Đảng, Nhà nước luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để ổn định chính trị-xã hội, phát triển bền vững.
An sinh xã hội được xác định là một bộ phận quan trọng của chính sách xã hội, nằm trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; là điều kiện để bảo đảm cho sự phát triển của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.
Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao công tác chăm lo sức khỏe cộng đồng, thực hiện bảo hiểm y tế cho người dân, khám, chữa bệnh cho người nghèo, nỗ lực giải quyết việc làm, cải thiện mức sống và điều kiện sống cho nhân dân...
[Phát triển nông nghiệp thịnh vượng-nông dân giàu có-nông thôn hiện đại]
Trong bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới” gần đây của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh việc bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội và phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện là một trong những nhiệm vụ chính của Đảng và Nhà nước.
Ngành nông nghiệp Việt Nam luôn được Đảng, Chính phủ quan tâm, đầu tư, được coi là trụ cột của nền kinh tế quốc gia. Công tác an sinh xã hội với nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững được triển khai rộng khắp tại các địa phương trên cả nước đã đem lại nhiều kết quả tích cực.
Giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn dễ dàng
Một trong những hoạt động phát huy hiệu quả trong hệ thống chính sách an sinh xã hội chính là cơ chế ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị-xã hội của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Nhiều hộ gia đình ở nông thôn đã khắc phục khó khăn, vươn lên thoát nghèo và làm giàu bền vững nhờ vào cơ chế này.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng, các cấp Hội Nông dân và Ngân hàng Chính sách xã hội thường xuyên điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế chung của từng địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn trong thực hiện nhiệm vụ.
Trong hơn 5 năm qua, dư nợ nhận ủy thác của Hội Nông dân liên tục tăng, từ hơn 42.000 tỷ đồng cuối năm 2014 lên 67.000 tỷ đồng vào cuối năm 2020, tăng 58,23%, chiếm tỷ trọng 30,58% tổng dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác cho các tổ chức chính trị-xã hội.
"Hoạt động ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội đã trở thành điểm sáng trong thực hiện vai trò là cầu nối nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đến với phụ nữ nghèo, kiểm soát đồng vốn, hỗ trợ đồng hành để đồng vốn được sử dụng đúng mục đích góp phần giúp các hộ nghèo thoát nghèo, phát triển kinh tế," ông Thào Xuân Sùng nhấn mạnh.
Khẳng định thông qua hoạt động ủy thác, các tổ chức chính trị-xã hội có thêm điều kiện củng cố tổ chức mình gần dân, sát dân hơn, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Lam cho rằng hiệu quả cao nhất đó chính là góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được nâng cao và củng cố, tăng cường niềm tin vững chắc của nhân dân vào công cuộc đổi mới của Đảng, Nhà nước.
Nhấn mạnh về kế hoạch trong thời gian tới, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng cho biết hoạt động ủy thác cho vay thông qua các tổ chức chính trị-xã hội sẽ tiếp tục là một kênh dẫn vốn quan trọng để tín dụng chính sách xã hội phát triển theo hướng ổn định, bền vững.
Sự phối hợp này đã tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho hộ nghèo, đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn để được thụ hưởng các chương trình tín dụng và tiếp cận với các dịch vụ do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp.
Hỗ trợ nông dân mua bảo hiểm nông nghiệp
Bên cạnh việc giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi cùng hàng loại chính sách an sinh xã hội dành cho lao động nông thôn, từ năm 2010, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Đề án thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp nhằm giúp nông dân bớt thiệt hại khi gặp rủi ro.
Điểm quan trọng trong Đề án là khi nông dân mua bảo hiểm liên quan đến sản xuất nông nghiệp sẽ được Nhà nước hỗ trợ phí bảo hiểm.
Nhà nước đã hỗ trợ 80-90% phí bảo hiểm cho hộ nông dân nghèo; 60% cho hộ nông dân không thuộc diện nghèo; 50% cho tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.
Ba đối tượng được bảo hiểm gồm cây trồng là cây lúa; vật nuôi trâu, bò, heo, gia cầm; thủy sản (gồm cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm chân trắng)...
Theo Thạc sỹ Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Trường Đại học Duy Tân Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh những rủi ro thường gặp như thiên tai, dịch bệnh, các sản phẩm nông nghiệp thay đổi từ năm này qua năm khác do tính chất khó dự đoán của thời tiết, sâu bệnh và các điều kiện thị trường đã làm hoa lợi và giá nông phẩm biến động.
