Những năm gần đây, để đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều đổi mới, gắn kết với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
* Liên kết cùng có lợi
Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc hiện đang đào tạo các nghề thuộc hệ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, đào tạo ngắn hạn và bổ túc văn hóa, với các nghề chính là: Cơ khí, điện - điện tử, công nghệ thông tin, kỹ thuật nông nghiệp… với gần 4.000 học sinh, sinh viên. Để nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường chủ động phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn từng bước đổi mới, xây dựng chương trình đào tạo mới, bồi dưỡng, chuyển giao công nghệ mới, đào tạo theo đơn đặt hàng phù hợp với nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp.
Thầy Nguyễn Văn Đồng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc cho biết: Việc gắn công tác đào tạo nghề của nhà trường với nhu cầu của các doanh nghiệp mang lại nhiều lợi ích. Việc liên kết với các doanh nghiệp trong quá trình học tập sẽ giúp học sinh dần làm quen với môi trường sản xuất công nghiệp hiện đại, kỷ luật cao, kỹ năng tay nghề sát yêu cầu thực tiễn. Đồng thời, các doanh nghiệp được cung cấp đội ngũ lao động có tay nghề, đáp ứng được nhu cầu công việc, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Thầy Nguyễn Văn Đồng cho biết thêm: Định kỳ hàng năm, nhà trường phối hợp với 18 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như: Công ty Honda Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp Chính xác Việt Nam I, Công ty cổ phần tập đoàn Sông Hồng Thủ đô…tổ chức ngày hội việc làm. Thông qua việc nộp hồ sơ và phỏng vấn trực tiếp, học sinh, sinh viên có thể ứng tuyển vào nhiều vị trí việc làm hấp dẫn; đồng thời trang bị cho các em những hiểu biết về thị trường lao động, môi trường kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp để chuẩn bị kiến thức, kỹ năng cần thiết sau khi tốt nghiệp.
Đây là dịp để các nhà tuyển dụng giới thiệu đến học sinh, sinh viên thương hiệu, hình ảnh của doanh nghiệp và trực tiếp tuyển dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh. Nhà trường luôn chú trọng công tác giới thiệu việc làm và đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, trung bình mỗi năm nhà trường đào tạo khoảng 1.000 công nhân kỹ thuật điện, hàn, tiện… cho các doanh nghiệp và được nhiều doanh nghiệp đánh giá cao về chất lượng.
Bên cạnh đó, nhà trường đã chủ động kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như công ty Piaggio, Samsung, Canon, Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp Chính xác Việt Nam I… đưa học sinh đến thực tập trong khoảng thời gian từ 2- 3 tháng trong hè, tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên có môi trường thực tập tốt nhất. Trong thời gian thực tập, ngoài miễn phí chỗ ở, mỗi sinh viên còn được các công ty hỗ trợ từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng. Sau khi tốt nghiệp, nếu sinh viên nào đạt yêu cầu sẽ được công ty cấp chứng chỉ và nhận vào làm việc.
[Năng suất lao động người Việt thua Lào: "Ta thiếu giải pháp căn cơ"]
* Nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề
Trên địa bàn tỉnh hiện có 39 cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở khắp các huyện, thành, thị tham gia đào tạo trên 56.000 học sinh, sinh viên hàng năm (trong đó trình độ cao đẳng hơn 4.600 người; trung cấp hơn 8.200 người; sơ cấp và dưới 3 tháng hơn 43.000 người). Song lực lượng này chưa đáp ứng được hết nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, nhất là nhu cầu của thị trường lao động về tay nghề, đặc biệt là các kỹ năng mềm như: Tác phong công nghiệp, làm việc sáng tạo, khả năng làm việc theo tổ, nhóm...
Lý giải về nguyên nhân của tình trạng trên, ông Nguyễn Văn Tình, Trưởng phòng Dạy nghề - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Hiện nay, việc phối kết hợp giữa doanh nghiệp, người sử dụng lao động với cơ sở dạy nghề trong quá trình đào tạo, tuyển dụng lao động chưa sâu và toàn diện, mới chỉ mang tính bước đầu, dừng lại ở việc là đưa học sinh, sinh viên đi thực tập tại các công ty.
Nhiều cơ sở đào tạo nghề cũng cho biết, không ít doanh nghiệp mong muốn lao động có kỹ năng, có chất lượng, nhưng họ không chịu đầu tư thời gian, kinh phí cùng với cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó, chất lượng đầu vào của học sinh ở trình độ trung cấp, cao đẳng còn hạn chế, điều kiện giáo viên và cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế; nhiều trang thiết bị đào tạo chưa cập nhật được so với công nghệ sản xuất hiện tại của doanh nghiệp, nên ảnh hưởng đến việc thực hành, rèn luyện tay nghề của người học.
Hiện nay, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn hiệu quả đào tạo còn thấp, học sinh, sinh viên tốt nghiệp còn yếu về ngoại ngữ và các kỹ năng mềm nên khó tìm được việc làm…
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, đáp ứng được yêu cầu phát triển của giai đoạn mới, trong thời gian tới tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị dạy nghề cho những nghề trọng điểm đạt chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm thông qua việc ký kết các hợp đồng cung ứng lao động đối với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Tỉnh tích cực đưa giáo viên, học sinh, sinh viên đến doanh nghiệp để thực tập, nâng cao trình độ tay nghề, làm quen với tác phong lao động công nghiệp; ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp trong việc sử dụng lao động sau đào tạo, thực hiện việc đặt hàng đào tạo đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Tình, để hỗ trợ công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực, năm 2016, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 57 về một số biện pháp đặc thù thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao với mức 10 triệu đồng/lao động.
Cùng với đó, Vĩnh Phúc có chính sách hỗ trợ chi phí học tập cho người học nghề từ dưới 3 tháng, trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng, mức hỗ trợ cao nhất là cao đẳng 500.000 đồng/tháng; hỗ trợ tiền ăn cho học sinh học nghề ngắn hạn, sơ cấp, mức hỗ trợ 20.000 đồng/người/ngày.
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 11 khu công nghiệp, với 276 dự án của các doanh nghiệp đi vào hoạt động, thu hút lực lượng lao động lớn. Đây cũng là cơ hội lớn để các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, từ đó xây dựng chương trình giảng dạy phù hợp, nhằm đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao và lành nghề. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động, rất cần sự phối hợp của các doanh nghiệp trong việc liên kết đào tạo nghề; nâng cao nhận thức của học sinh và toàn xã hội về việc học nghề./.