Công ty trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam (DATC) mới kết thúc đàm phán mua lại nợ của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) với 2 chủ nợ là tổ chức tín dụng.
Quá trình đàm phán trên theo DATC đang bị trì hoãn vì phía các tổ chức tín dụng yêu cầu mức giá cao hơn nhiều so với giá DATC dự kiến.
Theo báo cáo mới nhất của DATC gửi Bộ Tài chính, công ty này cho biết đã tiếp xúc và đàm phán nợ với các chủ nợ là tổ chức tín dụng trong và ngoài nước như: Vietinbank, VCB, HSBC, Tienphongbank, VPbank, Oceanbank, Natixis (Pháp), Malayan Banking (Malaysia) để hỗ trợ tái cơ cấu tài chính Công ty mẹ Vinalines,.... Tổng giá trị sổ sách các khoản nợ đã đàm phán là hơn 5.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, DATC cho hay, cơ quan này mới kết thúc đàm phán và ký hợp đồng mua lại nợ của VCB với mệnh giá khoản nợ là 396 tỷ đồng và HSBC Việt Nam là 68 tỷ đồng.
Theo DATC, trong quá trình đàm phán, các tổ chức tín dụng chào bán nợ với giá khá cao, thường là với tỷ lệ trên 50% dự nợ gốc. Lý do được các tổ chức tín dụng đưa ra là khi xác định giá trị của Vinalines để cổ phần hóa, Nhà nước đã xác định tăng giá trị tài sản hàng nghìn tỷ đồng. Điều đó cho thấy Vinalines có khả năng về tài sản bảo đảm để trả nợ.
Ngoài ra, báo cáo gửi Bộ Tài chính của DATC chỉ rõ, thông tin cơ quan có thẩm quyền cho phép Vietinbank và một vài tổ chức tín dụng được chuyển nợ phải thu thành vốn góp tại Công ty mẹ Vinalines và các đơn vị trực thuộc cũng khiến các đơn vị trì hoãn đàm phán.
"Việc Vinalines đẩy mạnh việc bán các cảng biển cũng làm cho các tổ chức tín dụng tin rằng Vinalines sẽ thu xếp được các dòng tiền để trả nợ," báo cáo của DATC cho hay.
Tất cả những thông tin trên theo DATC đã ảnh hưởng tới quá trình đàm phán mua lại các khoản nợ. Vì vậy, DATC kiến nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ có ý kiến đề nghị các tổ chức tín dụng ưu tiên xử lý nợ theo phương án đàm phán mua bán nợ với DATC.
Trường hợp Chính phủ cho phép các tổ chức tín dụng được chuyển nợ thành vốn góp tại Vinalines hoặc các đơn vị thành viên Vinalines, DATC cũng đề nghị Chính phủ có cơ chế buộc các tổ chức tín dụng tham gia xử lý tài chính tại đơn vị nhận vốn góp. Đồng thời, DATC đề xuất cần có quy định về giới hạn tỷ lệ góp vốn bằng nợ tại các đơn vị này./.