Đánh giá “Sách trắng” về xung đột thương mại Trung-Mỹ

Truyền thông Trung Quốc có một số bài phản ánh, bình luận về “Sách trắng về sự thực và lập trường của Trung Quốc về xung đột thương mại Trung-Mỹ.”
Đánh giá “Sách trắng” về xung đột thương mại Trung-Mỹ ảnh 1(Nguồn: Getty)

Ngày 24/9 Trung Quốc ra “Sách trắng về sự thực và lập trường của Trung Quốc về xung đột thương mại Trung-Mỹ.”

Báo chí Trung Quốc lập tức có một số phản ánh, bình luận về vấn đề này, trong đó có một số thông tin đáng chú ý sau:

Tờ Thời báo Hoàn cầu ngày 24/9 có bài bình luận với nhan đề “Sách trắng thể hiện sự thẳng thắn, kiên định và lý tính” của Trung Quốc.

Theo bài viết, "Sách trắng" chỉ rõ các hành vi thể hiện chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ như phân biệt đối xử hàng hóa nước khác, lạm dụng hình thức “xem xét về an ninh quốc gia” để cản trở hoạt động đầu tư thông thường của doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ, phê phán cách làm mang tính chất chủ nghĩa bá quyền của Chính phủ Mỹ trong lĩnh vực thương mại, như căn cứ Luật trong nước đơn phương gây ra xung đột thương mại, chỉ trích phiến diện nước khác thực hiện chính sách phát triển ngành nghề, dùng Luật trong nước để trừng phạt nước khác.

Bên cạnh đó, "Sách trắng" cũng phân tích về những tác hại do hành vi của Chính phủ Mỹ gây ra đối với sự phát triển kinh tế thế giới.

"Sách trắng" trình bày toàn diện về lập trường của Trung Quốc, nhấn mạnh Trung Quốc kiên trì bảo vệ danh dự và lợi ích cốt lõi của quốc gia, Trung Quốc không muốn chiến đấu, không sợ chiến đấu nhưng khi cần thiết thì không thể không chiến đấu; đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc luôn mở rộng cánh cửa đàm phán, nhưng đàm phán phải dựa trên tiền đề cùng bình đẳng, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, nói phải đi đôi với làm.

"Sách trắng" nhấn mạnh Trung Quốc kiên trì thái độ thúc đẩy sự phát triển lành mạnh trong quan hệ kinh tế thương mại Trung-Mỹ; tiếp tục đưa ra cam kết kiên định trong các vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc… mà dư luận thế giới quan tâm.

[Trung Quốc: Chiến tranh thương mại gây hại cho các nhà xuất khẩu Mỹ]

"Sách trắng" cũng nêu rõ quyết tâm thúc đẩy cải cách mở cửa của Trung Quốc và kết luận bằng những trình bày liên quan đến việc thúc đẩy xây dựng “Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại.”

"Sách trắng" thông qua nhiều sự thực thể hiện thực trạng thương mại Trung-Mỹ, đính chính những ấn tượng, tưởng tượng sai lầm.

Đánh giá “Sách trắng” về xung đột thương mại Trung-Mỹ ảnh 2Phát ngôn viên Phòng thông tin Hội đồng Nhà nước Trung Quốc Xi Yanchun công bố Sách trắng đề cập quan hệ thương mại Trung Quốc- Mỹ tại Bắc Kinh ngày 24/9/2018. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Ngoài ra, "Sách trắng" cũng phản bác hai giả thiết của dư luận về thái độ của Trung Quốc đối với xung đột thương mại Trung-Mỹ:

(i) Trung Quốc “chịu thua,” không ngần ngại nhượng bộ nhằm tìm cách chấm dứt cuộc xung đột này;

(ii) Trung Quốc có thể tìm mọi cách trả thủ Mỹ, thậm chí “tấn công” toàn diện đầu tư của Mỹ tại Trung Quốc, hủy hoại môi trường kinh doanh của doanh nghiệp Mỹ và phương Tây tại Trung Quốc.

