Đập thủy điện Đại phục hưng và hiểm họa tiềm tàng ở lưu vực sông Nile

Liên minh châu Phi (AU), Liên đoàn Arab (Al) và NBI đều không thể phá vỡ thế bế tắc của các cuộc đàm phán liên quan đập thủy điện Đại phục hưng giữa Ai Cập, Sudan và Ethiopia.
Đập thủy điện Đại phục hưng và hiểm họa tiềm tàng ở lưu vực sông Nile ảnh 1Công trình xây dựng đập thủy điện Đại Phục Hưng ở Guba, Ethiopia, ngày 24/7/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Báo Arab News của Saudi Arabia đăng bài viết đánh giá rằng một khi cuộc khủng hoảng liên quan Đập thủy điện Đại phục hưng (GERD) của Ethiopia không được giải quyết triệt để với sự can thiệp của cộng đồng quốc tế, lưu vực sông Nile sẽ đối mặt với nhiều hiểm hoạ tiềm tàng trong tương lai.

GERD do Ethiopia xây dựng trên nhánh sông Nile Xanh là một bằng chứng cho thấy sự thất bại của Sáng kiến Lưu vực sông Nile (NBI), một cơ chế hợp tác của các quốc gia lưu vực sông Nile được thành lập năm 1999 để quản lý việc tiếp cận công bằng các nguồn nước của con sông lớn này.

Ngày 4/7, khi những cơn mưa mùa Hè bắt đầu đổ xuống dòng Nile Xanh, Ethiopia thông báo với Ai Cập rằng họ đã tiếp tục triển khai đợt trữ nước lần hai cho hồ chứa khổng lồ của đập GERD.

Với một nửa trong tổng số 120 triệu dân không được tiếp cận với điện, Chính phủ Ethiopia buộc phải thúc đẩy nỗ lực sản xuất điện để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Trong khi đó, Ai Cập - quốc gia lo ngại GERD sẽ lấy đi lượng nước đáng kể trên dòng sông - cho rằng động thái đơn phương của Addis Ababa là mối đe dọa đối với sự ổn định khu vực.

Trong nhiều thế kỷ làm chủ sông Nile, Ai Cập hiện phải đối mặt với thực tế là trong thế kỷ XXI, Cairo không còn độc quyền đối với cái gọi là nguồn tài nguyên quốc tế, xuyên biên giới này.

[Giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng đập Đại Phục Hưng?]

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 8/7 đã tổ chức cuộc họp để bàn về cuộc khủng hoảng đang leo thang liên quan đập GERD, theo yêu cầu của Ai Cập và Sudan. Tuy nhiên, hành động của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là tương đối hạn chế.

Theo báo Arab News, Chiến lược 10 năm của NBI, được đưa ra vào năm 2017 nhằm đảm bảo "sự hợp tác và hành động chung giữa các quốc gia ven sông Nile vì lợi ích chung của các bên," dường như không có giá trị như văn bản thỏa thuận đã được in ra.

Mục đích của NBI nhằm quản lý và sử dụng nguồn nước sông Nile một cách công bằng để đảm bảo sự thịnh vượng, an ninh và hòa bình cho tất cả người dân sinh sống trên lưu vực sông Nile hiện được xem là "một tham vọng viễn vông."

Mười một quốc gia thuộc lưu vực sông Nile đang đối mặt với thực tế nói trên, và không nước nào đứng trước vấn đề cấp bách về nguồn nước như Ai Cập. Dân số Ai Cập đang tăng nhanh, kéo theo đó là nhu cầu về nước sinh hoạt cũng tăng vọt.

Trong khi đó, sông Nile hiện không có đủ nước để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng mạnh của tất cả 11 quốc gia phụ thuộc vào con sông này.

Bài toán nan giải về vấn đề sử dụng nguồn nước sông Nile dường như không có đáp án. Lượng nước mỗi năm chảy xuống nhánh Nile Xanh và nhánh Nile Trắng thay đổi theo từng mùa, với khối lượng trung bình cho 11 quốc gia thuộc lưu vực sông Nile rất hạn chế. Trong khi đó, sự gia tăng dân số và tham vọng phát triển của các quốc gia này lại không hữu hạn.

Hiện có khoảng 260 triệu người, chiếm gần 54% tổng dân số của 11 quốc gia có dòng sông Nile chạy qua, sinh sống trong lưu vực sông Nile. Đến nay, Ai Cập có số dân phụ thuộc vào nguồn nước sông Nile lớn nhất, với 86 triệu người, chiếm 94% tổng dân số.

Ai Cập đang trải qua tình trạng mà Liên hợp quốc định nghĩa là "khan hiếm nước," khi nguồn cung nước giảm xuống dưới 1.000 m3/người/năm.

Người Ai Cập hiện có khoảng 570m3, và con số này dự kiến sẽ giảm xuống dưới 500m3 vào năm 2025, ngay cả khi chưa tính đến ảnh hưởng của đập GERD.

Theo dự báo của Liên hợp quốc, dân số Ai Cập sẽ tăng hơn 50% vào năm 2050, lên khoảng 150 triệu người. Trong khi đó, dân số Ethiopia cũng sẽ tăng từ khoảng 120 triệu người hiện nay lên hơn 200 triệu người vào năm 2050, và sự gia tăng dân số được dự đoán sẽ diễn ra ở tất cả các nước thuộc lưu vực sông Nile.

Trong chiến lược 10 năm, NBI đã nêu rõ: "Nếu các quốc gia thúc đẩy các kế hoạch phát triển, chúng ta sẽ cần 1,5 con sông Nile vào năm 2050."

