Thông tin tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình Kinh tế- Xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm do Chính phủ tổ chức ngày 2/7, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đang thực hiện quyết liệt việc sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan Nhà nước.
[Quy định Vụ có 20 biên chế được bố trí tối đa hai cấp phó]
Dự kiến giảm 20 Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy
Đến thời điểm này, đã tinh giảm biên chế các cơ quan hành chính 4.294 người, đơn vị sự nghiệp công lập 24.717 người, công chức cấp xã 5.767 người. Sắp xếp giảm 15 Vụ thuộc Bộ, 189 phòng thuộc Vụ, Cục.
Cũng theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, riêng Bộ Công an, đang sắp xếp theo hướng không còn 6 Tổng cục, giảm từ 125 đơn vị cấp Cục còn 60 đơn vị.
Bên cạnh đó, dự kiến giảm 20 Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và giảm hơn 1.000 cấp phòng thuộc các cơ quan thuộc Vụ và công an các tỉnh.
Liên quan đến cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, hiện Bộ Nội vụ đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2016/NĐ-CP. Theo đó, sẽ bổ sung tiêu chí quy định về số lượng biên chế công chức, số lượng người làm việc tối thiểu khi thành lập vụ, cục và tổ chức tương đương vụ, cục và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ.
Cụ thể, vụ được thành lập khi cần tối thiểu 15 biên chế công chức; cục được thành lập khi cần tối thiểu 30 biên chế công chức; đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập tối thiểu khi cần 20 người làm việc để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Để thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị định sửa đổi cũng bổ sung quy định theo hướng không tổ chức phòng trong vụ. Trong trường hợp đặc biệt, vụ có nhiều mảng công tác và khối lượng công việc lớn cần tối thiểu 30 biên chế công chức, bộ trình Chính phủ quyết định số lượng phòng trong vụ tại Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ.
Quy định về số lượng cấp phó người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp thuộc bộ sửa đổi theo hướng đối với vụ có từ 15-20 biên chế công chức thì bố trí tối đa không quá hai người; vụ có trên 20 biên chế công chức thì bố trí tối đa không quá ba người.
Đối với văn phòng bộ, thanh tra bộ, cục, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, số lượng cấp phó theo số lượng phòng: ba phòng trở xuống được bố trí một người; từ 4-6 phòng trở lên được bố trí không quá hai; có trên sáu phòng được bố trí không quá ba cấp phó.
Không để bức xúc xã hội kéo dài
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết thời gian qua xảy ra nhiều vụ kỷ luật, nhiều vụ án. Tuy vậy, Thủ tướng nêu rõ "không phải vì thế mà chúng ta chùn bước trong phát triển, trong thực thi công vụ với tư cách là lãnh đạo của ngành, địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội của đất nước.”
Thủ tướng nhấn mạnh: Cá nhân đơn vị nào chần chừ, không làm việc, không xông pha để làm ra sản phẩm, hoàn thành tốt nhiệm vụ là vấn đề đáng suy nghĩ.”
Về các khó khăn, thách thức hiện nay, trước tiên, Thủ tướng chỉ ra 3 vấn đề trong lĩnh vực xã hội gồm: Thiên tai, vấn đề an ninh trật tự và các vấn đề bức xúc xã hội khác.
Nhấn mạnh thêm, Thủ tướng cho rằng, chúng ta có đủ khả năng, đủ điều kiện để lập lại trật tự xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên của người dân, tạo môi trường đầu tư ổn định để đất nước phát triển đúng hướng.
Đối với các vấn đề xã hội bức xúc, Thủ tướng cho biết, thời gian qua có nhiều đại biểu Quốc hội, nhiều ý kiến phản ảnh về tình trạng an toàn giao thông, lừa đảo, xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, an toàn thực phẩm, vệ sinh trong trường học, bệnh viện, tham nhũng, lợi ích nhóm, đề bạt cán bộ…
“Chúng ta không để tình trạng xã hội bức xúc kéo dài, ảnh hưởng đến sự ổn định lâu dài của đất nước, niềm tin của nhân dân, đến thế hệ mai sau. Cần quan tâm đến lợi ích chính đáng của nhân dân. Đây là yêu cầu cần thiết đối với mọi cấp, mọi ngành,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý thêm./.