Đặt tên 2 quận mới Hà Nội: Cần hợp với lòng dân

Không ít người sinh sống tại địa bàn huyện Từ Liêm cho rằng, quá trình lấy ý kiến nhân dân quá gấp rút và có phần thiếu dân chủ.

Ngày 6/12, với 100% phiếu đồng ý, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua tờ trình điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập hai quận có tên Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm.

Tuy nhiên, xung quanh câu chuyện đặt tên cho quận mới vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều. Không ít người hiện đang sinh sống tại địa bàn huyện Từ Liêm cho rằng, quá trình lấy ý kiến nhân dân về sự kiện lớn này quá gấp rút và có phần thiếu dân chủ. Cũng như tên 2 quận mới là không hợp lý.

Lấy ý kiến, họp biểu quyết vội vàng kiểu lấy lệ

Là một người sống nhiều năm tại huyện Từ Liêm, bác Trần Xuân Sách (tổ dân phố số 13, Cầu Diễn) tỏ ra rất bất ngờ trước tin Thành phố Hà Nội đã thông qua về tên của hai quận mới được tách từ Huyện Từ Liêm "thể theo nguyện vọng của đa số người dân."

Ông Sách cho hay, bản thân các cuộc họp tại tổ dân phố để lấy ý kiến nhân dân về việc chia tách và đặt tên quận mới đã có rất nhiều vấn đề đáng bàn. Điển hình, tại tổ dân phố 13 Cầu Diễn vốn có tới 255 hộ dân sinh sống. Trước thời điểm cuối tháng 11, hầu như rất ít người biết đến việc huyện của mình sẽ được chia tách với hai cách định danh hoàn toàn mới.

“Theo kế hoạch, ngày 30/11 tổ 13 họp để lấy ý kiến cộng đồng về chủ trương này thì đến tận ngày 28,29, giấy mời mới được chuyển đến tay từng hộ,” ông Sách nói.

Thậm chí, nhiều gia đình chỉ mới cầm giấy mời “chưa nóng tay” buổi sáng đến buổi tối cùng ngày đã phải lục tục kéo ra hội trường để biểu quyết. Vậy nên, mới xuất hiện tình trạng phải tới tận nay, đại diện không ít hộ mới ngã ngửa ra vì biết huyện sắp tách thành hai quận.

Anh Nguyễn Linh (số nhà 25, tổ 13 Cầu Diễn) bức xúc: “Thời gian trước một cuộc họp quan trọng như vậy là quá ngắn, khiến cho nhiều người không thể chuẩn bị kịp thông tin cũng như suy nghĩ kỹ về việc đặt tên mới. Do vậy, hiệu quả của cuộc họp là không cao.”

Để dẫn chứng cho quan điểm của mình, anh Minh cho hay, riêng địa bàn tổ 13 Cầu Diễn vốn có 255 hộ dân. Tuy nhiên, do giấy mời “về chậm”, đến tối 30/11, chỉ chưa đến 50% đại diện các hộ có mặt.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại các tổ dân phố số 13, số 7… Cầu Diễn; xã Xuân Phương, Minh Khai, Phú Diễn… thuộc huyện này.

Điều đáng nói hơn, theo phản ánh của nhiều người dân, diễn biến các buổi họp dường như “bị nắn” theo hai cái tên Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm.

Ông Sách kể: “Tại buổi họp của tổ 13, đến phương án Mỹ Đình và Từ Liêm, đại diện thị trấn nói rằng, dù có 2 phương án: Nam Từ Liêm-Bắc Từ Liêm và Từ Liêm-Mỹ Đình nhưng Mỹ Đình chỉ là tên một xã nên đại diện cho quận là không hợp lý nên người dân không nên chọn.

Anh này cũng thuyết phục bà con là việc giữ cả hai quận mới đều còn chữ Từ Liêm là "đảm bảo tính truyền thống.”

Chính cách tổ chức lấy ý kiến với hình thức “vận động và thuyết phục” như vậy nên nhiều người cảm thấy không được tôn trọng và bỏ về.

Ngay cả với một tổ dân phố thống nhất cao với tên gọi Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm như tổ 15, vị tổ trưởng tên Nghĩa cũng cho hay, bản thân ông cũng muốn giữ tên một quận là Từ Liêm. Quận còn lại có thể là Thăng Long hoặc Mỹ Đình sẽ hợp lý hơn.

“Việc đặt tên cho quận mới thông qua việc lấy ý kiến nhân dân là đúng. Thế nhưng, cách tổ chức họp thiếu chuẩn bị thông tin, định hướng mang tính áp đặt như vừa qua là không dân chủ,” tổ phó tổ dân phố số 13 Cầu Diễn nhận định.

Số liệu chưa phản ánh đúng lòng dân

Chưa hết bức xúc về cách tổ chức họp vội vàng, thiếu tính xây dựng và góp ý, nhiều cư dân huyện Từ Liêm lại thêm một lần bất ngờ khi Bí thư huyện ủy Lê Văn Thư công bố con số 90,5% cộng đồng nhất trí với phương án đặt tên hai quận mới là Nam và Bắc Từ Liêm.

Ông Trần Xuân Sách cho hay: Bản thân kết quả của các cuộc lấy ý kiến tại tổ dân phố và các xã cũng cần phải được xem xét lại “thứ nhất do thời gian tổ chức quá gấp rút, mọi người không hề có sự chuẩn bị; thứ hai là phương thức tiến hành lấy ý kiến chưa thực sự chuẩn xác.”