Những thay đổi trên làm cho thu nhập của nông dân trở nên bấp bênh, đời sống không ổn định, không dám đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp.
Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng những tổn thất nặng nề này khiến nông dân chưa thanh toán được nợ nần và tình trạng này đã kéo dài trong nhiều năm.
Các tổ chức tài chính sẽ không dám cho nông dân vay tiền vì rủi ro nợ xấu quá cao, khiến họ không có khả năng tái sản xuất, đa dạng hóa và hiện đại hóa nông nghiệp.
Vì vậy, việc xuất hiện bảo hiểm nông nghiệp đã giúp người dân yên tâm tham gia sản xuất, nếu không may xảy ra rủi ro khách quan sẽ được bảo hiểm hỗ trợ, không bị mất trắng như trước.
Ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), cho biết chương trình đã thiết lập được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thí điểm bảo hiểm trong nông nghiệp; hình thành được ba sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp phù hợp với đặc tính của từng loại sản phẩm...
Một số doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện bồi thường kịp thời cho các hộ khi xảy ra tổn thất do rủi ro thiên tai, dịch bệnh, góp phần giúp hộ dân ổn định đời sống và có điều kiện tiếp tục sản xuất kinh doanh.
Theo nhận định của các chuyên gia, giai đoạn thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đã được triển khai một cách đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan liên quan và một số doanh nghiệp bảo hiểm.
Tuy nhiên, việc triển khai vẫn gặp một số khó khăn về tuyên truyền vận động; giám sát tuân thủ quy trình sản xuất, tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và kiểm soát rủi ro trong quá trình sản xuất nông nghiệp, thiếu công cụ quản lý số liệu.
Các chuyên gia kinh tế phân tích, nguyên nhân khiến bảo hiểm nông nghiệp chưa được triển khai rộng rãi là do nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam manh mún, phạm vi đối tượng, địa bàn bảo hiểm khá rộng nên khả năng tham gia bảo hiểm hạn chế.
Để bảo hiểm nông nghiệp phát huy tối đa tác dụng, Nhà nước cần phải xây dựng cơ chế chính sách riêng cho bảo hiểm nông nghiệp; đồng thời nghiên cứu mức độ rủi ro cho từng đối tượng, từng vùng để có chính sách phát triển bảo hiểm phù hợp.
Sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp phải công khai, minh bạch, khách quan; đảm bảo quyền lợi giữa các bên tham gia; được thực hiện dễ dàng trong việc tham gia bảo hiểm cũng như trong bồi thường thiệt hại; tiếp tục hoàn thiện các điều kiện, điều khoản để sản phẩm phù hợp với điều kiện thực tế...
Để tiếp tục hỗ trợ cho nông dân, ngày 18/4/2018 Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp với mức hỗ trợ tối đa 90% phí bảo hiểm nông nghiệp cho cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, 20% cho các cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.
Phát huy vai trò các cấp Hội Nông dân
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tiếp tục phát triển, xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến...
Hàng năm, các hộ nông dân sản xuất giỏi các cấp đã giúp trên 790.000 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về cây, con giống, máy móc, vật tư nông nghiệp, ngày công lao động, tiêu thụ sản phẩm... trị giá trên 15.000 tỷ đồng/năm.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng, có được kết quả như vậy phần lớn nhờ vào các chính sách an sinh xã hội đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Với vai trò chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho hội viên nông dân cả nước, Hội Nông dân Việt Nam đã xây dựng nhiều chương trình thiết thực trợ giúp cho hoạt động kinh doanh, sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.
Đặc biệt, Quỹ hỗ trợ nông dân của các cấp Hội với nguồn vốn hơn 3.000 tỷ đồng đã giúp nông dân xây dựng hàng nghìn mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống.
Bên cạnh đó, Hội phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo, đối thoại chính sách và các cuộc tuyên truyền cho hơn 2 triệu lượt cán bộ, hội viên, nông dân; xây dựng được 369 mô hình vận động hội viên, nông dân tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện; xây dựng được hơn 1.400 mô hình vận động hội viên, nông dân tham gia thực hiện Bảo hiểm y tế toàn dân.
Có thể khẳng định các chính sách an sinh xã hội đang ngày càng phát huy tác dụng, hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống nông dân; bộ mặt nông thôn dần thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, ấm no và hạnh phúc.../.