôi kêu gọi người biểu tình hãy đợi kết luận từ cuộc họp dự kiến diễn ra trong hai ngày 5 và 6/5 giữa thủ lĩnh các đảng phái chính trị và các bên liên quan đến lộ trình bầu cử."
Cùng ngày, ít nhất tám người đã bị thương sau khi cảnh sát nổ súng vào người biểu tình trên đường phố của thủ đô Bujumbura. Những người biểu tình khẳng định đã có hai người bị bắn chết, song cảnh sát vẫn chưa có bình luận gì về thông tin này. Trước đó, cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay và lựu đạn gây choáng để giải tán đám đông tìm cách tiến vào trung tâm thành phố. Một số nhân viên cảnh sát cũng bị thương do bị người biểu tình ném đá.
Kể từ khi xảy ra các cuộc biểu tình ngày 26/4 tới nay đã có ít nhất 10 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương cùng gần 600 người bị cảnh sát bắt. Bất ổn chính trị xảy ra tại quốc gia này sau khi đảng Hội đồng Quốc gia bảo vệ nền dân chủ - Các lực lượng bảo vệ nên dân chủ (CNDD-FDD) cầm quyền chọn Tổng thống Pierre Nkurunziza làm ứng viên tổng thống trong cuộc bầu cử dự kiến được tổ chức vào ngày 26/6 tới.
Phe đối lập và các nhóm nhân quyền cho rằng nỗ lực tranh cử nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp của ông Nkurunziza là vi hiến và đi ngược lại Thỏa thuận Hòa bình và hòa giải Arusha giúp chấm dứt nội chiến ở nước này năm 2006, theo đó quy định tổng thống Burundi không được tại nhiệm quá hai nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, những người ủng hộ Tổng thống Nkurunziza cho rằng nhiệm kỳ đầu tiên của ông Nkurunziza không được tính, do ông được quốc hội chỉ định làm tổng thống vào năm 2005 sau khi cuộc nội chiến kết thúc chứ không phải do dân bầu. Các nghị sỹ liên minh với Tổng thống Nkurunziza đã yêu cầu Toà án Hiến pháp kiểm tra lại tính hợp pháp của việc ông ra ứng cử./.