Cụ thể, theo ông Sách, tối 30/11, sau khi được “giải thích” về sự hợp lý của tên quận mới, tổ 13 đã tiến hành lấy ý kiến bằng cách biểu quyết. Kết quả ước lượng là "quá bán" những người có mặt đồng ý và "số liệu" này được ghi vào biên bản là 60% để chuyển lên cấp cao hơn.

Số liệu này sau đó cũng được ghi vào biên bản hội nghị để chuyển lên cấp cao hơn.

“ Kể cả con số đó là chính xác, thì với số người không có mặt và bỏ về, là chưa đầy đủ," anh Linh, cư dân tổ 13 nhận định. Anh Linh cũng cho biết rằng, ban đầu, hầu hết mọi người đều phản đối phương án Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm và nghiêng về lựa chọn Từ Liêm và Mỹ Đình nhưng sau thì thấy tình hình "ý kiến cũng chả ích gì" nên biểu quyết đại cho xong còn về. "Thái độ của người dân như vậy, nếu nói con số đồng tình tên Nam-Bắc là thể hiện cho 'ý dân' thì thật khó đảm bảo tính khách quan,” anh Linh bày tỏ quan điểm.

Bản thân vị tổ phó tổ 13 cũng khẳng định với phóng viên, sau cuộc họp, ông thăm dò ngẫu nhiên thì có đến 80% những người được hỏi không đồng tình với cách đặt tên của huyện đề xuất.

Tại thôn Ngọc Đại, Đại Mỗ, theo tìm hiểu của phóng viên Vietnam+, trong buổi họp chiều 1/12, thậm chí 100% đều nhất trí với phương án giữ tên 1 quận là Từ Liêm, quận còn lại là Mỹ Đình “nhằm đánh dấu thời kỳ đổi mới của Hà Nội.”

Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận tại xã Cổ Nhuế, khi hầu hết đều phản đối dù vị chủ tọa cố gắng “lái” theo tên mà những người xây dựng đề án mong muốn.

Một thực trạng nữa là, tình trạng người dân thờ ơ, không quan tâm đến “lá phiếu” trong tay mình nhất cư dân ở địa giới thuộc Bắc Từ Liêm là khá nhiều. Vị trưởng thôn Văn Trì, xã Minh Khai thẳng thắn chia sẻ: đằng nào họ cũng là Từ Liêm, thêm chữ Bắc vào cũng chả thay đổi gì mấy nên họ không cần quan tâm."

Theo khảo sát thực tế của nhóm phóng viên Vietnam+ tại một số chung cư lớn của Từ Liên là Keangnam, Mỹ Đình, The Manor, chung cư Mễ Trì Hạ... thì đại đa số tỏ ra bất bình trước con số 90,5% đồng tình mà Bí thư huyện ủy Lê Văn Thư công bố.

Cư dân ở đây cũng rất bất bình về cách lấy ý kiến kiểu cho có. Chị Hà, cư dân khu The Manor bức xúc: "Chẳng thà chính quyền cứ đặt luôn tên, thì người dân dù có thấy chưa hợp cũng dễ chấp nhận hơn là hỏi mà không tôn trọng ý kiến người dân."

Chị Thanh, cư dân khu Keangnam thì đặt ra câu hỏi: Dường như chính quyền đã quyết hai cái tên Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm thì việc lấy ý kiến vội vã, tổ chức họp gấp rút cho gần 600 ngàn cư dân, trong một địa giới rộng tới gần 80 km2 để làm gì mà hẳn chi phí cho việc lấy ý kiến đó là không nhỏ?

Ông Ngà, cư dân khu Mễ Trì Hạ, tham gia họp dân phố để lấy biểu quyết cũng bức xúc cho biết: 100% cư dân ở đây chọn phương án Mỹ Đình-Từ Liêm, không hiểu ông bí thư huyện ủy lấy đâu ra con số 90,5 kia? Ông Ngà cũng bày tỏ ý kiến e ngại rằng, việc đặt tên Bắc-Nam vừa dài, vừa mang tính phân chia, thể hiện sự chia cắt rõ rệt sẽ có thể gây tâm lý tiêu cực.

Tương tự, các tổ trưởng dân phố cụm cư dân của các khu The Manor, Mỹ Đình, Keangnam... cũng cho biết, tại cuộc họp cũng như trong phiếu biểu quyết của người dân tại các cụm cư dân này đều chọn phương án Mỹ Đình-Từ Liêm.

"Chúng ta đang có Khu Mỹ Đình, Sân Vận động Quốc gia Mỹ Đình, ngay cả Trung tâm Hội nghị Quốc gia tuy không có chữ Mỹ Đình, xong hầu như ai cũng gắn thêm vào khi nhắc đến, bởi vậy, Mỹ Đình không nhỏ về mặt địa lý cũng không 'bé' về địa danh, bà Thảo, cư dân khu Mỹ Đình phân tích. Vả lại, để Từ Liêm, thì vẫn là Từ Liêm chứ thêm Bắc, Nam vào thì chẳng còn ý nghĩa lịch sử nữa....

Trước một chính sách lớn thay đổi địa giới hành chính và tên gọi của một vùng, đang là một đô thị lớn, văn minh, tập trung nhiều địa điểm mang tầm quốc gia của Thủ đô, khi vẫn có những ý kiến trái chiều và khi có những dấu hỏi đặt ra cho vấn đề "lấy ý dân" thì dù đã thông qua vào sáng 6/12, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nên chăng, xem xét kỹ lưỡng, cân nhắc và kiểm tra để tên hai quận mới đáp ứng được ý nguyện, lòng dân, để dân phục, dân tin tưởng vào chính sách dân chủ đã được đưa ra, và dân yêu thích cái tên địa danh mới mình sinh sống./.

Vietnam+

Tin cùng chuyên mục