Trong khi đó, tờ Nhân dân Nhật báo phiên bản phát hành ở nước ngoài ngày 25/9 đăng bài viết đánh giá về một số điểm đáng chú ý trong "Sách trắng" này, cụ thể:

Một là, đây là lần đầu tiên Trung Quốc công bố “Sách trắng” riêng về vấn đề xung đột thương mại Trung-Mỹ.

Bằng hình thức văn bản chính thống, Trung Quốc đã dùng hàng loạt số liệu và ví dụ để phản hồi về hành vi tăng thuế quan có “quy mô lớn nhất lịch sử” của Mỹ.

Hai là, với dung lượng lớn “Sách trắng” đã dùng nhiều sự thực và số liệu để phân tích, qua đó phản bác lý do Mỹ khơi mào xung đột thương mại với Trung Quốc.

Ba là, “Sách trắng” liệt kê tương đối chi tiết về các vấn đề của Mỹ trong lĩnh vực kinh tế thương mại như: phân biệt đối xử hàng hóa nước khác, lạm dụng hình thức “xem xét về an ninh quốc gia” để cản trở hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ, tác động đến cạnh tranh thị trường bằng hàng loạt biện pháp trợ cấp giá và sử dụng hàng rào phi thuế quan, lạm dụng biện pháp hỗ trợ thương mại.

Bốn là, “Sách trắng” thể hiện niềm tin và quyết tâm Trung Quốc sẽ xử lý tốt các công việc của mình.

[Trung Quốc công bố Sách Trắng đề cập quan hệ thương mại với Mỹ]

Điều này được khẳng định qua 8 lập trường rõ ràng, nhất quán, kiên định của Trung Quốc liên quan đến xung đột thương mại Trung-Mỹ:

Kiên định bảo vệ danh dự và lợi ích cốt lõi của quốc gia; Kiên trì thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của quan hệ kinh tế thương mại Trung-Mỹ; Bảo vệ và thúc đẩy việc cải cách, hoàn thiện cơ chế thương mại đa phương; Kiên trì bảo vệ quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ; Kiên trì bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc; Kiên trì thúc đẩy cải cách mở cửa; Kiên trì thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, cùng thắng với nhiều nước phát triển, đang phát triển khác; Kiên định thúc đẩy xây dựng “Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại.”

Mạng thông tin Sơn Tây ngày 24/9 đăng bài viết tổng kết “Sách trắng” đưa ra 13 nhận định có giá trị:

“Thuyết nước Mỹ thua thiệt” là không đúng; Việc Mỹ quy kết Trung Quốc chịu trách nhiệm về mất cân đối thương mại Trung-Mỹ là không công bằng; Cái gọi là “thương mại công bằng” của Mỹ sẽ tạo ra sự bất công trong phạm vi lớn hơn; Việc cho rằng Trung Quốc “ép buộc chuyển giao công nghệ” là xuyên tạc sự thực; Việc Mỹ chỉ trích Trung Quốc trong vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là không đúng sự thực; Chính phủ Trung Quốc ủng hộ doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài không phải là hành vi khuyến khích họ thông qua thâu tóm để giành được công nghệ hiện đại từ nước khác; Mỹ có nhiều hành vi, chính sách hạn chế đầu tư, thương mại; Việc Mỹ phát động xung đột thương mại quốc tế sẽ gây tổn thất cho lợi ích lâu dài của Mỹ; Mỹ áp dụng biện pháp bảo vệ thương mại cực đoan sẽ gây tổn hại cho quan hệ kinh tế thương mại thế giới; Trung Quốc tự tin, quyết tâm, có khả năng đối phó với mọi thách thức; Sự phát triển ổn định, lành mạnh của quan hệ kinh tế thương mại Trung-Mỹ là sự kỳ vọng của cộng đồng quốc tế; Cải cách mở cửa của Trung Quốc sẽ ngày càng rộng mở; Trung Quốc kiên định bảo vệ cơ chế thương mại đa phương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.