Chiến lược đã đưa ra những điều có vẻ như là một giải pháp đơn giản. NBI cam kết rằng "Chúng ta sẽ cùng nhau giám sát, quản lý và phát triển sông Nile tốt hơn, sử dụng các nguồn nước hiện có hiệu quả hơn và khám phá các nguồn nước mới. Bằng cách này, chúng ta sẽ có đủ nước cho tất cả chúng ta."

Tất nhiên, Ai Cập có thể tiết kiệm được nước bằng cách ngăn ngừa thất thoát do rò rỉ và bốc hơi và ngừng trồng các loại cây thâm dụng nước như lúa.

Trả lời phỏng vấn báo chí hồi tháng 6/2021, ông Mohamed Ghanem, người phát ngôn Bộ Thủy lợi và Tài nguyên nước Ai Cập đã nhấn mạnh các bước mà chính phủ nước này đang thực hiện, như sửa chữa hệ thống cống, kênh bị rò rỉ và hiện đại hóa hệ thống thủy lợi. Tuy nhiên, tất cả những sáng kiến như vậy đều đòi hỏi sự đầu tư lớn về thời gian và tiền bạc.

Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Zagazig, ngày cả khi việc áp dụng tất cả hoặc kết hợp các chiến lược được đề xuất có thể làm giảm hoặc loại bỏ tác động của GERD đối với Ai Cập, con đập này vẫn có thể khiến Ai Cập lo ngại.

NBI lưu ý rằng khi dân số của 11 quốc gia thuộc lưu vực sông Nile tăng lên, nhu cầu năng lượng trong khu vực dự kiến sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2035. NBI đưa ra giải pháp: "Chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng các con đập phù hợp ở những vị trí thích hợp, kết nối lưới điện và kinh doanh năng lượng để tất cả chúng ta đều được hưởng lợi từ sông Nile, qua đó tiếp thêm năng lượng cho nền kinh tế của chúng ta."

Ethiopia và các quốc gia hạ nguồn là Ai Cập và Sudan đều là thành viên của NBI. Tuy vậy, dù tổ chức này cam kết thúc đẩy hợp tác giữa các thành viên, việc lập kế hoạch, xây dựng và vận hành GERD đã đi ngược lại tinh thần hợp tác của NBI.

Tuy nhiên, vấn đề ngày càng trở nên nghiêm trọng khi cuộc tranh cãi về GERD chưa được giải quyết thì một cuộc khủng hoảng mới liên quan đến nguồn nước sông Nile có thể sớm xuất hiện.

Tháng trước, Nam Sudan thông báo họ cũng có tham vọng xây dựng một đập thủy điện trên nhánh Nile Trắng. Đây cùng là thượng nguồn của Sudan và Ai Cập.

Khoảng 80% nguồn nước sinh hoạt của Ai Cập đến từ sông Nile Xanh và các phụ lưu, nhưng việc giảm dòng chảy của 20% nguồn nước còn lại rõ ràng sẽ tạo ra thêm nhiều vấn đề cho "đất nước của các Kim tự tháp."

Ngay cả khi Ethiopia bắt đầu trữ nước cho hồ chứa của GERD, quốc gia này cũng đang lên kế hoạch xây dựng thêm ít nhất ba đập nữa. Một khi GERD bắt đầu tạo ra nguồn điện và nguồn thu xuất khẩu, Addis Ababa sẽ dễ dàng thuyết phục các nhà đầu tư quốc tế ủng hộ các dự án thủy điện mới.

Thành công từ dự án GERD của Ethiopia cũng có thể khiến các nước thuộc lưu vực sông Nile quan tâm hơn đến việc xây dựng các đập khác trên toàn lưu vực.

NBI cho biết: "Hầu hết các quốc gia thuộc lưu vực sông Nile đang chứng kiến đà tăng trưởng kinh tế khởi sắc, yếu tố làm gia tăng nhu cầu về nước, năng lượng và thực phẩm. Lưu vực sông Nile mang lại tiềm năng sản xuất thủy điện rất lớn, nhưng phần lớn vẫn chưa được khai thác, với các cơ sở hiện có chỉ chiếm khoảng 26% công suất tiềm năng."

Có vẻ ít người nghi ngờ rằng các quốc gia khác ở lưu vực sông Nile đang muốn đặt nền kinh tế của họ ngang hàng với Ai Cập. Tranh cãi về GERD chỉ là sự khởi đầu của một cuộc khủng hoảng sâu sắc hơn, mà nếu không được giải quyết ngay từ bây giờ có thể sẽ leo thang nguy hiểm.

Liên minh châu Phi (AU), Liên đoàn Arab (Al) và NBI đều không thể phá vỡ thế bế tắc của các cuộc đàm phán liên quan đập GERD giữa Ai Cập, Sudan và Ethiopia.

Trước mắt, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gần như chắc chắn sẽ chưa thể làm được nhiều để hòa giải giữa các bên. Đối với an ninh của toàn bộ khu vực, điều cần thiết bây giờ là sự can thiệp của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn các mối hiểm họa tiềm tàng ở lưu vực sông Nile./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Hiện trường vụ tai nạn. (Nguồn: Egypt Today)

Tai nạn tàu hỏa gây thương vong ở miền Nam Ai Cập

Theo cơ quan đường sắt Ai Cập, vụ tai nạn xảy ra khi một đầu máy tàu hỏa đâm vào đuôi của một đoàn tàu đang di chuyển từ tỉnh Aswan về thủ đô Cairo, khiến hai toa của đoàn tàu bị tách rời.