Đặt ky giàn khoan hiện đại thứ hai do Việt Nam chế tạo

Lễ đặt ky giàn khoan Tam Đảo 05 - giàn khoan hiện đại thứ hai do Việt Nam chế tạo, có tổng vốn 230 triệu USD diễn ra tại Bà Rịa-Vũng Tàu.
Đặt ky giàn khoan hiện đại thứ hai do Việt Nam chế tạo ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 25/10, tại Cảng dịch vụ dầu khí hạ lưu PTSC) thành phố Vũng Tàu, chủ đầu tư là Liên doanh dầu khí Việt-Nga (Vietsovpetro) phối hợp với tổng thầu là Công ty cổ phần Chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard) đã tổ chức đặt ky cho giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05.

Đây là giàn khoan tự nâng hiện đại thứ 2 do PV Shipyard - đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tự chế tạo.

Giàn khoan Tam Đảo 05 được thiết kế theo mẫu JU-2000E của Friede and Goldman (Hoa Kỳ) với tổng khối lượng khi hoàn thành lên tới 18.000 tấn, có thể hoạt động được ở độ sâu 120 mét nước biển và khoan sâu tới 9.000 mét.

Giàn khoan Tam Đảo 05 có tổng giá trị 230 triệu USD và dự kiến sẽ hoàn thành sau 32 tháng thi công.

Trước đó, PV Shipyard đã chế tạo thành công giàn khoan tự nâng Tam Đảo 03 nặng gần 12.000 tấn, hoạt động được ở độ sâu 90 mét nước biển và Vietsovpetro đã đưa vào sử dụng hiệu quả từ năm 2012.

Bên cạnh đó, ngày 12/10/2014, PV Shipyard cũng đã cải hoán và nối dài thành công giàn khoan Tam Đảo 02 bàn giao cho Vietsovpetro cho thấy năng lực, bước phát triển thực sự trong chế tạo giàn khoan của PV Shipyard.

Ông Từ Thành Nghĩa, Tổng Giám đốc Liên doanh Dầu khí Việt-Nga cho biết, hiện nay đơn vị vẫn đang phải thuê 4 giàn khoan của nước ngoài và tiêu tốn mỗi năm khoảng 220 triệu USD.

Vì vậy, sau thành công của giàn khoan tự nâng Tam Đảo 03, Vietsovpetro đã quyết định đặt PV Shipyard chế tạo thêm giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 nhằm mở rộng quy mô, tăng chủ động cho đơn vị, đồng thời giảm bớt chi phí phải đi thuê giàn khoan từ nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.