Đặt cọc tiền để hồi hương 3 thuyền viên Việt Nam được cướp biển thả

Đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết Bộ đã có công văn cầu doanh nghiệp xuất khẩu lao động khẩn trương phối hợp hỗ trợ đưa 3 thuyền viên vừa được cướp biển Somalia thả về nước.
Đặt cọc tiền để hồi hương 3 thuyền viên Việt Nam được cướp biển thả ảnh 1Các con tin được cướp biển Somalia trả tự do. (Nguồn: theguardian.com)

Đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, Bộ đã có công văn yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu lao động khẩn trương phối hợp hỗ trợ đưa 3 thuyền viên vừa được cướp biển Somalia thả về nước, đồng thời có chính sách hỗ trợ lao động theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus ngày 24/10, ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã nhận được công văn của Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) thông báo về việc 3 thuyền viên Việt Nam trên tàu cá Naham 3 bị hải tặc Somalia bắt giữ sẽ được thả.

Theo ông Tống Hải Nam, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã gửi công văn yêu cầu Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor), công ty phái cử đã đưa người lao động đi phải liên hệ gấp với Quỹ Bảo hộ công dân và Pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài để được hướng dẫn thủ tục đặt cọc tiền vào Quỹ để Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania mua vé đưa các thuyền viên về nước.

Cục Quản lý lao động ngoài nước đã yêu cầu Công ty Vinamotor phải làm việc với công ty môi giới và chủ sử dụng thuyền viên để thanh toán lương, các chế độ bảo hiểm, chi phí hỗ trợ lao động trong thời gian thuyền viên bị hải tặc Somalia bắt giữ và chi phí đưa 3 thuyền viên về nước. Ngoài ra, phía công ty xuất khẩu lao động sẽ phải tổ chức đưa đón người lao động về quê, nghiên cứu cơ chế hỗ trợ thuyền viên gặp rủi ro khi đi làm việc ở nước ngoài.

Ông Tống Hải Nam cho biết thêm, mặc dù công văn tới Tổng công ty Vinamotor từ cuối tuần trước nhưng do tổng công ty này đã cổ phần hóa, ban lãnh đạo thay đổi nên đến nay vẫn chưa được báo cáo của công ty.

Cơ quan phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) đã đưa các thuyền viên từ Somalia về Kenya. Ngày 23/10, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania đã tới sân bay Kenyatta đón, động viên các thuyền viên Việt Nam và hỗ trợ các thủ tục liên quan để hồi hương các thuyền viên.

Trước đó, vào tháng 2/2012, tàu cá Naham 3 của Đài Loan đã bị cướp biển Somalia bắt giữ tại quần đảo Seychelles (Ấn Độ Dương). Trên tàu có các thuyền viên người Trung Quốc, Philippines, Campuchia, Indonesia, Đài Loan và Việt Nam.

Ba thuyền viên Việt Nam trên tàu cá này là Nguyễn Văn Hạ, Nguyễn Văn Xuân (cùng 35 tuổi, ở Hà Tĩnh) và Phan Xuân Phương (27 tuổi, ở Nghệ An). Sau hơn 4 năm bị bắt giữ, 26 thuyền viên trên tàu đã được thả./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục